Vĩnh Phúc: Cần nhanh chóng giải quyết vướng mắc trong BTGPMB Dự án Nam Tam Đảo

Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) đang vướng phải khiếu kiện của một số hộ dân cho rằng, chủ đầu tư đổ đất lấp hồ thủy lợi, đền bù GPMB chưa thỏa đáng…

Trong khi cơ quan chức năng sở tại chưa tìm ra phương án tối ưu giải quyết vướng mắc thì người dân vẫn lập lều, dựng chốt chặn đường đi lại, còn doanh nghiệp thì kêu cứu vì không thể đưa máy móc vào thi công công trình.

Người dân lập chốt barie ngăn chặn chủ đầu tư triển khai dự án

Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, Dự án Khu di lịch sinh thái thuộc xã Trung Mỹ do Công ty CP Nam Tam Đảo làm chủ đầu tư được Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho chủ trương triển khai xây dựng từ những năm 2003 – 2005. Phương án bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) của dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại QĐ 1615/QĐ-CT ngày 25/5/2004 và được thu hồi, tạm giao đất theo QĐ 4999/QĐ-UBND ngày 27/12/2004, điều chỉnh chỉ giới đất năm 2014 với quy mô khoảng 335,8ha.

Trong đó, diện tích mặt hồ Thanh Lanh khoảng 120ha do Công ty TNHH MTV Thủy lợi quản lý, khai thác sử dụng; Diện tích bán ngập (trung bình từ Cos 76,6 – Cos 80) khoảng 60ha do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo quản lí; Diện tích thực hiện dự án của Công ty CP Nam Tam Đảo (trung bình từ Cos 80 - 100) khoảng 155,8ha; Tổng số hộ dân có đất đai, tài sản, cây cối bị thu hồi là 140 hộ thuộc các thôn Đồng Giang, Thanh Lanh và Trung Mầu xã Trung Mỹ.

Theo báo cáo kết quả công tác BTHTGPMB của Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, với tổng diện tích thực hiện dự án là 155,8 ha đến nay đã BTGPMB xong 130,03ha, còn lại 25,77ha gồm 9 hộ chưa nhận tiền bồi thường và hỗ trợ có diện tích 12,32ha và 9 hộ đã nhận tiền BT nhưng chưa nhận tiền hỗ trợ của chủ đầu tư là 13,45ha.

Nguyên nhân xuất phát từ việc người dân đề nghị đo lại diện tích các hộ đang sử dụng vì diện tích đo đạc trước đây không đúng so với thực tế, người dân yêu cầu được thỏa thuận bồi thường với chủ đầu tư trên toàn bộ diện tích các hộ đang sử dụng…các hộ dân cũng đề nghị được hỗ trợ công cải tạo đất, bồi thường tài sản có trên đất theo quy định, bởi nhiều hộ dân hiện đang sử dụng phần đất bán ngập khoảng 60 ha (ngoài dự án) và có tài sản trên đất gồm cây cối, nhà tạm, lều vịt, chuồng trâu bò…

Phản ánh với phóng viên, các hộ dân cho rằng: Trong khi việc bồi thường, hỗ trợ chưa được giải quyết thấu đáo thì chủ đầu tư lại mang máy móc san ủi, lấp hồ thủy lợi Thanh Lanh – Hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của 5 xã thuộc huyện Bình Xuyên, lấn chiếm phá hoại mùa màng, đất canh tác của người dân… bức xúc trước cách làm của chủ đầu tư, nhiều hộ dân đã lập lều, chốt barie chặn đường đi lại, không cho máy móc thi công của chủ đầu tư hoạt động trong vùng dự án.

Người dân hành động tự phát sẽ dẫn đến sai phạm không đáng có

Quan điểm về hướng giải quyết vụ việc trên, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Hoàng Văn Đăng, Phó Giám đốc Sở cho rằng: UBND huyện Bình Xuyên phải thành lập Hội đồng BTGPMB để rà soát giải quyết các vướng mắc, tồn tại liên quan đến công tác BTGPMB của toàn bộ phạm vi dự án.

Cụ thể, đối với 09 hộ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án được UBND tỉnh phê duyệt: UBND huyện Bình Xuyên căn cứ hồ sơ phương án BT GPMB trước đây; bản đồ giao mốc giới sử dụng đất của dự án lập tháng 4/2019 và kết quả đo đạc xác định diện tích đất thực tế các hộ dân đang sử dụng để tách ra phần diện tích nằm trong dự án (155,8 ha) tính toán, điều chỉnh, bổ sung hoặc giữ nguyên phương án BT theo trình tự quy định, thông báo tới từng hộ dân để biết chấp hành.

Đối với diện tích nằm ngoài diện tích thu hồi (thuộc phần bán ngập, hoặc phần đất trồng rừng), rà soát, kiểm tra lại tài sản có trên đất để tính toán điều chỉnh, bổ sung phương án hỗ trợ theo quy định.

