Vĩnh Phúc: Đình Hiển Lễ sập, mọi quan tâm vẫn nằm trên giấy

Đình Hiển Lễ thuộc địa phận thôn Hiển Lễ, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Đình được xây dựng cách đây hơn 300 năm (khoảng năm 1666), là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đã được xếp hạng năm 2003. Trải qua thời gian, đình xuống cấp nghiêm trọng và sập đổ trên 70% ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong vùng và mất dần đi giá trị quý báu vốn có.

Mái đình phần gian tiền bái bị sập đổ

Ngày 19/9/2020, do mưa lớn phần mái đình Hiển Lễ (tiền bái) đã bị sập, rất may không có thiệt hại về người, một số đồ dùng và bức hoành phi (cuốn thư) bị hỏng do dơi xuống nền đình, bát hương cổ có niên đại hàng trăm năm đã bị rạn nứt. Hiện toàn bộ đồ thơ, hiện vật trong di tích đã được di chuyển đến nhà tạm để bảo quản, các bức hoành phi, câu đối cổ có giá trị lịch sử và nhiều hiện vật quý vẫn trong tình trạng "màn trời chiếu đất" do chưa thực hiện việc hạ giải khiến việc bảo quản, lưu giữ các cấu kiện của di tích gặp khó khăn.

Phần mái bên trong đã dột nát chỉ chờ ngày sập đổ

Trước đó, ngày 5/11/2013, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có công văn số 6386/UBND-VX1 đồng ý chủ trương, tu bổ đình Hiển Lễ, xã Cao Minh, Phúc Yên và giao cho UBND thị xã Phúc Yên (nay là thành phố Phúc Yên) làm chủ đầu tư Dự án tu bổ hậu cung đình Hiển Lễ; đồng thời huy động nguồn lực để thực hiện tu bổ đình Hiển Lễ trong năm 2014. Ngay sau khi nhận được công văn của tỉnh, đại diện người dân Hiển Lễ đã có buổi trao đổi với lãnh đạo phòng văn hóa thành phố Phúc Yên và được biết có hồ sơ trình UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhưng chưa được duyệt với lý do chưa bố trí được vốn để tu bổ tôn tạo.

Mặc dù UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có công văn giao chỉ đạo rất rõ nhưng đến nay các động thái vẫn chỉ ở trên giấy tờ. Ngày 11/7/2017, đại diện các cụ trong làng Hiển Lễ gửi đơn lên UBND tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch báo cáo về việc xuống cấp của ngôi đình, Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch nhanh chóng ra các văn bản để cứu đình cổ hơn 300 năm nhưng không hiểu lý do gì việc tu bổ tôn tạo di tích vẫn chưa được thực hiện.

Gần đây nhất, ngày 5/3/2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra công văn 1409/UBND – VX3 do ông Vũ Việt Văn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký về việc “Tu sửa, tôn tạo đình Hiển Lễ, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên” gửi đến các sở, ban, ngành, thành phố Phúc Yên, UBND xã Cao Minh. Đồng ý chủ trương lập Dự án, tu sửa, tôn tạo đình Hiển Lễ bằng nguồn xã hội hóa, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (nếu có) và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Sốt sắng, cố gắng để cứu đình Hiển Lễ mà cụ thể là cất giữ các hiện vật trong đình để không mất đi giá trị lịch sử vốn có đã gắn liền với đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã ký, gửi UBND thành phố Phúc Yên văn bản số 1018 ngày 21/10/2019, về việc hạ giải đình Hiển Lễ. Văn bản này của Sở lưu ý rất rõ “Trong quá trình hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan, trường hợp di tích xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn cho người và tài sản, hiện vật, đồ thờ trong di tích, yêu cầu Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Phúc Yên hướng dẫn UBND xã Cao Minh có các biện pháp chằng chống, gia cố, gia cường để bảo vệ kết cấu kiến trúc gỗ của di tích, di dời di vật, cổ vật, hiện vật là đồ thờ và tài sản khác thuộc di tích đến nơi an toàn tránh thiệt hại cho di tích”. Tuy nhiên việc gia cố, chống đỡ, che đậy để tránh mưa, nắng ở đình Hiển Lễ vẫn chưa được thực hiện mà chỉ di chuyển các hiện vật di dời ở phần dưới đình vào khu nhà mái tôn trước đình.

Ngày 19/9/2020, trên 70% di tích bị sập đổ nguy cơ di tích biến thành phế tích là rất lớn. Trước cấp thiết này, ngày 24/9/2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã gửi công văn số 956/SVHTTDL – QLDS đến UBND tỉnh để sớm tu bổ đình Hiển Lễ. Nội dung “Việc tu bổ di tích đình Hiển Lễ đang xuống cấp nghiêm trọng là rất cấp thiết, đề nghị UBND tỉnh giao UBND thành phố Phúc Yên (chủ đầu tư) lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư và dự án tu bổ, tôn tạo đình Hiển Lễ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện tu bổ di tích theo quy định.

Gần 10 năm với nhiều văn bản chỉ đạo nhằm cứu di tích đình Hiển Lễ có niên đại hơn 300 năm nhưng đình vẫn sập, di tích bị biến dạng nguy cơ thành phế tích nếu cứ quan tâm theo kiểu trên giấy. Tu bổ đình Hiển Lễ hiện nay là cấp thiết, kính mong các cấp có thẩm quyền tỉnh Vĩnh Phúc sớm chỉ đạo, sát sao để người dân địa phương sớm có nơi sinh hoạt tín ngưỡng cũng như bảo tồn các giá trị về văn hóa.

Sau đây là một số hình ảnh PV Vanhien.vn ghi lại được:

Phía bên trái tòa hậu cung tan hoang, cỏ dại mọc

Bức chạm khắc hình rồng vẫn trên mái chống chọi với thời gian nguy cơ rơi vỡ

Đến tường bao quanh khu di tích cũng nghiêng mình

Các bức hoành phi, câu đối cổ ngày ngày phải chống lại mưa nắng

Bên sườn gian hậu cung nắng chói suốt ngày

Theo các cụ cao niên đây là bát hương có niên đại hàng trăm năm đã bị vỡ, rạn nứt

Nhà tôn tạm cất một số hiện vật của đình Hiển Lễ

Cột kèo và các cấu kiện có giá trị lịch sử bụ mục nát do không được che đậy

Cột đình sụt lún và hư hỏng

Phúc Vĩnh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vinh-phuc-dinh-hien-le-sap-moi-quan-tam-van-nam-tren-giay-79529