Vĩnh Phúc coi trọng nâng cao chất lượng chi bộ

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xác định việc nâng cao chất lượng chi bộ là yêu cầu cấp thiết, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng và từng đảng viên, là một khâu đột phá trong công tác xây dựng Đảng.

Nhìn rõ thực trạng, hạn chế

Vừa qua, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã rà soát, thống kê chi tiết tình hình chi bộ và đảng viên trong toàn tỉnh, làm căn cứ xây dựng chủ trương nâng cao mọi mặt hoạt động của chi bộ, cả về tổ chức, chính trị, tư tưởng. Đến cuối năm 2016, số chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở của tỉnh Vĩnh Phúc là 3.145, trong đó số chi bộ ở xã, phường, thị trấn là 2.235; số chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh hơn 56%.

Đội ngũ chi ủy viên của chi bộ cơ sở và chi ủy viên chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở hiện có 7.488 đồng chí. Số đông đồng chí chi ủy viên, bí thư chi bộ có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, được đảng viên và nhân dân tín nhiệm. Tập thể cấp ủy đã phát huy được vai trò lãnh đạo các đoàn thể nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ của thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị. Đến tháng 12-2016, toàn tỉnh có 64.296 đảng viên, trong đó, đảng viên đang làm việc và công tác là 48.376 đồng chí.

Các cấp ủy và tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở đã chú trọng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chi bộ. Việc xem xét phân loại, đánh giá các tổ chức đảng và đảng viên từng bước đi vào thực chất. Xuất hiện nhiều bí thư chi bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, trở thành tấm gương để đảng viên noi theo. Nhiều chi ủy chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm đơn thư, khiếu nại, tố cáo và những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở; xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm, đúng quy định đối với các tổ chức đảng và đảng viên có sai phạm.

Tuy nhiên, công tác xây dựng chi bộ đảng trên địa bàn tỉnh trong những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu ở một số chi bộ còn hạn chế, công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, sinh hoạt đảng chưa thành nền nếp, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ còn yếu. Nhiều chi ủy, chi bộ đảng chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, chất lượng và hiệu quả kiểm tra, giám sát chưa cao. Kỷ cương, kỷ luật ở một số chi bộ đảng chưa nghiêm, sự đoàn kết thống nhất ở một số cấp ủy chưa tốt, vai trò của nhiều chi ủy, chi bộ còn mờ nhạt.

Đồng chí Hoàng Văn Toàn, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thẳng thắn chỉ ra: Công tác đánh giá chất lượng chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở hằng năm của một số đảng ủy còn mang tính hình thức, chưa khách quan, chính xác, không phản ánh sát chất lượng chi bộ. Việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của một số chi bộ chưa kịp thời, nội dung quy chế chưa rõ ràng, chưa chặt chẽ. Một số cấp ủy cơ sở chưa thật sự coi trọng vị trí then chốt của công tác xây dựng Đảng, chưa dành nhiều thời gian, công sức thỏa đáng để tập trung chỉ đạo, xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng. Nội dung sinh hoạt chi bộ còn theo lối mòn, chậm đổi mới, lúng túng trong việc sinh hoạt chuyên đề; chưa tập trung vào công tác xây dựng Đảng và giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, bức xúc trước mắt; chưa coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc. Có nơi bệnh thành tích còn phổ biến, nhiều vụ việc xảy ra ở cơ sở nhưng không được giải quyết triệt để, còn đùn đẩy lên cấp trên hoặc cơ quan khác.

Bảo đảm thực chất, hiệu quả hơn

Đánh giá việc củng cố chi bộ là biện pháp hết sức quan trọng để củng cố niềm tin của dân với Đảng, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã trực tiếp chủ trì các cuộc hội thảo xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng chi bộ đảng trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2017-2020”. Đồng chí nêu rõ yêu cầu từ nay đến hết nhiệm kỳ, phải tạo chuyển biến căn bản về nhận thức của cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Cấp ủy cần có biện pháp cụ thể để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là bí thư cấp ủy, cán bộ chủ chốt ở cơ sở phải tiền phong, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, có phẩm chất đạo đức cách mạng, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chủ động và kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy sẽ tập trung củng cố, xây dựng tổ chức đảng, quan tâm việc kết nạp đảng viên ở những nơi có ít đảng viên, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài khu vực kinh tế nhà nước. Hoàn thiện mô hình tổ chức của các loại hình tổ chức cơ sở đảng theo hướng gắn tổ chức cơ sở đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Tỉnh đề ra mục tiêu cho những năm tới là hằng năm, số chi bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 95%; mỗi năm kết nạp từ 2.400 đảng viên trở lên, chú trọng phát triển đảng viên ở thôn, tổ dân phố, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có hơn 70.000 đảng viên, hằng năm có hơn 80% số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Tất cả cấp ủy viên cơ sở được bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng; bí thư hoặc phó bí thư chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy coi việc nâng cao chất lượng chi bộ là yêu cầu cấp thiết, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng và trong công tác xây dựng Đảng. Muốn vậy, bên cạnh việc xây dựng đội ngũ cấp ủy cơ sở, cấp ủy trực thuộc cơ sở và cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, phong cách tốt, tận tụy, trách nhiệm cao với công việc, cần thực hiện nghiêm Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bí thư Huyện ủy Yên Lạc Nguyễn Văn Độ cho rằng, bí thư cấp ủy phải nắm chắc quy chế cấp ủy để điều hành, chỉ đạo. Có những cán bộ xã không dám quyết liệt, ngại va chạm, nhất là trong việc giải phóng mặt bằng, nhưng chưa được thay thế. Do đó, công tác cán bộ cũng đóng vai trò then chốt, thời gian tới, cần thúc đẩy nhiệt tình công tác và tinh thần trách nhiệm của bí thư cấp ủy cấp xã. Mỗi kỳ sinh hoạt, chi bộ phải có nghị quyết hoặc kết luận thông báo cho đảng viên để thực hiện, đồng thời phân công kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, về tổ chức, cần xử lý những bất cập khi thực hiện mô hình chi bộ cơ quan, chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn.

Lãnh đạo Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy cấp trên cử cấp ủy viên, cán bộ định kỳ hằng tháng dự sinh hoạt với các chi bộ để động viên khuyến khích, giải đáp những kiến nghị, đề xuất của đảng viên, đặc biệt quan tâm ở các địa bàn có tình hình phức tạp. Các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các ban Đảng của tỉnh bố trí thời gian dự sinh hoạt chi bộ hoặc kiểm tra nền nếp sinh hoạt chi bộ ở cơ sở ít nhất sáu tháng một lần. Các đồng chí ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ và lãnh đạo các ban Đảng cấp huyện thực hiện việc dự sinh hoạt chi bộ ít nhất mỗi quý một lần. Các đồng chí ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy các xã, phường, thị trấn định kỳ hằng tháng dự sinh hoạt với các chi bộ.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33851202-vinh-phuc-coi-trong-nang-cao-chat-luong-chi-bo.html