Vĩnh Phúc: Cựu chiến binh làm giàu từ chăn nuôi bò sữa

Về với cuộc sống đời thường, những người lính năm xưa vẫn luôn phát huy bản chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình và trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương. Cựu chiến binh Trần Văn Thắng – thôn 4, xã Trung Hà, huyện Yên Lạc là một người như thế.

Cựu chiến binh Trần Văn Thắng đang làm công việc hàng ngày thái cỏ sữa cho đàn bò

Xuất ngũ năm 1976, ông Thắng trở về địa phương cùng gia đình tập trung sản xuất nông nghiệp. Chỉ với hơn 3 sào ruộng cho 5 nhân khẩu, đời sống gia đình ông gặp không ít khó khăn. Khoảng năm 2006 - 2010 là thời điểm phát triển mạnh nhất nghề làm gạch thủ công trên địa bàn xã Trung Hà và các xã lân cận. Ông Thắng cũng đầu tư, thuê đất xây lò đốt gạch thủ công ở xã Liên Châu. Nguồn thu đem lại từ việc làm gạch tuy không lớn nhưng cũng giúp cho kinh tế gia đình khá hơn so với trước chỉ trồng lúa, ngô, khoai. Tuy vậy, sau một thời gian, nghề làm gạch thủ công bị cấm do ảnh hưởng đến môi trường buộc ông Thắng cùng không ít hộ gia đình khác trong xã phải tìm cách chuyển đổi nhiều nghề để sinh sống.

Năm 2014, phong trào nuôi bò sữa phát triển mạnh và nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh. Nhờ sự động viên, giúp đỡ của bạn bè, người thân, đặc biệt là sự quan tâm giúp đỡ của Hội Cựu chiến binh xã, chi hội nông dân thôn, ông Thắng đã dành thời gian, lặn lội đến nhiều địa phương tham quan các mô hình chăn nuôi bò sữa, tích lũy được một số kinh nghiệm nhất định. Ông bàn bạc cùng gia đình vay vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống trang trại rộng 500m2 và mua 15 con bò sữa làm giống. Để đảm bảo cung cấp nguồn thức ăn cho đàn bò, ông dành phần diện tích đất nông nghiệp trồng cỏ, tìm các địa chỉ cung cấp thức ăn đảm bảo uy tín. Sau 5 năm vất vả để mở rộng quy mô chăn nuôi, đến nay, đàn bò sữa của gia đình ông đã lên đến 25 con, trong đó có 15 con cho sữa thường xuyên, sản lượng sữa khoảng hơn 200 lít/ngày. Với giá bán sữa dao động từ 13.000 đồng đến 15.000 đồng/lít, sau khi trừ các chi phí, thu nhập của gia đình ông Thắng hiện đạt từ 60 triệu đến 70 triệu đồng/tháng.

Ông Thắng chia sẻ: “Nuôi bò sữa rất cần sự siêng năng, chịu khó. Để đảm bảo vệ sinh và phòng ngừa dịch bệnh, mỗi ngày, tôi phải tắm cho bò ít nhất 3 lần sáng, trưa, chiều và làm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ trước khi vắt lấy sữa 1 lần vào buổi sáng. Ngoài ra, tôi còn đặc biệt chú trọng việc chăm sóc cho ăn hàng ngày. Ngoài thức ăn chính như cỏ, cây bắp, tôi cho bò ăn thêm ngô trộn với đầu cá khô xay nhỏ; vào buổi trưa cho bò uống nước pha với cám xay 1-2 kg/con để tăng dinh dưỡng.”

Nghề nuôi bò sữa tuy không mới với người dân xã Trung Hà nhưng để nuôi thành công thì không phải ai cũng làm được. Bởi nghề này đòi hỏi người nuôi phải đảm bảo những yêu cầu khắt khe như: Diện tích chuồng trại, công tác vệ sinh môi trường, không sử dụng chất kháng sinh; sữa sau khi vắt xong phải giao cho công ty để đảm bảo tươi, nguyên chất… Bên cạnh đó, cũng cần đầu tư số vốn không nhỏ cho các thiết bị máy móc hiện đại hỗ trợ việc vắt sữa, giúp rút ngắn thời gian vắt, bảo đảm vệ sinh và tránh dịch bệnh cho bò.

Không chỉ tập trung chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, ông Thắng còn là hội viên tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động của thôn, sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ các hội viên khác trong phát triển kinh tế.

Kiều Nguyệt

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vinh-phuc-cuu-chien-binh-lam-giau-tu-chan-nuoi-bo-sua-71202