Vĩnh Phúc: Hiệu quả mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi lợn

Sau nhiều năm đầu tư xây dựng, đến nay, mô hình trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi lợn của gia đình anh Ngô Văn Hải, thôn Đại Tự 1, xã Đại Tự, huyện Yên Lạc đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và được chính quyền địa phương khuyến khích nhân rộng.

Năm 2013, trong bối cảnh chính quyền địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, anh Hải đã mạnh dạn thuê lại hơn 1,2ha đất trồng lúa kém hiệu quả để phát triển mô hình trang trại tổng hợp. Đây được xem là quyết định khá táo bạo, bởi thời điểm đó, nơi đây vẫn chỉ là vùng đồng chiêm trũng. Song, ý chí vượt khó cùng với quyết tâm làm giàu đã giúp anh vượt qua tất cả.

Mô hình trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi lợn của gia đình anh Ngô Văn Hải cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động. Ảnh Nguyễn Lượng

Mô hình trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi lợn của gia đình anh Ngô Văn Hải cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động. Ảnh Nguyễn Lượng

Sau khi nghiên cứu kỹ địa hình, thổ nhưỡng, tham quan học hỏi nhiều mô hình trang trại tổng hợp, với số vốn tự có sau bao năm tích lũy cùng sự giúp sức của gia đình, anh bắt tay vào xây dựng chuồng trại chăn nuôi; đồng thời, cải tạo, san lấp mặt bằng để trồng cây ăn quả.

Khu vực chuồng trại chăn nuôi của gia đình anh Hải rộng hơn 1.000m2 được thiết kế khoa học và hợp lý. Các dãy chuồng đều được lắp đặt hệ thống làm mát, quạt thông gió để hút mùi; sử dụng đệm lót sinh học sạch sẽ, ấm vào mùa đông, thoáng vào mùa hè. Đặc biệt, toàn bộ nước thải được dẫn thẳng xuống hầm Biogas, không gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, nước thải qua xử lý sẽ được tận dụng để tưới cây.

Vườn cây ăn trái

Những năm qua, trang trại của gia đình anh cho thu nhập khá. Hiện, gia đình anh đang nuôi 200 con lợn thương phẩm; trồng 200 gốc bưởi, 500 gốc ổi, 100 gốc mít và 7 sào cà chua ghép… Nhờ áp dụng KHKT cũng như tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, các sản phẩm của trang trại luôn đạt năng suất cao, chất lượng tốt, được các thương lái đến tận nơi thu mua.

Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, anh Hải chia sẻ: "Với quan điểm lấy ngắn nuôi dài, không để lãng phí nguồn tài nguyên đất, tôi kết hợp trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn. Vì không được đào tạo bài bản về chăn nuôi, trồng trọt nên tôi phải vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm thực tế của những chủ trang trại thành công. Ngoài ra, tôi cũng chịu khó trau dồi kiến thức về cách chăm sóc bảo vệ đàn lợn, lựa chọn giống cây ăn quả phù hợp thông qua sách báo, mạng internet. Mô hình chăn nuôi trang trại tổng hợp không chỉ giúp đa dạng sản phẩm nông nghiệp mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ tiết kiệm được nhiều loại chi phí”.

Được biết, lợi nhuận trung bình hàng năm từ mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh đạt từ 400-500 triệu đồng. Nhờ đó, đời sống của gia đình ngày càng được cải thiện. Không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình anh còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều bà con nông dân về chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho gần chục lao động địa phương với mức thu nhập khá.

Chị Nguyễn Thị Phượng, cán bộ Nông nghiệp-Môi trường xã Đại Tự cho biết: “Mô hình trang trại tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Hải đã mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, thay đổi bộ mặt nông thôn. Không chỉ làm kinh tế giỏi, vợ chồng anh còn luôn đi đầu trong các phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương, nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con làng xóm. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, mở các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT để bà con nông dân có thể làm giàu từ nông nghiệp, góp phần xây dựng NTM nâng cao”.

Theo Phùng Hải/Báo Vĩnh Phúc

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/vinh-phuc-hieu-qua-mo-hinh-trong-cay-an-qua-ket-hop-chan-nuoi-lon/20200714084728561