Vĩnh Phúc: Lập Thạch xây dựng NTM gắn với chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa

Việc xây dựng nông thôn mới (NTN) ở huyện Lập Thạch đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp. Nhiều cách làm sáng tạo được áp dụng rộng rãi, góp phần huy động các nguồn lực phục vụ xây dựng NTM. Sau hơn 8 năm triển khai, đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện Lập Thạch đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM.

Chung tay góp sức

Lập Thạch là một huyện miền núi ở phía tây bắc của tỉnh Vĩnh Phúc. Nơi đây là đầu mối giao thông nhộn nhịp, sầm uất của các huyện trong tỉnh, như Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường, Sông Lô (một huyện mới tách ra từ Lập Thạch). Thậm chí thông thương với các tỉnh khác, như TP Việt Trì (Phú Thọ), huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Hiện nay trên địa bàn huyện Lập Thạch có 12 dân tộc anh em cùng chung sống có 970 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 3.300 nhân khẩu gồm các dân tộc Cao Lan, Dao, Sán Dìu, Tày, Mường, Thái, Nùng sống xen kẽ, hòa đồng ở hầu hết các xã trong huyện.

Cán bộ khuyến nông huyện cùng bà con nông dân chăm sóc lúa. Ảnh: Chu Kiều

Năm 2011, bắt tay vào xây dựng NTM, Lập Thạch gặp không ít khó khăn như: Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, một số xã còn nhận trợ cấp từ ngân sách Nhà nước, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập... Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện chương trình NTM, bộ mặt nông thôn của huyện có nhiều chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất được tăng cường, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Xã Văn Quán - địa phương cuối cùng của huyện Lập Thạch được BCĐ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Thành quả đó chính là minh chứng rõ nét cho sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và hơn hết là sự đồng tình, ủng hộ cao của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã.

Giai đoạn 2011 - 2018, tổng kinh phí đầu tư cho chương trình nông thôn mới trên địa bàn xã là gần 175 tỷ đồng, trong đó, tỉnh hỗ trợ hơn 40 tỷ đồng; huyện hỗ trợ gần 30 tỷ đồng; ngân sách xã đầu tư trên 25 tỷ đồng và nhân dân đóng góp trên 28 tỷ đồng.

Xác định xây dựng cơ sở hạ tầng là yếu tố cốt lõi trong xây dựng NTM, trong đó làm đường giao thông nông thôn để đi lại và vận chuyển hàng hóa được người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Trong 8 năm, toàn xã bê tông hóa được hơn 36 km, trong đó, đường trục xã và liên xã, trục thôn và liên thôn, đường ngõ xóm được cứng hóa đạt 100%; trục chính nội đồng được bê tông hóa đạt 51%. Hệ thống thủy lợi được đầu tư, đảm bảo tỷ lệ đất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt 80% trở lên. Xã có 16/16 nhà văn hóa thôn và khu thể thao phục vụ cộng đồng được đầu tư đạt chuẩn.

Song song với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn cũng được quan tâm đầu tư. Theo đó, từ nguồn vốn trực tiếp của chương trình, vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện và các nguồn vốn lồng ghép, huyện đã xây dựng chuyển giao các mô hình khoa học kỹ thuật cho người dân áp dụng đưa vào sản xuất đại trà nâng cao thu nhập trên một diện tích đất...Đến nay, xã đã quy hoạch được vùng sản xuất hàng hóa với diện tích 100 ha, cho thu nhập trên 70 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã năm 2018 đạt trên 31 triệu đồng/người/năm. Đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn hơn 4%.

Trở thành huyện NTM

Có thể khẳng định chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM phù hợp với lòng dân, giúp cuộc sống người dân Lập Thạch thay đổi, môi trường được đảm bảo, an ninh trật tự được an toàn, người dân yên tâm lao động sản xuất, hệ thống chính trị của địa phương ngày càng được củng cố. Với 100% số xã đạt chuẩn NTM sẽ là tiền đề quan trọng để huyện Lập Thạch phấn đấu trở thành huyện NTM trong năm nay. Mục tiêu của huyện trong thời gian tới là tiếp tục xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thôn dân cư NTM kiểu mẫu có hạ tầng KT - XH theo hướng hiện đại, môi trường sinh thái trong lành, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh...

Lãnh đạo phòng NN&PTNT huyện cho biết: Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện triển khai trên phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng, trong khi chưa có mô hình mẫu, chưa có kinh nghiệm để các địa phương học tập nên vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, thời gian đầu thực hiện, một số địa phương còn lúng túng trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Bởi vậy, công tác vận động, tuyên truyền được đẩy mạnh với nội dung phù hợp với từng đối tượng và gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; “Lập Thạch chung sức xây dựng NTM”… Bên cạnh đó, huyện đã nhanh chóng vận dụng chính sách của Trung ương, của tỉnh để triển khai đến các xã trên địa bàn như: Hỗ trợ giống vật nuôi, mua máy móc, xây dựng vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa, hỗ trợ cây trồng vụ Đông... đã tạo động lực để người dân tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; hình thành một số vùng chuyên canh với cây, con chủ lực.

Sản phẩm thanh long ruột đỏ của Lập Thạch đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường đem lại nguồn lực kinh tế đáng kể cho địa phương. Ảnh: Anh Tuệ

Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như: 2 khu chăn nuôi lợn tập trung với nhiều trang trại quy mô hàng trăm lợn nái và nghìn lợn thịt ở 2 xã: Quang Sơn, Ngọc Mỹ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Các mô hình chăn nuôi bò sữa liên kết với nhà máy sữa ký kết hợp đồng bao tiêu ở các xã: Thái Hòa, Liên Hòa, thị trấn Hoa Sơn phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện Lập Thạch phát huy thế mạnh đất đồi để phát triển, hình thành vùng trồng thanh long ruột đỏ quy mô 100 ha tại các xã: Xuân Hòa, Ngọc Mỹ, Vân Trục cho thu nhập 200-250 triệu đồng/ha.

Huyện Lập Thạch đang chỉ đạo chính quyền các xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh và đạt hiệu quả kinh tế; tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập và giảm hộ nghèo. Đồng thời, chọn 2 xã Thái Hòa, Triệu Đề làm điểm, phấn đấu đến năm 2020 đạt chuẩn xã NTM nâng cao; chọn 2 xã Đồng Ích và Xuân Hòa làm điểm thực hiện chủ trương của tỉnh về hỗ trợ xây dựng hệ thống cống, rãnh thoát nước thải sinh hoạt xử lý ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn trước khi nhân rộng ra các địa phương khác.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, huyện Lập Thạch sẽ tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM theo hướng phát triển mọi mặt chất lượng đời sống người dân; qua đó tăng cường sự đồng thuận xã hội, tạo động lực để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Lê Hoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vinh-phuc-suc-bat-tu-phong-trao-xay-dung-nong-thon-moi-o-lap-thach-70529