Vĩnh Phúc: Di tích quốc gia đình Ngõa bị xuống cấp nghiêm trọng

Đình Ngõa là ngôi đình cổ có kiến trúc độc đáo, được xây dựng từ thời Hậu Lê, đã được được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích quốc gia ngày 12/12/1994. Trải qua thời gian, ngôi đình hiện ngay đang bị xuống cấp nghiêm trọng…

Đình Ngõa là ngôi đình cổ có kiến trúc độc đáo

Đình Ngõa thuộc địa phận thôn Lai Châu, xã Văn Quán, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) là ngôi đình cổ có kiến trúc độc đáo, được xây dựng từ thời Hậu Lê. Trải qua bao biến cố và thời gian, ngôi đình vẫn tồn tại cùng vẻ đẹp cổ kính, linh diệu chốn thâm nghiêm.

Đình Ngõa được xây dựng trên gò đồi cao, thoáng mát, phía trước có ao rộng, xa xa là những gò đồi nhấp nhô như bát úp. Ngôi đình mang vẻ đẹp hài hòa giữa lịch sử và kiến trúc. Đình được kết cấu theo kiểu chữ Đinh, gồm có 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Về tổng thể mặt bằng kiến trúc, đình có phương đình, hai bên tả hữu mạc và một ngôi nhà dùng làm nơi hội họp của dân làng.

Đình Ngõa mang vẻ đẹp hài hòa giữa lịch sử và kiến trúc của đình làng bắc bộ

Từ ngoài cổng vào bên trong đình phải đi qua khoảng sân rộng, hai bên cây cối râm mát. Tiếp đến là khoảng sân lát gạch, hai bên là dãy nhà dùng làm nơi hội họp của dân làng trong những ngày lễ hội. Từ sân gạch qua 3 bậc thềm đá ong là tới phương đình. Phương đình gồm 2 tầng 8 mái, dưới lát gạch vuông đỏ, trên lợp ngói mũi hài, các góc mái đều có đao cong mang vẻ đẹp hài hòa, cổ kính.

Phương đình có 4 cột gỗ cao gần 5 mét, sau này, dân làng xây thêm 4 cột gỗ để đỡ ở 4 đầu đao. Trên các đầu dư, xà ngang, xà dọc có trang trí các hoa văn. Ở 4 góc phương đình có trang trí bộ “bát quả”, gồm những trái cây đậm đà hương vị như: Lựu, sen, đào, lê… Hai bên phương đình là hai tòa tả hữu mạc nối liền với đại bái. Mỗi tòa gồm có 3 gian, xung quanh xây tường kín, trên lợp ngói mũi hài.

Đình Ngõa được được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích quốc gia ngày 12/12/1994

Nét độc đáo của kiến trúc đình Ngõa là kết cấu khung gỗ vững chắc được tạo thành do liên kết giữa các vì kèo với hệ thống các xà ngang, xà dọc ăn khớp với nhau. Bốn vì kèo được làm theo kiến trúc chồng giường giá chiêng. Thượng lương được làm theo kiểu “tứ trụ lòng thuyền”. Các chi tiết đều được đóng bén, bào trơn, mộng sàn chặt khít, tạo nên sự hài hòa, cân đối cho ngôi đình. Điều này thể hiện sự tài tình của các nghệ nhân kiến tạo ngôi đình để vừa đạt yêu cầu về tính thẩm mỹ vừa đảm bảo độ bền của kiến trúc.

Đình Ngõa tuân thủ các quy tắc trang trí đình làng. Các họa tiết trang trí tập trung ở hậu cung, nơi thờ tự. Đề tài trang trí chủ yếu là những hình rồng. Các nghệ nhân kiến tạo ngôi đình còn chú ý đến việc trang trí ở các kẻ bảy, dép hoành, đầu dư, kê đệm.

Bên trong đình Ngõa phần chân cột bị hư hỏng được vá tạm bằng xi măng

Căn cứ vào dấu tích để lại trên các câu đầu ở gian giữa đình, kết hợp với kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc gỗ, các nhà nghiên cứu xác định, đình Ngõa được xây vào thời Hậu Lê và đã được tu sửa nhiều lần. Đình được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 12/12/1994. Hiện nay, đình còn lưu giữ nhiều hiện vật quý. Trong đình có 2 cỗ kiệu bát cống được trang trí sơn son thếp vàng, 1 cỗ mang phong cách đục chạm thời Lê, 1 cỗ mang phong cách thời Nguyễn. Di vật bằng gỗ của ngôi đình còn có 1 bức đại tự ghi “tối linh từ”, 1 hòa sắc, 1 bảng đọc chúc, 20 đài rượu lớn nhỏ.

Đặc biệt, đình Ngõa còn rất nhiều ngai thờ. Theo truyền ngôn của các cụ trong làng, xã Văn Quán trước kia có 5 ngôi đình, mỗi làng có 1 ngôi đình thờ vị thần Quý Minh. Song, do tác động của thiên nhiên và con người, hiện nay, chỉ còn lại duy nhất đình Ngõa. Vì vậy, toàn bộ cỗ ngai của các đình đều được đưa về đình Ngõa và được bài trí trên khám thờ rất uy nghi.

Ngôi đình cổ hiện đang bị xuống cấp các hạng mục trên bên trong mái như cột, dui, mè bị hư hỏng nặng

Tuy nhiên, theo thông tin từ người dân địa phương đình Ngõa được xây dựng trên vùng đất có nhiều mối nên hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Đã có một số thanh đòn tay bị mối mọt ăn rơi xuống gây nguy hiểm cho các cụ từ và người dân vãn cảnh.

Mối mọt ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu của di tích sắp bị sập.

Người dân địa phương lo lắng, nếu không được sự quan tâm kịp thời ngôi đình quý này rất có thể sẽ trở thành phế tích, rất khó tu bổ như bài học của đình Chu thuộc xã Đình Chu, huyện Lập Thạch.

Phúc Vĩnh - Văn Sỹ Hạnh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vinh-phuc-di-tich-quoc-gia-dinh-ngoa-keu-cuu-70673