Vĩnh Phúc: Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân phát huy hiệu quả tích cực

Với hơn 90% bạn trẻ ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên được tư vấn, cung cấp kiến thức về SKSS/KHHGĐ, năm 2020 công tác tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân tại tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành kế hoạch. Góp phần đảm bảo hạnh phúc gia đình, nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Triển khai rộng rãi, đa dạng...

Được biết, từ năm 2010 đến nay mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân được triển khai tại 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhằm giúp các bạn trẻ trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên (VTN/TN) có điều kiện tiếp cận nhiều kiến thức, để nâng cao hiểu biết, trang bị những kỹ năng tự chăm sóc, bảo vệ bản thân trước sự thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi mình.

Các hoạt động của mô hình được triển khai đa dạng phong phú về nội dung, hình thức. Cụ thể hàng năm, cơ quan chuyên môn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), giáo dục giới tính cho học sinh tại trường THCS, THPT trên địa bàn.

Đến nay 100% các trường THCS,THPT đã được triển khai hội nghị truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên vì tương lai hạnh phúc gia đình.

Tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên vì tương lai hạnh phúc gia đình.

Đồng thời, tổ chức các hội nghị truyền thông tư vấn về chăm sóc SKSS, lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân cho nam nữ, thanh niên. Phối hợp với Công đoàn các Khu công nghiệp tổ chức hội nghị truyền thông tư vấn về chăm sóc SKSS trước khi kết hôn cho công nhân trẻ tại các công ty.

Phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Chi cục Dân số - KHHGĐ cũng tổ chức hội nghị cung cấp thông tin, vận động, huy động những người có uy tín trong cộng đồng xã, phường, thị trấn tham gia truyền thông DS-KHHGĐ, ủng hộ VTN/TN được chủ động tìm hiểu thông tin, kiến thức và kỹ năng thực hiện các dịch vụ DS-KHHGĐ và giáo dục lối sống lành mạnh cho VTN/TN.

Thành lập mới CLB Tiền hôn nhân và duy trì tổ chức hoạt động CLB Tiền hôn nhân. Đến nay đã thành lập và duy trì được 136 CLB phủ đều 136 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh...

Phát huy các hiệu quả tích tích cực

Đánh giá về hiệu quả của mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân được thực hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm qua, ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Vĩnh Phúc cho biết: Mô hình đã đem lại lợi ích thiết thực cho các thành viên, giúp các bạn trẻ có suy nghĩ đúng và hình thành các mối quan hệ lành mạnh, trong sáng về tình bạn, tình yêu và hôn nhân gia đình.

Giúp các bậc phụ huynh và nhân dân thay đổi quan niệm, không còn xem việc nói với trẻ kiến thức về chăm sóc SKSS là cấm kị, mà đã có thái độ hợp tác ủng hộ tích cực. Các bậc phụ huynh nắm bắt và hiểu hơn tâm sinh lý của con em mình khi các em sắp đến tuổi trưởng thành.

“Không chỉ mang lại lợi ích cho các cặp nam, nữ trong cuộc sống hôn nhân mà hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới. Do đó, mỗi gia đình, mỗi cặp nam, nữ đến tuổi kết hôn chủ động tham gia tư vấn, khám sức khỏe góp phần cùng chung tay với ngành dân số nâng cao chất lượng giống nòi trong tương lai. Đây vừa là lợi ích, nhưng cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân.” – ông Nguyễn Hoài Nam bày tỏ.

Về các giải pháp nâng cao hiểu quả mô hình trong thời gian tới, lãnh đạo Chi cục Dân số - KHHGĐ Vĩnh Phúc cũng cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và xã hội.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc SKSS cho VTN/TN trên địa bàn, bằng nhiều hình thức, như: Trên hệ thống loa phát thanh cơ sở; cấp, phát tờ rơi; tổ chức hội nghị chuyên đề ở khu dân cư…

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn cho cán bộ cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại cơ sở. Tăng cường sự phối hợp của các cơ sở y tế trong việc hướng dẫn và định hướng khám sức khỏe trước hôn nhân.

Để phù hợp với tình hình hiện nay, nhà trường cần đổi mới và tăng cường chương trình giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh, phù hợp với từng cấp học.

Ở góc độ gia đình, các bậc cha mẹ cần có quan điểm đúng đắn về vấn đề này, chủ động gần gũi, tư vấn, hướng dẫn cho các em những kiến thức, kỹ năng về giới tính, tình dục, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, những thay đổi về tâm lý cũng như thể chất của các em để kịp thời động viên, chia sẻ, tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Phối hợp với các cấp, các ngành, nhất là Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp lồng ghép các hoạt động, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ để các em nâng cao hiểu biết.

Trang bị những kỹ năng sống cần thiết để thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe, có lối sống lành mạnh, tình bạn trong sáng, giúp nhau học tập tiến bộ, phấn đấu vươn lên vì sức khỏe, hạnh phúc và tương lai.

Lương Giang

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vinh-phuc-mo-hinh-tu-van-va-kham-suc-khoe-tien-hon-nhan-phat-huy-hieu-qua-tich-cuc-221552.html