Vĩnh Phúc: Đâu là nguyên nhân gây ngập úng tại thành phố Vĩnh Yên?

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm ngập lụt cho thành phố Vĩnh Yên, nhưng thực tế lại không mang lại hiệu quả cao. Vậy, đâu là nguyên nhân khiến thành phố Vĩnh Yên bị ngập nặng trong trận mưa lớn vừa qua?

Hầu hết các tuyến đường của thành phố Vĩnh Yên ngập nặng ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân.

Hầu hết các tuyến đường của thành phố Vĩnh Yên ngập nặng ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân.

Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, hạ tầng và nhà ở của người dân cũng không ngừng tăng, khiến diện tích thu, trữ nước như ao, hồ, sông bị thu hẹp, khả năng chứa và điều tiết nước mưa cũng bị ảnh hưởng, cộng với quy hoạch, đầu tư hệ thống thoát nước chưa theo kịp, dẫn đến khi mưa lớn, nhiều tuyến đường và diện tích lúa, hoa màu trên địa bàn tỉnh bị ngập úng.

Trận mưa lớn kéo dài vừa qua làm cho nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên bị ngập úng cục bộ, nhiều nhà dân bị nước tràn vào nhà.

Với địa hình thấp, trũng là hạ nguồn của sông Phan, kênh Bến Tre, mỗi khi mưa lớn, nước từ các huyện lân cận đổ dồn từ hệ thống sông tiêu, trục tiêu về thành phố Vĩnh Yên, trong khi hệ thống tiêu thoát nước của thành phố chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, cùng với ý thức của một số người dân chưa cao, thường xuyên vứt rác thải xuống cống, rãnh, dẫn đến khả năng tiêu thoát nước ở một số khu vực chậm.

Bên cạnh đó, do quá trình đô thị hóa nhanh, mật độ xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp, hạ tầng và nhà ở nhiều, những không gian chứa nước như ao, hồ bị thu hẹp, khả năng chứa và điều tiết nước mưa cũng bị ảnh hưởng... Đây là những nguyên nhân khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố bị ngập úng cục bộ mỗi khi mưa lớn.

Quá trình đô thị hóa nhanh, diện tích ao, hồ, đầm, đất cây xanh, đất canh tác, đất công cộng bị thu hẹp; một số dự án khu đô thị, khu dân cư triển khai thiếu đồng bộ không đáp ứng tiến độ hoặc một số dự án có cốt nền cao hơn khu dân cư; nhiều diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất giãn dân, làm đường giao thông, xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, các công trình phúc lợi công cộng… dẫn đến hệ thống kênh mương bị phá vỡ.

Thêm nữa, hiện nay, Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc với nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới do Ban quản lý dự án vốn vay nước ngoài tỉnh làm chủ đầu tư đang bị chậm tiến độ. Một số công trình dự án thi công đã hạn chế tiêu thoát nước; hệ thống sông rạch, ao hồ bị lấn chiếm, thu hẹp dần.

Bà Nguyễn Thị Vân – thành phố Vĩnh Yên cho biết: Trước đây, thành phố Vĩnh Yên có một hệ thống ao hồ dày đặc, điển hình là Đầm Vạc vừa để điều hòa tiêu thoát nước, vừa để tiêu thoát nước của thành phố Vĩnh Yên. Nhưng nay, hầu như toàn bộ khu vực ao, hồ này đã bị lấn chiếm bởi các dự án đô thị và nhà cửa quanh Đầm Vạc, từ đó khiến cho khu vực lân cận là phường Tích Sơn, Ngô Quyền, Đống Đa, Thanh Trù… bị ngập khá nặng nề.

Việc san lấp ao, hồ làm dự án không chỉ diễn ra tại thành phố Vĩnh Yên mà tình trạng này đang diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp và chưa được kiểm soát chặt chẽ tại nhiều địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc.

Minh Phúc

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vinh-phuc-dau-la-nguyen-nhan-gay-ngap-ung-tai-thanh-pho-vinh-yen-332806.html