Vĩnh Phúc: Bảo tồn, phát huy hát trống quân Đức Bác gắn với phát triển du lịch

Hát trống quân Đức Bác là một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc đã xuất hiện và tồn tại rất lâu đời trong đời sống văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân Vĩnh Phúc. Đây được coi là một trong những 'đặc sản' của văn hóa địa phương có sức sống bền vững trong lòng nhân dân lao động.

Một buổi tập hát trống quân Đức Bác ở xã Đức Bác, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc

Hát trống quân Đức Bác đã được mài giũa, chắt lọc qua nhiều thế kỷ và có giá trị nghệ thuật rất lớn; đã góp phần vào việc giáo dục tư tưởng, tình cảm cho quần chúng nhân dân, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc. Trải qua bao biến động của lịch sử, loại hình sinh hoạt dân gian này đến nay vẫn tồn tại với những nét khác biệt, thể hiện sự tinh tế và tính bản địa đặc sắc.

Trống quân Đức Bác được tổ chức vào mùa xuân (còn gọi là hát “Xoan”; chữ “Xoan” chính là chữ “Xuân” đọc chệch đi vì phạm với tên húy của một vị công chúa con vua Hùng thời đó), thường diễn ra trước bãi sông làng Đức Bác sau đó mới đi dần vào đến sân đình làng. Khi vào hội hát Trống quân, các trai làng Đức Bác đón các cô đào Phù Ninh (bên kia sông Lô, thuộc tỉnh Phú Thọ ) sang hát giao duyên.

Lên đến bờ họ sánh vai nhau vừa đi vừa hát, cuộc hát mang tính chất diễu hành. Các cô đào đeo trên ngực một chiếc trống con (do chính tay các chàng trai chuẩn bị và đã được tuyển chọn là những chiếc trống tốt nhất) các chàng trai vừa hát vừa cầm dùi gõ vào mặt trống. Từng cặp, từng cặp đối mặt với nhau, nữ đi giật lùi, nam tiến về phía trước. Họ cứ vừa đi vừa hát như vậy cho đến tận cửa đình làng. Buổi hát kéo dài từ trưa đến tối. Hát Trống quân là loại hình dân ca đối đáp tỏ tình trai gái phổ biến của vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Giai điệu giao duyên của Trống quân Đức Bác là lối hát trao gửi tình yêu có sức sống mãnh liệt, tất cả đã toát lên rất rõ nét của tín ngưỡng phồn thực.

Âm nhạc của Trống quân Đức Bác được nhìn nhận và xem xét chủ yếu dựa trên các bản ký âm. Làn điệu Trống quân Đức Bác có giai điệu ngắn, nhanh, mạnh, rất gần gũi với tiếng nói thường ngày của người dân lao động, thường được hát ở nhịp chẵn - nhịp 2/4 với sự xuất hiện mô hình tiết tấu đảo phách. Đặc điểm nổi bật của Trống quân Đức Bác là lối tiến hành giai điệu, với phần hát của nam (âm chủ) thường cao hơn phần hát của nữ (âm chủ) trong khoảng một quãng 4 đúng, trong giai điệu thường thấy có bước nhảy quãng 4 đúng và quãng 5 đúng.

Trong nội hàm của tác phẩm không có cao trào, phần lớn giai điệu thường vận hành trong phạm vi âm vực một quãng 8. Sự bó hẹp giai điệu trong Trống quân Đức Bác là một đặc điểm rất riêng khác với Trống quan các vùng khác. Ngoài những bài đã được phổ biến, các chàng trai, cô gái trong khi diễn xướng còn tự sáng tạo các câu hát để đối đáp, so tài.

