Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo

Dù là địa phương không có biển, không có đường biên giới, nhưng trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định công tác tuyên truyền biển, đảo là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần ổn định tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, giữ vững chủ quyền, biên giới quốc gia.

TUYÊN TRUYỀN THEO TỪNG ĐỐI TƯỢNG, ĐỊA BÀN

Trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tuyên truyền biển, đảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Trọng tâm nội dung tuyên truyền là: Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Luật Biển Việt Nam; Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC); những cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử và thực tiễn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề Biển Đông; thông tin các vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông để định hướng tư tưởng, dư luận xã hội...

Công tác tuyên truyền về biển, đảo được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thường xuyên, liên tục, bám sát định hướng, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Các cơ quan tham mưu đã chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn tuyên truyền hằng năm. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương, các lực lượng vũ trang, cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác tuyên truyền biển, đảo ngày càng được nâng cao, hiệu quả. Nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, có trọng tâm, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn.

Vĩnh Phúc đã biên soạn và phát hành một số tài liệu tuyên truyền về biển, đảo như: 4.000 cuốn tài liệu Hỏi – Đáp về Hoàng Sa, Trường Sa; 20.000 tờ gấp tuyên truyền “Bảo vệ chủ quyền giữ gìn an ninh biển, đảo”;

Tập huấn cho trên 950 lượt lãnh đạo, cán bộ làm công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại của các cơ quan, đơn vị, hơn 200 giáo viên dạy lịch sử của các trường học trong tỉnh về công tác tuyên truyền biển đảo trong tình hình mới; nắm bắt và định hướng tư tưởng, dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh về các nội dung liên quan đến chủ quyền biển, đảo...

Trên cơ sở chỉ đạo, định hướng của Tỉnh ủy, các cơ quan báo chí, tuyên truyền của tỉnh duy trì tốt các chuyên trang, chuyên mục về biển đảo; thường xuyên đăng tải, cập nhật các tin, bài, phóng sự, nội dung tuyên truyền về biển, đảo. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; cộng tác viên dư luận xã hội thường xuyên, kịp thời thông tin, tuyên truyền tình hình biển, đảo đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Có thể khẳng định, hoạt động tuyên truyền về biển đảo trong thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn tỉnh về vị trí, vai trò của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo; từ đó nêu cao ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

NẮM CHẮC DƯ LUẬN VỀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về biển, đảo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương tiếp tục quan tâm, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền biển, đảo Việt Nam, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các hoạt động tuyên truyền biển, đảo trên cơ sở định hướng tuyên truyền về các vấn đề phức tạp nảy sinh trên Biển Đông. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền về biển, đảo.

Thứ hai, tuyên truyền khẳng định quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề liên quan đến biển, đảo. Trọng tâm tuyên truyền thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan đến biển, đảo. Chú trọng tuyên truyền gương điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Thứ ba, triển khai có hiệu quả các hình thức tuyên truyền miệng. Tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ cơ sở; chức sắc tôn giáo; người có uy tín trong cộng đồng; hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội... trong tuyên truyền về biển, đảo tại địa phương.

Thứ tư, phát huy hiệu quả vai trò của các cơ quan báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng trong công tác tuyên truyền biển, đảo. Tiếp tục phát huy thế mạnh hình thức tuyên truyền qua các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, tuyên truyền trực quan và đa dạng hóa, hiện đại hóa các hình thức cổ động trong quần chúng nhân dân. Biên soạn, xuất bản, phát hành các tài liệu, xuất bản phẩm về biển, đảo có giá trị cao cả về nội dung, hình thức; đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại và đấu tranh chống các quan điểm, luận điệu sai trái về vấn đề biên giới lãnh thổ trên biển.

Thứ năm, tổ chức hội nghị tuyên truyền, tập huấn về tuyên truyền biển, đảo cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các cơ quan thông tấn báo chí. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong việc sử dụng internet, mạng xã hội nhằm thông tin, tuyên truyền sâu rộng về biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới.

Thứ sáu, nắm chắc tình hình dư luận xã hội, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân liên quan đến các vấn đề về Biển Đông. Kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị liên quan đến công tác đối ngoại, vấn đề Biển Đông, biên giới lãnh thổ. Tuyên truyền giáo dục người dân nâng cao cảnh giác trước những thông tin sai sự thật, kích động tư tưởng, gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bảo Châu

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/vinh-phuc-day-manh-cong-tac-tuyen-truyen-bien-dao-129374