Đối với 9 trường hợp chưa nhận tiền hỗ trợ ngoài phương án của chủ đầu tư, cần kiểm tra rà soát lại phương án hỗ trợ đã duyệt để thống nhất giữ nguyên hoặc điều chỉnh, bổ sung phương án cho phù hợp với thực tế hiện trạng sử dụng đất. Với 73 hộ dân sử dụng đất phần bán ngập cũng cần kiểm đếm chi tiết về tài sản có trên đất của từng hộ để có mức đề xuất hỗ trợ hợp lí…- văn bản báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc của Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Ở diễn biến khác, đại diện chủ đầu tư khẳng định: Việc người dân khiếu kiện doanh nghiệp lấp hồ thủy lợi Thanh Lanh là không có cơ sở. Công ty CP Nam Tam Đảo đã thực hiện dự án theo đúng quy hoạch đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt và trong quá trình triển khai, luôn có sự giám sát của chính quyền địa phương. Mặc dù cơ quan chức năng, chủ đầu tư cùng người dân đã họp nhiều lần, kết luận vụ việc, tuy nhiên, khi chúng tôi triển khai thi công dự án trên phần đất đã được phê duyệt thì một số hộ dân lại tụ tập đông người phản đối, làm rào, cắm barie ngăn cản doanh nghiệp đưa máy móc vào công trình thực hiện dự án khiến tiến độ thi công dự án bị ngừng trệ nhiều tháng qua – đại diện chủ đầu tư cho biết thêm.

Cũng theo Công ty CP Nam Tam Đảo, trong số các hộ dân khiếu kiện, có gia đình đã được đền bù, nhận tiền từ năm 2004 nhưng khi chúng tôi vào thực hiện dự án thì họ tiếp tục khiếu kiện, tiếp tục đòi bồi thường, hỗ trợ. Một số hộ dân còn có biểu hiện tống tiền và kích động người dân đứng lên phản đối dự án nhằm trục lợi. Vụ việc đã được doanh nghiệp báo cáo lên Công an tỉnh Vĩnh Phúc.

Liên quan đến vụ việc, ngày 17/5/2019 vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản chỉ đạo giải quyết vướng mắc trong BTGPMB Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo nêu rõ: Giữ nguyên phương án BTGPMB đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt năm 2004 và phương án hỗ trợ của chủ đầu tư đã công bố và chi trả đối với diện tích nằm trong dự án đã được UBND tỉnh thu hồi (155,8ha).

Đối với những hộ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tiếp tục rà soát lại để điều chỉnh, bổ sung hoặc giữ nguyên phương án bồi thường GPMB theo đúng quy định. Đối với diện tích bán ngập và phần diện tích rừng trồng thuộc quyền quản lí của Trung tâm Phát triển Nông Lâm nghiệp Vĩnh Phúc và Vườn quốc gia Tam Đảo, không xem xét bồi thường, hỗ trợ công cải tạo đất. Toàn bộ tài sản (cây trồng, lán trại) của các hộ dân được tạo lập có trên diện tích này sẽ được xem xét hỗ trợ về công tháo dỡ, chặt cây, di chuyển tài sản ra ngoài dự án để GPMB nhanh.

Người dân hành động tự phát sẽ dẫn đến sai phạm không đáng có!

Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đỗ Duy Hưng Công ty Luật Hợp danh FCL và Cộng sự cho biết: Chiếu theo quy định của pháp luật, Chủ đầu tư có quyền quản lý, sử dụng toàn bộ diện tích đất thuộc phạm vi Dự án để quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng công trình kể từ thời điểm được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất và cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương nơi có đất bàn giao mốc giới trên thực địa. Và việc đầu tư xây dựng phải được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và đúng hồ sơ thiết kế đã được cơ quan Nhà nước cấp phép.

Căn cứ quy định pháp luật hiện hành thì người nào có hành vi lấn chiếm đất và cản trở việc sử dụng đất của người khác thì tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Về việc hiện nay các hộ dân có khiếu nại, kiến nghị nhưng lại không thực hiện đúng theo quy trình khiếu nại, tố cáo. Tự ý tụ tập đông người, kích động, gây mất an ninh trật tự tại địa phương, Luật sư Đỗ Duy Hưng cho biết thêm: Nếu người dân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại thì có quyền khiếu nại, đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết hoặc trong thời gian cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết nếu có hành vi tổ chức tụ tập đông người và kích động gây rối trật tự công cộng làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì tùy theo mức độ có thể bị xem xét xử lý vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 5 Nghị định 167/2013/ NĐ – CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực anh ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình hoặc Điều 318 BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Đồng thời, Luật sư Đỗ Duy Hưng cũng đưa ra khuyến cáo đối với người dân, “nếu người dân cho rằng quyền và lợi ích của mình bị ảnh hưởng và có căn cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là hợp pháp thì có quyền làm đơn khiếu nại, kiến nghị để đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, không nên hành động một cách tự phát sẽ dẫn đến những sai phạm không đáng có”.

Minh Chí

Thành Vinh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vinh-phuc-can-nhanh-chong-giai-quyet-vuong-mac-trong-btgpmb-du-an-nam-tam-dao-post62470.html