Trống quân Đức Bác thuở xưa luôn có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống của người dân Đức Bác nói riêng và người dân Vĩnh Phúc nói chung; là phương tiện chuyển tải nội dung giáo dục tình cảm; là cầu nối để các chàng trai, cô gái đến với nhau, gửi gắm tình yêu thương cho nhau. Những đêm trăng sáng, những ngày nông nhàn hay những buổi tiệc mừng, giai điệu của Trống quân Đức Bác lại vang lên: bà hát cháu nghe, ông hát bà cổ vũ.. tiếng trống hòa vào tiếng hát dìu dặt làm ấm xóm làng… Hát Trống quân Đức Bác cũng còn là phương tiện để những người cao tuổi của làng, trong những dịp lễ hội hay hôn lễ, giáo dục con cháu đạo làm người, tình yêu nước thương nòi; cũng qua những giai điệu âm nhạc cầu cúng mà chuyển lời thỉnh cầu tới thần linh, cầu những điều tốt đẹp đến với gia đình, xóm làng; mong quốc thái, dân an, mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt và cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nền công nghiệp hóa - hiện đại hóa, có nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật, dòng nhạc hiện đại du nhập, nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người dân cũng có những thay đổi, không gian văn hóa làng ngày càng thu hẹp. Do vậy, vấn đề đặt ra cho công tác bảo tồn, nhất là sự cân bằng phù hợp giữa bảo tồn và phát huy giá trị của di sản là một nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với việc bảo vệ các giá trị của di sản hát trống quân. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp:

1. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ về giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.

Vai trò của cộng đồng nhân dân có ý nghĩa quyết định đối với việc bảo tồn di sản hát Trống quân Đức Bác. Điều này phụ thuộc vào nhận thức, hành vi và thái độ ứng xử của cộng đồng dân cư. Vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chính sách quản lý của nhà nước đối với di sản hát Trống quân Đức Bác, đặc biệt là tuyên truyền về giá trị của hát Trống quân cần được xác định là nhiệm vụ quan trọng.

2. Khuyến khích câu lạc bộ hát Trống quân Đức Bác phát triển

Trước hết, cần phải củng cố, tổ chức các hoạt động trong câu lạc bộ. Phải phát hiện và dựa vào những nghệ nhân tài năng, nhiệt tình, có uy tín cả về phẩm chất lẫn chuyên môn để quán xuyến, điều hành câu lạc bộ. Đặc biệt cần thể hiện thái độ trân trọng xứng tầm với loại hình nghệ thuật này và những nghệ nhân đang tâm huyết với nó.

Câu lạc bộ hát Trống quân Đức Bác và các nghệ nhân cần được tài trợ nguồn kinh phí để duy trì và phát triển lĩnh vực hoạt động của hình thức diễn xướng này. Quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước. Đây không chỉ là vấn đề vật chất mà còn là sự động viên tinh thần, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và cơ quan chuyên môn với cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường nguồn xã hội hóa, vận động tài trợ của các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức xã hội…

3. Tôn vinh và đãi ngộ đối với nghệ nhân thực hành diễn xướng hát trống quân

Việc bảo tồn hát Trống quân Đức Bác phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và hành vi của các chủ thể sáng tạo, thực hành và sở hữu di sản. Do vậy, vai trò của các nghệ nhân là những nhân tố mang tính quyết định sự trường tồn của hát Trống quân Đức Bác. Bảo vệ nghệ nhân, đồng nghĩa với việc bảo vệ di sản. Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của các nghệ nhân trong việc bảo tồn, lưu truyền hát Trống quân Đức Bác, nhằm tôn vinh, khích lệ các nghệ nhân tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa góp phần đảm bảo sự trường tồn của di sản hát Trống quân. Vì vậy, cần sớm triển khai có hiệu quả bộ tiêu chí về công nhận và chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Vĩnh Phúc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân được tham gia vào hoạt động quản lý, bảo vệ di sản.

4. Giới thiệu, quảng bá hát Trống quân Đức Bác với đông đảo công chúng

Để có thể tồn tại và phát triển, hay nói cách khác để có sức sống vươn lên trong môi trường xã hội hiện đại vốn tồn tại nhiều loại hình ca nhạc và giải trí, thì phải đưa được hát Trống quân đi vào tâm lý, sở thích, đời sống của đông đảo tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ trong cuộc sống đương đại bằng nhiều hình thức giới thiệu, quảng bá khác nhau, không chỉ có truyền thanh, truyền hình mà cần phải thực hành biểu diễn trực tiếp để người xem cảm thụ như: tổ chức, tham gia các cuộc hội thi, hội diễn của huyện, của tỉnh và toàn quốc; gắn kết thông qua các tour du lịch cộng đồng bằng việc tổ chức biểu diễn tại các điểm văn hóa - du lịch, các di tích di tích lịch sử trọng điểm để giới thiệu về hát Trống quân. Có như vậy mới dần dần thu hút được khán giả lẫn các nghệ nhân biểu diễn và đặc biệt làm cho hát Trống quân Đức Bác trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc ở Vĩnh Phúc. Điều này không chỉ tôn vinh, bảo tồn, phát huy được giá trị hát Trống quân mà còn làm cho người yêu nghề có thể sống được bằng nghề. Người yêu hát Trống quân có không gian để diễn xướng.

