Vĩnh Long: Xây dựng làng nghề gạch truyền thống thành 'Di sản đương đại'

Ngày 18/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị tuyên truyền đề án 'Di sản đương đại Mang Thít' nhằm giới thiệu mục tiêu, ý nghĩa, giá trị của việc thực hiện đề án nhắm đến đại diện các chủ cơ sở sản xuất gạch và người dân các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long).

Tiến sỹ Ngô Anh Đào, Trưởng nhóm chuyên gia xây dựng đề án “Di sản đương đại Mang Thít" giới thiệu nội dung đề án đến người dân các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú và Hòa Tịnh của huyện Mang Thít tham dự hội nghị.

Tiến sỹ Ngô Anh Đào, Trưởng nhóm chuyên gia xây dựng đề án “Di sản đương đại Mang Thít" giới thiệu nội dung đề án đến người dân các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú và Hòa Tịnh của huyện Mang Thít tham dự hội nghị.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu cho biết, đề án “Di sản đương đại Mang Thít" được xây dựng dựa trên ý tưởng về việc khai thác các lò gạch truyền thống hiện có trên địa bàn huyện Mang Thít làm nền tảng, điểm nhấn mang tính đột phá để phát triển du lịch với quy mô lớn, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng.

Huyện Mang Thít từng được mệnh danh là "Vương quốc gạch" bởi đây là nơi sản xuất gạch nổi tiếng và lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, nghề sản xuất gạch tại địa phương đang đứng trước những khó khăn, thách thức do tình trạng ô nhiễm môi trường, nguyên liệu sản xuất cạn kiệt, giá nguyên liệu tăng cao... Thời gian qua, địa phương đã có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi, tháo dỡ các lò gạch truyền thống để chuyển sang sản xuất bằng các lò nung liên hoàn hoặc các hình thức kinh doanh khác nhằm hạn chế tác động đến môi trường, duy trì việc làm và thu nhập cho người dân.

Đến nay, đã có nhiều cơ sở sản xuất gạch ngưng hoạt động, một số cơ sở phá bỏ lò gạch để chuyển sang ngành nghề khác, số còn lại có nguy cơ bị dỡ bỏ hoặc hư hỏng. Trước thực trạng này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long hướng tới việc xây dựng đề án “Di sản đương đại Mang Thít” nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo mà các thế hệ trước để lại, đồng thời, giúp người dân trong vùng chuyển đổi sinh kế, nâng cao đời sống, góp phần phát triển ngành du lịch, tạo đà phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Theo Tiến sỹ Ngô Anh Đào, Trưởng nhóm chuyên gia xây dựng đề án, hệ thống lò gạch huyện Mang Thít là một kho báu chưa được nhìn nhận, đánh giá đầy đủ. Kho báu này thực sự có giá trị bởi nó được kiến tạo qua thời gian hơn 100 năm, từ sự giao thoa văn hóa - kỹ nghệ đặc sắc giữa người Khmer, người Kinh và người Hoa để tạo ra khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống rất độc đáo. Nơi đây hội tụ đầy đủ những điều kiện cơ bản để trở thành một khu di sản đương đại tầm cỡ, một điểm đến du lịch hấp dẫn, có thể mang lại những lợi ích cho chính địa phương. Để đạt được điều này cần có sự hợp tác giữa chính quyền các cấp, cộng đồng người dân địa phương và các nhà đầu tư.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện người dân địa phương cho rằng nếu đề án này được phê duyệt và hoàn thành thì đây sẽ là giải pháp tích cực tạo việc làm, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Đây cũng là điều kiện để bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa vốn có của làng nghề từng một thời hưng thịnh và nuôi sống nhiều thế hệ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngành chức năng của tỉnh cần tích cực tháo gỡ khó khăn cho người dân và giữ số lò gạch truyền thống, tránh bị dỡ bỏ hoặc hư hỏng theo thời gian; xác định rõ khu vực cụ thể được thực hiện dự án và thông đến các hộ dân để họ có phương án chuyển đổi sinh kế phù hợp, không chuyển nhượng hoặc tháo dỡ các lò gạch hiện có.

Tin, ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/vinh-long-xay-dung-lang-nghe-gach-truyen-thong-thanh-di-san-duong-dai-20200718194448947.htm