Vĩnh Phúc: Phát triển các làng nghề truyền thống

Vĩnh Phúc có 25 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống, 6 làng nghề mới với các lĩnh vực sản xuất chủ yếu là mộc, gốm, đan lát mây tre, rèn, chế tác đá và chế biến nông - lâm - thủy sản. Các làng nghề tạo việc làm cho trên 55.000 lao động với thu nhập bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, Vĩnh Phúc đã hình thành nhiều cụm công nghiệp, vùng sản xuất sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung như: cụm công Hợp Thịnh, cụm công nghiệp Tân Tiến, cụm công nghiệp Tề Lỗ…góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Nghề mộc mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân

Riêng giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh hỗ trợ hơn 14 tỷ đồng giúp 143 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực gia công cơ khí, xây dựng, chế biến nông lâm, thủy sản, mộc xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, khoa học kỹ thuật. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng thực hiện việc xây dựng thương hiệu, khuyến khích xây dựng mỗi xã một sản phẩm trong chương trình xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh liên kết tìm đầu ra cho các sản phẩm từ nghề truyền thống; hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực quản lý; chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất. Sở Công thương đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển công thương tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động khuyến công theo hướng đổi mới hỗ trợ về đào tạo, truyền nghề, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến với quy mô lớn, tập trung vào các ngành nghề có thế mạnh, mũi nhọn của tỉnh.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Phúc sẽ hình thành 24 cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền đến các đối tượng thụ hưởng chính sách liên quan đến hoạt động khuyến công, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn kịp thời nắm bắt, tiếp cận được nguồn vốn ưu, sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hình thành hệ thống phân phối lớn trong và ngoài nước; triển khai các chính sách đối với nghệ nhân, thợ giỏi nghề thủ công mỹ nghệ, góp phần thúc đẩy làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề nói riêng và công nghiệp nông thôn nói chung trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.

Nhờ chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, những năm qua, cuộc sống của người dân ở làng mộc Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên ngày càng được nâng lên và không lo thiếu việc làm. Đi từ đầu làng đến cuối làng, đâu đâu cũng vang tiếng cưa, lách cách tiếng đục chạm của những người thợ lành nghề. Dưới bàn tay tài hoa của người thợ và sự hỗ trợ của công nghệ, thiết bị hiện đại, các sản phẩm: Án gian, bàn thờ, gường tủ, câu đối, đồ nội thất, long đình, đại tự, cuốn thư, bàn ghế mỹ nghệ ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Anh Kiều Hoàng Dương, một trong những thợ giỏi có hơn 20 năm theo nghề cho biết: Gia đình anh có 3 xưởng sản xuất mộc rộng 5.000m2 luôn ổn định đơn hàng. Để tạo thương hiệu riêng, những năm qua, anh đã tích cực học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ tư vấn, thiết kế nội thất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. 5 năm trở lại đây, mỗi năm, anh nhận được từ 10 -12 công trình làm đồ gỗ nội thất, bình quân mỗi công trình trị giá khoảng 200 triệu đồng, có những công trình trị giá hàng tỷ đồng.

Cũng nức tiếng với những sản phẩm đồ gỗ nội thất chất tốt, mẫu mã đẹp, anh Nguyễn Ngọc Minh, chủ cơ sở sản xuất Ngọc Minh cho biết, yêu nghề mộc từ nhỏ nên học xong THPT, anh không thi đại học như bao bạn bè cùng trang lứa mà quyết định ở nhà cùng bố mẹ “thổi hồn” cho những phiến gỗ. Nhờ chăm chỉ học nghề, anh đã nhanh chóng trở thành thợ giỏi, đưa cơ sở sản xuất của gia đình ngày càng phát triển. Trung bình mỗi năm, anh nhận từ 20- 25 công trình, có những công trình trị giá hơn 10 tỷ đồng. “Với phương châm đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu và thường xuyên mời những thợ có tay nghề cao làm các sản phẩm cho những công trình có giá trị lớn, cơ sở sản xuất của gia đình ngày càng được nhiều khách hàng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước đặt hàng”- anh Minh nói.

