Vĩnh Phúc khẩn trương di dời người dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra mưa lớn, mực nước các sông Lô và sông Phó Đáy đã cao mức báo động và có xu hướng tiếp tục lên cao, nhiều khu vực tại tỉnh Vĩnh Phúc đã ngập trong nước.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc ra lệnh báo động số I trên sông Phó Đáy cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường và yêu cầu các địa phương này triển khai ngay lực lượng, phương tiện, vật tư bảo đảm an toàn hệ thống đê điều theo cấp báo động số 1 đúng quy định;
Tổ chức lực lượng, thực hiện công tác tuần tra, canh gác đê để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu những hư hỏng của đê, kè, cống; nhất là các cống dưới đê và các trọng điểm xung yếu đê điều.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh (quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã) để đánh giá mức độ an toàn của công trình, nhất là các công trình cầu. Đồng thời, rà soát di chuyển ngay các hộ dân khu vực nguy cơ sạt lở, khu vực ở ngoài đê có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nước lũ lên cao của sông Phó Đáy.
Tại huyện Vĩnh Tường, vào 13h30 ngày 10/9, mực nước trên sông Phó Đáy tại trạm đo thủy văn Kim Xá (xã Kim Xã) đã lên tới +15,00m, bằng báo động số II và và có khả năng tiếp tục lên do lượng nước ở thượng lưu dồn về. Nước lên cao đã gây ngập úng ở thôn Việt An và thôn Việt Hưng, xã Việt Xuân. Để đảm bảo an toàn cho người dân các lực lượng chức năng của huyện Vĩnh Tường đã kịp thời sơ tán tài sản cho hơn 50 hộ dân trong vùng ngập úng.
Lực lượng chức năng đang tiếp tục hỗ trợ các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị ngập di dời tài sản, đảm bảo an toàn.
Trên địa bàn xã Việt Xuân bị ngập sâu đoạn từ km7 - km9 của đường tỉnh 305C. Để đảm bảo an toàn, từ 9h ngày 10/9, tỉnh Vĩnh Phúc tạm cấm các phương tiện di chuyển qua cầu Phú Hậu, đồng thời tổ chức, phân luồng giao thông các phương tiện.
Mực nước sông Phó Đáy dâng cao gây ngập lụt tại các khu dân cư hai bên triền đê của huyện Tam Dương và huyện Lập Thạch. Ngay trong đêm 9/9, huyện Tam Dương và Lập Thạch đã huy động các lực lượng Quân sự, Công an và các lực lượng tại chỗ sử dụng các phương tiện tiếp cận, kịp thời sơ tán, di chuyển gần 500 hộ dân cùng tài sản và vật nuôi vùng ngoài đê sông Phó Đáy tới nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, tổ chức chốt chặn, đặt cảnh báo không cho người và các phương tiện qua lại trên các tuyến đường bị ngập sâu.
Tại huyện Sông Lô, đêm 9/9, do mưa lớn cùng với việc các hồ thủy điện thượng lưu đang vận hành xả lũ khiến nước sông Lô dâng đạt đỉnh cao nhất từ năm 1997 đến nay, đã khiến nhiều diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại nặng, nhà cửa tại các xã: Đức Bác, Hải Lựu, Bạch Lưu, Đôn Nhân bị ngập. Trước tình hình đó, huyện Sông Lô quyết định sơ tán khẩn cấp gần 300 hộ dân tại các đến nơi an toàn. Chính quyền huyện Sông Lô đang tiếp tục vận động, tuyên truyền các hộ dân tại các khu vực có nguy cơ chủ động sơ tán đến nơi an toàn.