Vĩnh Phúc: Phấn đấu giảm 20% số vụ việc vi phạm Luật Đất đai

Trong những năm qua, tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai diễn ra phức tạp, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh siết chặt công tác quản lý, sử dụng đất. Đồng thời, tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp huyện, cấp xã khi buông lỏng công tác quản lý đất đai, gây ra hậu quả lớn.

Huyện Vĩnh Tường ra quân xử lý vi phạm an toàn giao thông, Luật Đất đai.

Để chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, Vĩnh Phúc đã xây dựng, ban hành Đề án phòng ngừa, ngăn chặn, chống lấn chiếm và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn. Thời gian thực hiện đề án từ năm 2019 đến năm 2024. Cụ thể: Năm 2019 đến 2021, chấm dứt các vụ việc vi phạm mới phát sinh và mỗi năm giải quyết ít nhất 20% số vụ, việc vi phạm; từ năm 2022 đến 2023, mỗi năm giải quyết ít nhất 15% số vụ, việc vi phạm...

Qua rà soát, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 17.000 trường hợp vi phạm hoặc có vướng mắc về đất đai như tự ý lấn, chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép; đã thu tiền sử dụng đất nhưng chưa được giao đất; đã sử dụng đất nhưng chưa được công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đáng chú ý, hành vi tự ý lấn, chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép chiếm tỷ lệ nhiều nhất với hơn 13.000 trường hợp.

Trong đó có 11.435 trường hợp vi phạm ở thời điểm từ ngày 01/7/2014 trở về trước (là thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực) với tổng diện tích 603,59 ha. Thời điểm sau ngày 01/7/2014 có 1.640 trường hợp vi phạm, với tổng diện tích 33,42 ha. Các hành vi vi phạm diễn ra trong thời gian dài, có trường hợp công khai, trắng trợn đã làm giảm sút hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai, làm giảm niềm tin của một bộ phận nhân dân đối với việc thực thi pháp luật nói chung và Luật Đất đai nói riêng.

Tại huyện Yên Lạc, đến tháng 8/2019, trên địa bàn có 253 trường hợp lấn đất, tổng diện tích trên 32.400m2; 6 trường hợp chiếm đất, diện tích 810m2; 649 trường hợp sử dụng đất sai mục đích, diện tích gần 140.400m2. Cùng với đó, Yên Lạc có 870 trường hợp giao đất trái thẩm quyền, diện tích gần 257.150m2 và 20 trường hợp đã thu tiền sử dụng đất nhưng chưa giao đất. Nếu so với số liệu báo cáo tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì với Thường trực Huyện ủy Yên Lạc vào chiều 6/4/2018 thì địa phương này giải quyết được 66 trường hợp lấn chiếm đất, trên 1.100 trường hợp được công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng số trường hợp sử dụng đất sai mục đích lại tăng thêm 69 trường hợp, từ 580 trường hợp (thời điểm 30/3/2018) tăng lên 649 trường hợp (tháng 8/2019).

Tình trạng lấn chiếm đất đai, vi phạm hành lang an toàn giao thông diễn ra nhiều nhất tại các xã Trung Nguyên, Đồng Văn, Tề Lỗ, thị trấn Yên Lạc. Bởi đây là những địa phương có nghề buôn bán phương tiện vận tải, sắt thép, săm lốp ôtô, phế liệu… rất phát triển mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng cho các hộ dân mỗi năm.

Tại xã Tề Lỗ, theo thống kê, toàn xã còn 95 trường hợp vi phạm Luật Đất đai, trong đó có 45 trường hợp sai phạm từ trước thời điểm 01/7/2004; 24 trường hợp sai phạm từ thời điểm 01/7/2004 đến 01/7/2014; 13 trường hợp sai phạm từ năm 2014 đến 30/9/2018. Tình trạng vi phạm Luật Đất đai ở Yên Lạc chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí còn tăng thêm. Từ cuối tháng 9/2018 đến 30/8/2019, Tề Lỗ có 24 trường hợp vi phạm mới, với diện tích trên 4.500 m2, tập trung chủ yếu ở 2 bên đường Tỉnh lộ 303, QL2C và tại các thôn Nhân Lý, Giã Bàng.

Trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, một trong những địa phương có số hộ vi phạm quy định về sử dụng đất đai lớn. Xã Tân Tiến và Đại Đồng, Nghĩa Hưng là những địa phương có vi phạm Luật Đất đai điển hình của huyện Vĩnh Tường với hàng trăm hộ vi phạm về sử dụng đất nông nghiệp…

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã lập hồ sơ xử lý hơn 7.000 trường hợp tự ý lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép với diện tích 240,66 ha. Với những vi phạm từ ngày 01/7/2014 trở về trước mới xử lý được trên 5.000 trường hợp, đạt khoảng 48%; vi phạm sau ngày 01/7/2014 đã xử lý được hơn 1.400 trường hợp, đạt gần 89%.

Xây dựng trái phép trên tuyến đường Đại Đồng – Thổ Tang.

Trước thực trạng trên, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thực hiện Đề án phòng ngừa, ngăn chặn, chống lấn chiếm và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn với mục tiêu trong năm 2019 là “chấm dứt các vụ phát sinh mới” và giảm quyết ít nhất 20% số vụ việc vi phạm. Theo đó, UBND các cấp, nhất là cấp xã tăng cường công tác quản lý về đất đai; chỉ đạo xử lý nghiêm túc, kiên quyết không để xảy ra trường hợp phát sinh mới xảy ra trên địa bàn. Xử lý nghiêm các cán bộ tiếp tay, né tránh bỏ mặc sai phạm hoặc xử lý kiểu chỉ mang tính hình thức, làm cho đạt chỉ tiêu…

UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn; Phân loại rõ từng loại vi phạm theo từng thời điểm cụ thể để đề xuất biện pháp tháo gỡ, giải quyết phù hợp; Xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể giải quyết các vụ việc cụ thể theo từng năm; Chỉ đạo kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm không chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, không tự nguyện tháo dỡ, di dời trả lại hiện trạng trước khi vi phạm.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, UBND các cấp thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về những hành vi vi phạm pháp luật về đất đai để các cơ quan chức năng kịp thời xử lý, ngăn chặn hành vi vi phạm ngay từ ban đầu…

Văn Nhất

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/phap-luat/vinh-phuc-phan-dau-giam-20-so-vu-viec-vi-pham-luat-dat-dai.html