Ông Nguyễn Hữu Bảy, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Lãng cho biết: Nghề mộc Thanh Lãng có tuổi đời phát triển hàng trăm năm và theo hình thức cha truyền con nối. Trước đây, các sản phẩm mộc Thanh Lãng như bàn ghế, sập, tủ chè, câu đối, hoành phi… khá đơn điệu, sản xuất chủ yếu phục vụ nhu cầu người dân địa phương và một số xã lân cận. Để bắt kịp với xu thế thị trường, người dân Thanh Lãng rất năng động, nhạy bén, tích cực đầu tư máy móc, phát triển ngành nghề, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì thế, sản phẩm mộc ở Thanh Lãng không những đẹp về kiểu dáng, mẫu mã mà còn đạt đến trình độ cao về kỹ thuật, mỹ thuật, khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, những năm gần đây, nắm bắt nhu cầu sử dụng đồ gỗ làm nội thất trong các công trình kiến trúc, từ gia đình đến văn phòng, biệt thự, các cơ sở sản xuất mộc của thị trấn đã nhanh chóng đầu tư công nghệ hiện đại, học hỏi kinh nghiệm nâng cao trình độ tay nghề và có sự kết hợp hài hòa giữa kiểu dáng cổ kính với những yếu tố hiện đại đã kiến tạo không gian nội thất hoàn mỹ cho những ngôi nhà.

Theo ông Bảy, hiện toàn thị trấn có gần 250 hộ mở xưởng sản xuất với hơn 2.700 lao động làm nghề, gần 200 lao động làm thợ nề. Với tay nghề cao, sản phẩm đạt chất lượng, nhiều doanh nghiệp, chủ xưởng mộc lớn đã mở được các cửa hàng, đại lý ở khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam, thậm chí một số đồ gỗ cao cấp của Thanh Lãng đã được xuất khẩu sang nhiều nước khu vực Đông Nam Á. Tính riêng năm 2020, doanh thu từ ngành nghề của thị trấn đạt gần 360 tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ nghề mộc, chế biến gỗ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/người/năm.

Không chỉ nổi tiếng với lễ hội chọi trâu, nhiều năm qua, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô còn được nhiều người biết đến là nơi có làng nghề chế tác đá.

Hiện toàn xã có 7 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đá và khoảng 900 lao động theo nghề. Người dân Hải Lựu ai nấy đều rất quý trọng nghề truyền thống của làng và không ai lãng phí đá. Dù khai thác được hòn đá to hay viên đá nhỏ, người thợ đều phải có tính toán chi li xem từng thớ đá có thể cho ra những sản phẩm thích hợp nào. Cũng như người thợ mộc, thợ đá cũng phải ba lần đo mới có một lần quyết định vạch lỗ cắm choong để tách từng tảng đá ra mà đục đẽo.

Tuy nhiên, nghề chế tác đá Hải Lựu đang đứng trước nguy cơ mai một do đây là nghề nặng nhọc, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vốn đầu tư còn thiếu, mặt bằng sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, người chế tác đá còn thiếu thông tin về thị trường, giá cả, luật pháp cũng như các vấn đề về xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng. Đậc biệt, do người lao động chưa được đầu tư kịp thời về trình độ kỹ thuật nên các sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Đứng trước thực trạng này, UBND xã Hải Lựu kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ làng nghề về vốn, thị trường tiêu thụ; tăng cường đào tạo, cập nhật thông tin thị trường để giúp người theo nghề nắm bắt nhanh tình hình và nhu cầu xã hội, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, ổn định và phát triển sản xuất; nghiên cứu tạo ra đặc trưng của sản phẩm làng nghề; xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề…

Nga Phúc

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vinh-phuc-phat-trien-cac-lang-nghe-truyen-thong-83053