Vĩnh Phúc: Điểm sáng bảo vệ môi trường khu vực nông thôn

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao chất lượng cuộc sống, Vĩnh Phúc còn đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ môi trường nói chung và môi trường khu vực nông thôn nói riêng. Nhờ đó, nhận thức của các cấp, ngành và quần chúng nhân dân về bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực.

Thách thức từ tiêu chí môi trường.

Nông thôn Vĩnh Phúc khang trang, sạch đẹp

Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc từ một miền quê nghèo cơ sở hạ tầng yếu kém, kinh tế nông nghiệp khá nhỏ hẹp, kinh tế nghèo nàn, đời sống người dân gặp không ít khó khăn đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một trong số các tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách Trung ương. Có nguồn thu ngân sách lớn, tỉnh Vĩnh Phúc đã có chủ trương đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn.

Tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới hỗ trợ nông dân, huy động các nguồn lực đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM và đến nay đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, các hộ dân ở nông thôn cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ về rác thải và nước thải gây ô nhiễm môi trường.

Theo số liệu thống kê, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện khoảng 830 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị khoảng 180 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 650 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom rác ở đô thị đạt khoảng 92%; khu vực nông thôn đạt khoảng hơn 70%. Hiện nay, rác thải sinh hoạt được xử lý chủ yếu theo hình thức chôn lấp tại các bãi rác tạm ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, dù toàn tỉnh đã có 87/137 xã, phường được hỗ trợ cải tạo, sửa chữa và xây mới rãnh thoát nước thải với tổng chiều dài trên 200 km. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc đầu tư hạ tầng rãnh thoát nước thải ở khu vực nông thôn trong những năm qua chủ yếu vẫn là cải tạo, nâng cấp kết hợp với nạo vét, đổ nắp đan, khơi thông dòng chảy. Một số địa phương không thường xuyên cải tạo, duy tu, nạo vét cống rãnh thường xuyên, gây ra tình trạng ứ đọng nước thải, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Điểm sáng từ những mô hình

Xác định bảo vệ môi trường nông thôn là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài và là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, vì vậy, Vĩnh Phúc đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư nguồn lực ngăn ngừa, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Thực hiện Đề án hỗ trợ bảo vệ môi trường nông thôn, Chỉ thị 08/CT-UBND ngày 21/4/2016 và Kế hoạch 2903/KH-UBND ngày 12/5/2016 của UBND tỉnh, đến nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh có bãi rác tập trung và có đội ngũ thu gom, xử lý rác thải (Hợp tác xã dịch vụ vệ sinh môi trường), các đơn vị này hoạt động thu gom với tần suất từ 2 - 3 lần/tuần. 100% xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban chỉ đạo vệ sinh môi trường và quản lý chất thải rắn trên địa bàn.

Đường làng, ngõ xóm xã Nghĩa Hưng (Vĩnh Tường) sạch đẹp sau khi hệ thống xử lý nước thải nông thôn được xây dựng

Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Phúc đã có chủ trương xây dựng cơ chế hỗ trợ, huy động nhân dân tham gia xây dựng, cải tạo cống rãnh thoát nước và nạo vét các thủy vực tiếp nhận nước thải, khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư. Cơ chế thực hiện sẽ triển khai theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm, không dự án hóa, tranh thủ tối đa các nguồn lực sẵn có của địa phương. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% chi phí về nguyên vật liệu xây dựng, cải tạo hệ thống cống rãnh thoát nước thải tại xã, thị trấn, chỉ triển khai khi được sự đồng thuận của đa số nhân dân trong việc đóng góp.

Xã Nghĩa Hưng và xã Tam Phúc của huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) là 2 địa phương được chọn triển khai mô hình thí điểm đầu tư hỗ trợ xây dựng, cải tạo cống rãnh thoát nước thải. Cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh thì nguồn nước thải sinh hoạt của các gia đình trên địa bàn xã Nghĩa Hưng và xã Tam Phúc chỉ được xử lý sơ bộ bằng bể chứa hoặc các công trình vệ sinh đơn giản, sau đó thải ra hệ thống rãnh thoát nước của khu dân cư, chưa có hệ thống rãnh tiêu tới nơi thu gom nước thải sinh hoạt tập trung để xử lý. Cùng với đó, việc lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi quy mô gia đình đan xen trong các khu dân cư làm ảnh hưởng đến chất lượng nước, gây sụt lún, nhiễm bẩn nguồn nước ngầm.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện Vĩnh Tường đã xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc, giúp đỡ 2 xã Nghĩa Hưng và Tam Phúc thí điểm xây dựng cống, rãnh nước thải sinh hoạt. Sau khi họp thống nhất trong chi bộ, các tiểu ban đã họp với các hộ dân để bàn, xin ý kiến về cách làm.

Nhờ phát huy vai trò làm chủ, thực hiện đúng tinh thần “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, các nguồn lực cần huy động sức dân đều được bà con nhiệt tình ủng hộ. Kết quả, 100% hộ dân đều đồng tình ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước, đóng góp tiền của, công sức làm hệ thống cống rãnh đảm bảo chất lượng, bảo vệ cảnh quan, môi trường trong lành.

Với cách làm bài bản, công khai, dân chủ, đến nay, hệ thống cống, rãnh thu gom nước thải khu dân cư tại các tuyến đăng ký làm điểm tại 02 xã đảm bảo khả năng tiêu thoát nước thải, nước mặt, cảnh quan môi trường và mặt đường được mở rộng do nắp rãnh bê tông có kết cấu đảm bảo độ dày vững chắc cho xe cộ lưu thông. Trong đó, xã Nghĩa Hưng hoàn thành làm thí điểm 06 tuyến rãnh/02 thôn (Chợ, Nghĩa Lập), tổng chiều dài 604m, trong đó: xây mới 484m, cải tạo 120m. Xã Tam Phúc hoàn thành làm thí điểm 03 tuyến rãnh/02 thôn (Phúc Lập, Phù Cốc), tổng chiều dài xây mới 428m.

Từ việc xây dựng mô mình điểm thành công tại 2 xã Nghĩa Hưng và Tam Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đã coi đây là hình mẫu để xây dựng, cải tạo hệ thống cống, rãnh thoát nước khắc phục ô nhiễm môi trường từ đó làm cơ sở ban hành cơ chế chính sách nhân ra diện rộng, góp phần cải tạo môi trường nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Giải pháp lâu dài

Vĩnh Phúc đang tập trung cao cho công tác chỉ đạo xây dựng NTM, trong đó tiêu chí môi trường bắt buộc phải hoàn thành nên việc xử lý rác thải, nước thải là yêu cầu được các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm. Điều đó đã góp phần cải thiện môi trường nông thôn một cách đáng kể, đường sá trở nên sạch đẹp hơn, không khí cũng thoáng đãng, trong lành.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 có 80% rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định, ngoài sự nỗ lực của tỉnh rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ về kinh phí, cơ chế, nhân lực hoạt động.

Tái chế bao bì xi măng của HTX Phượng Huyền, thôn Tiền Phong, xã Tân Phong, huyện
Bình Xuyên (Vĩnh Phúc)– một trong những mô hình góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Bích Phượng

Đồng thời các địa phương cũng cần đánh giá tình hình, lựa chọn mô hình xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, tự giác thu gom, tự phân loại rác, vận chuyển đến nơi quy định và tích cực tham gia các hoạt động, chương trình về bảo vệ môi trường ở địa phương.

Lê Hoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vinh-phuc-cai-thien-chat-luong-moi-truong-khu-vuc-nong-thon-70235