5. Truyền dạy tăng cường nguồn nhân lực cho phong trào

Cùng với truyền dạy theo kiểu truyền nghề, truyền khẩu truyền thống trong các gia đình, trong câu lạc bộ của làng để ông bà, cha mẹ dạy truyền khẩu cho các lớp con cháu kế tiếp, cần phải xây dựng các chương trình, giáo trình truyền dạy, phục hồi kỹ thuật hát Trống quân theo lề lối hát truyền thống cũng như các giải pháp để hát Trống quân thích ứng với sự phát triển của của đời sống âm nhạc đương đại đưa vào truyền dạy trong các trường học phổ thông, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch của tỉnh là hết sức cần thiết nhằm phát huy, tăng cường nguồn lực cho phong trào.

6. Kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa các bài hát trống quân Đức Bác

Tiếp tục kiểm kê làm rõ các giá trị của di sản; sức sống của di sản hát Trống quân trong đời sống cộng đồng. Kết quả công tác kiểm kê sẽ là cơ sở để xây dựng kế hoạch, phương án bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, đồng thời giúp cộng đồng có những biện pháp hữu hiệu để duy trì, phát huy giá trị di sản trong cuộc sống. Thực hiện nghiên cứu, sưu tầm các bài bản, lề lối, phong tục và các hình thức diễn xướng của hát Trống quân Đức Bác; ghi âm, ghi hình các bài bản hát Trống quân cổ; ký âm các lời ca Trống quân đã sưu tầm được... Từ đó, phân loại những tư liệu nào có thể bảo tồn được bằng hình thức tĩnh, hình thức động. Đưa các tư liệu vào lưu trữ tại Trung tâm tích hợp dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận chúng.

7. Củng cố tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước và đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước là nhân tố quan trọng quyết định kết quả quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Đây cũng là nhân tố trực tiếp tiếp thu và triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về việc quản lý, bảo tồn hát Trống quân Đức Bác. Củng cố tổ chức bộ máy, kiện toàn, bổ sung nguồn nhân lực làm công tác quản lý di sản từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời phải xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng được nhiệm vụ được giao.

Hát Trống quân Đức Bác đã đáp ứng một phần đời sống tinh thần của người dân lao động sau những ngày lao động vất vả, động viên nhân dân vào việc phát triển kinh tế - xã hội quê hương, đất nước. Hát Trống quân Đức Bác còn thể hiện được những nét đẹp chân - thiện - mỹ thông qua cách giao tiếp, ứng xử, lời hay ý đẹp trong lời hát của người hát và cộng đồng dân cư, đồng thời còn trao truyền cho các thế hệ sau những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần làm nên bản sắc văn hóa của quê hương, đất nước. Do vậy, muốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Trống quân Đức Bác hiệu quả hơn nữa trong đời sống đương đại cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng đến giải pháp tôn vinh nghệ nhân, khuyết khích cộng đồng tích cực giữ gìn, truyền dạy và phát huy giá trị của di sản, bởi đây là chủ nhân của di sản.

-------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phan Kế Bính (1941), Việt Nam phong tục, Nxb Mai Lĩnh, Hà Nội.

2. Bùi Trọng Hiền (2012), “Hát trống quân người Việt”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 332, tháng 2/2012.

3. Phạm Minh Hương (2004), “Trống quân Đức Bác”, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Viện Nghiên cứu Văn hóa.

4. Trần Việt Ngữ, Hát trống quân, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2002.

5. Vũ Ngọc Phan (1978), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

6. Nguyễn Hữu Thu (1983), “Tìm hiểu một số làn điệu trống quân và quá trình phát triển của chúng, Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, số 04 (51).

7. Phạm Trọng Toàn (2010), “Hát trống quân”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Số 310 (tháng 4).

Man Khánh Quỳnh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vinh-phuc-mot-so-giai-phap-bao-ton-va-phat-huy-hat-trong-quan-duc-bac-gan-voi-phat-trien-du-lich-71448