Vĩnh Phúc: Giữ chân lao động trẻ cho làng nghề truyền thống

Tỉnh Vĩnh Phúc xác định việc 'giữ chân' lao động, nhất là lao động trẻ có tay nghề cao, được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy các làng nghề phát triển bền vững, hiệu quả.

Khách hàng đến xưởng gốm của nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang đặt hàng sản phẩm gốm Hương Canh. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Khách hàng đến xưởng gốm của nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang đặt hàng sản phẩm gốm Hương Canh. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Tỉnh Vĩnh Phúc có khá nhiều làng nghề truyền thống, song các làng nghề này đang đứng trước nguy cơ mai một vì người dân không còn mặn mà với nghề.

Trước thực tế đó, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống, trong đó, việc “giữ chân” lao động, nhất là lao động trẻ có tay nghề cao, được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy các làng nghề phát triển bền vững, hiệu quả.

Nguy cơ thất truyền

Thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc cho thấy, toàn tỉnh hiện có 25 làng nghề đã được công nhận, trong đó, 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất chủ yếu gồm mộc, gốm, đan lát mây tre, rèn, chế biến nông lâm sản, tạo việc làm hơn 55.000 lao động nông thôn.

Thu nhập trung bình của mỗi lao động tại các làng nghề đạt từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng, một số lao động có tay nghề cao trong các lĩnh vực mộc, chế tác đá, bông vải sợi…có thu nhập cao hơn, ở mức từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, do thiếu nhân lực có kỹ thuật, tay nghề cao; hầu hết chủ hộ sản xuất chưa được đào tạo về quản trị kinh doanh và thiếu kiến thức về kinh tế thị trường nên nhiều làng nghề truyền thống đang phải đối mặt với nguy cơ mai một.

Nhiều cơ sở sản xuất nghề truyền thống hiện nay có rất ít thợ tạo mẫu và thợ có tay nghề tinh xảo đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng nên sản phẩm chưa đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế.

Tại huyện Bình Xuyên, các nghề truyền thống như gốm, mộc được lưu giữ theo kiểu cha truyền con nối đều không tránh khỏi những khó khăn. Bên cạnh sự chật vật về thị trường tiêu thụ, nguồn nguyên liệu thì sự thiếu hụt lao động trẻ cũng là vấn đề nan giải.

Ông Trần Văn Hải, 1 trong 4 nghệ nhân còn lại của làng nghề gốm Hương Canh, huyện Bình Xuyên chia sẻ, ông đã theo nghề gốm hơn 40 năm. Tuy nhiên, nghề này đang có nguy cơ thất truyền khi hai con của ông không chịu theo nghề.

Hiện nay, vợ chồng ông vẫn bám nghề, nhưng rất trăn trở sau này già yếu không biết truyền nghề cho ai.

Theo ông Trần Văn Hải, nguyên nhân khiến nhiều lao động, nhất là các lao động trẻ không muốn gắn bó với nghề gốm truyền thống là do tính chất công việc hỏi sự tỉ mỉ, tính kiên nhẫn.

Hiện nay, thu nhập của nghề gốm không ổn định. Sản phẩm gốm Hương Canh hiện phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm gốm cùng loại ở địa phương khác, cùng sự xuất hiện của đồ nhựa, đồ sứ, thủy tinh, inox... với giá cả rẻ, mẫu mã đẹp và bền.

Bên cạnh đó, hiện địa bàn huyện Bình Xuyên có nhiều khu công nghiệp, nhà máy được xây dựng đã thu hút một lượng lớn lao động trẻ vào làm việc. Do đó, rất ít người trẻ còn quan tâm đến nghề gốm.

Không chỉ nghề gốm ở Hương Canh, tại nhiều làng nghề khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, phần đông thanh niên không còn mặn mà với nghề truyền thống.

Xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch vốn nổi tiếng với nghề mây tre đan. Song giờ đây, rât hiếm thấy hình ảnh người dân tập trung dưới những lũy tre làng chẻ nan, đan thúng, mủng, nong, nia… như nhiều năm về trước.

Từ chỗ có trên 1.000 hộ làm nghề, đến nay, toàn xã chỉ còn 850 hộ, trong đó, nhiều gia đình chỉ có 1 lao động tham gia, chủ yếu là người già, người trung niên và phụ nữ, có khi cả tháng mới làm được chục sản phẩm, thu nhập khá bấp bênh.

So với các nghề truyền thống khác, nghề mây tre đan có thu nhập khá thấp, chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó, việc làm từ các khu công nghiệp với thu nhập tương đối ổn định và các chế độ đãi ngộ cũng đã thu hút một lực lượng lớn lao động trẻ địa phương.

Theo con số thống kê chưa chính thức, đã có hàng nghìn lao động địa phương bỏ nghề truyền thống đi kiếm việc mới, khiến nhiều làng nghề chỉ có thể duy trì nhưng không thể phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Bảo tồn nghề truyền thống: Phải sống được bằng nghề

Xác định công tác truyền nghề là khâu then chốt trong việc phát triển làng nghề, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định quản lý, tổ chức thực hiện học nghề và truyền nghề theo Nghị quyết 207 của Hội đồng Nhân dân về hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm giai đoạn 2016-2020.

Sản phẩm gốm đương đại tại xưởng gốm Hương Canh của nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Theo đó, trung bình mỗi năm, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn có làng nghề được công nhận mở gần 20 lớp truyền nghề theo hình thức “cầm tay, chỉ việc” gắn với yêu cầu tuyển dụng lao động thực tế tại các doanh nghiệp đầu mối bao tiêu sản phẩm và nhu cầu của thị trường.

Hằng năm, tỉnh đã tích cực tổ chức hội thi tay nghề nhằm khuyến khích đội ngũ thợ làm nghề phát huy khả năng, trí tuệ, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị nghệ thuật và giá trị kinh tế cao để nhân rộng sản xuất.

Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Phúc sẽ hình thành 24 cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống.

Đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 219 tỷ đồng xây dựng 8 cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề với diện tích hơn 81ha. Đồng thời, nhân "cấy" một số nghề mới trong khu vực nông nghiệp nông thôn như nghề mây tre đan xuất khẩu, thêu ren xuất khẩu, chế biến nông sản thực phẩm, nghề mộc mỹ nghệ; thu hút doanh nghiệp "đứng chân" ngay trong làng, xã có nghề truyền thống và coi đây là hạt nhân quan trọng cùng với chính sách khuyến công trở thành tiền đề phát triển làng nghề.

Thực hiện Chương trình khuyến công giai đoạn 2016-2020, ngân sách tỉnh cũng đã hỗ trợ mỗi đơn vị xây dựng thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp nông thôn 11 triệu đồng/thương hiệu.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giới trẻ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất và quảng bá sản phẩm của làng nghề.

Để giữ chân được lực lượng lao động trẻ gắn bó với nghề truyền thống, điều cốt yếu chính là phải giúp họ sống được bằng nghề./.

PV (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/vinh-phuc-giu-chan-lao-dong-tre-cho-lang-nghe-truyen-thong/608672.vnp