Vĩnh Phúc: 'Diễn xướng trống quân Đức Bác - Những giá trị văn hóa đặc sắc'

Sáng 31/8/2019, tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã diễn ra Hội thảo khoa học 'diễn xướng trống quân Đức Bác tỉnh Vĩnh Phúc - những giá trị văn hóa đặc sắc'. Hội thảo do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Đồng chủ trì hội thảo ông Trần Ngọc Oanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc; Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viên nghiên cứu Văn hóa Dân gian Ứng dụng.

Quang cảnh buổi hội thảo

Dự Hội thảo, có các ông Nông Quốc Thành – Phó cục trưởng cục Di sản văn hóa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ngô Duy Đông – Phó giám đốc Sở VHTTDL Vĩnh Phúc; các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, nghệ sĩ Trung ương và tỉnh Vĩnh Phúc; các phòng ban chức năng của Sở VHTTDL Vĩnh Phúc.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Ngọc Oanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã điểm qua vài nét về quá trình hình thành, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của hát trống quân Đức Bác từ xưa, ông/bà nêu rõ: Hát Trống quân là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, một hình thức hát giao duyên từ lâu của người Việt ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Ở Vĩnh Phúc, hát Trống quân là loại hình sinh hoạt âm nhạc dân gian đặc sắc, được coi là “đặc sản” văn hóa của nhân dân Đức Bác, huyện Sông Lô gắn liền với Lễ hội “Cầu đinh” tại đình làng Đức Bác. Là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng; loại hình nghệ thuật trình diễn truyền thống này không ngừng được tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng và trình diễn.

Thực tiễn công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật biểu diễn truyền thống nói chung và diễn xướng Trống quân Đức Bác nói riêng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết khẩn trương như mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu; khai thác tiềm năng kinh tế của nghệ thuật biểu diễn dân gian truyền thống để phục vụ phát triển du lịch bền vững; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển văn hóa, văn nghệ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa với phát triển du lịch và hoạt động thông tin đối ngoại, nhằm truyền bá sâu rộng các giá trị văn hóa trong công chúng đặc biệt là thế hệ trẻ và người nước ngoài, giúp nhân dân hiểu rõ giá trị tích cực của các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa trong đời sống cộng đồng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

TS. Trần Hữu Sơn (ảnh đứng bên trái) - Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Dân gian Ứng dụng trình bày tham luân về Phương pháp tiếp cận nghiên cứu và quản lí “ Hát trống quân Đức Bác”

Trong tham luận, TS. Trần Hữu Sơn đề xuất một số kiến nghị về vấn đề quản lý di sản trống quân Đức Bác cần phải Đổi mới hướng tiếp cận và phương pháp nghiên cứu, Đề xuất một số khuyến nghị về vấn đề quản lý di sản trống quân Đức Bác.

Giáo sư, Đặng Hoành Loan

Tham luận “ Trống quân Đức Bác từ góc nhìn nghiên cứu điền đã”của Giáo sư Đặng Hoành Loan chỉ ra các hình thức nghệ thuật ca hát được trình diễn trong lễ hội “ Khai xuân cầu đình”. Những hình thức nghệ thuật như hát trống quân, hát xoan (các cụ thường gọi là hát thờ), hát chúc rượu, hát đúm và hát múa mó cá.

Nhà nghiên cứu Phùng Quang Mười

Tham luận “Trò diễn trong hát trống quân Đức Bác” của tác giả Phùng Quang Mười chỉ ra hát trống quân Đức Bác là loại hình diễn xướng dân gian, hội tụ các yếu tố văn hóa, nghệ thuật khác nhau. Tuy nhiên trong bài tham luận này, chúng tôi đề cập tới một trong những khía cạnh nhỏ của loại hình này, đó là: Trò diễn và một vài yếu tố múa.

Tham luận của TS. Nguyễn Ngọc Mai (ảnh trên) - Viện nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm KHXHVN về “Nhận diện yếu tố tín ngưỡng phồn thực trong hát trống quân Đức Bác”.

Tín ngưỡng phồn thực (TNPT), được hình thành trên nền tảng của văn minh lúa nước, triết lý âm dương được xây dựng như một dạng trí tuệ sắc xảo để lý giải hiện thực và tìm ra quy luật của tự nhiên. Song song với triết lý âm dương và chịu sự chi phối của triết lý này thì tư duy dân gian lại nhìn thấy quy luật của sinh sản, chức năng của đực – cái và biểu tượng bản nguyên của sự sống này được coi như là một dạng vật linh. Gắn với ước muốn cầu mùa, sinh sôi nảy nở mà từ đó mà sáng tạo, xây dựng thành hệ thống tín ngưỡng phồn thực.

Nhận diện yếu tố TNPT trong hát trống quân Đức Bác tồn tại và ẩn chứa hàng loạt những mật mã văn hóa dân gian và hiển nhiên cũng là một loại hình nghệ thuật đượm màu sắc phồn thực với các chi tiết: hát đối đáp giao duyên nam nữ để thể hiện tình yêu lứa đôi; Hát thờ trước cửa đình để thực hành nghi lễ cầu đinh; cầu con. Do vậy nếu gạt đi các yếu tố nghi lễ, các lớp văn hóa phủ bên ngoài thì ta thấy rất rõ lõi của Hát Trống quân Đức Bác.

Nhìn chung, các tham luận (7 tham luận, 6 tham luận trình bày trực tiếp) đều làm sáng tỏ về di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia hát Trống quân Đức Bác (xã Đức Bác, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc). Các tham luận bổ sung tổng quan về văn hóa phi vật thể nói chung và Hát trống quân Đức Bác nói riêng; lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của làn điệu hát Trống quân Đức Bác trong không gian văn hóa liên quan; đặc trưng của di sản hát Trống quân Đức Bác. Trong đó, nhấn mạnh vào đặc trưng âm nhạc, thi pháp ca từ, nghệ thuật múa và trò diễn, tín ngưỡng phồn thực của di sản hát trống quân Đức Bác; giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, xã hội của di sản hát Trống quân Đức Bác. Và nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản của làn điệu hát Trống quân Đức Bác trong cuộc sống đương đại.

Hội thảo “Diễn xướng trống quân Đức Bác tỉnh Vĩnh Phúc - những giá trị văn hóa đặc sắc” là dịp để tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về sự phong phú, đặc sắc của kho tàng di sản văn hóa. Kho tàng di sản văn hóa đã được các thế hệ người Vĩnh Phúc sáng tạo qua các thời kỳ lịch sử, làm nền tảng, là mạch nguồn, là động lực phát triển kinh tế xã hội bền vững, là cơ sở để phát triển du lịch sớm trở thành mũi nhọn kinh tế của tỉnh.

Tiến Dũng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vinh-phuc-%E2%80%9Cdien-xuong-trong-quan-duc-bac--nhung-gia-tri-van-hoa-dac-sac%E2%80%9D-71481