Vĩnh Long: Tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng phức tạp

Ngày 6/12, theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long), tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến tháng 12/2019, trên toàn tỉnh xảy ra 177 điểm sạt lở, với chiều dài trên 5,5 km, ảnh hưởng tới 292 hộ dân, ước tính thiệt hại khoảng 7,5 tỷ đồng.

Tuyến đường giao thông kết hợp đê bao xã Tân Hội, thành phố Vĩnh Long bị sụt lún gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Tuyến đường giao thông kết hợp đê bao xã Tân Hội, thành phố Vĩnh Long bị sụt lún gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Vĩnh Long ghi nhận hơn 10 khu vực sạt lở nằm dọc hai bên các tuyến sông lớn như: Sông Cổ Chiên, sông Hậu, sông Mang Thít, sông Long Hồ với tổng chiều dài gần 20 km, làm ảnh hưởng trên 15.000 hộ dân. Mặc dù địa phương đã hỗ trợ việc gia cố nhưng điều này chỉ mang tính chất tạm thời; đến nay, tình trạng sạt lở ở các khu vực này tiếp tục diễn ra, ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, nhất là mỗi khi triều cường dâng cao.

Tuyến đường giao thông kết hợp đê bao cồn Giông ven sông Tiền (xã Tân Hội, thành phố Vĩnh Long) đang có dấu hiệu sụt lún nghiêm trọng. Nhiều đoạn bị nghiêng và có nguy cơ gây vỡ đê, đe dọa ao cá, vườn cây ăn trái của các hộ dân trong khu vực.

Bà Ngô Thị Bé Chín (xã Tân Hội, thành phố Vĩnh Long) cho biết, đoạn đường này bị sạt lở nhiều năm nay, gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Gần đây, chính quyền địa phương đã hỗ trợ kè kiên cố được một đoạn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 200 m trước ao cá của bà đã bị sạt lở, phần đất ở chân đê bị nước cuốn đi gần hết. Gia đình bà phải trải bạt che chắn các đợt sóng đánh, đồng thời nhờ địa phương hỗ trợ gia cố tạm thời bằng cừ tràm. Bà Chín đang rất lo lắng bởi nếu sạt lở tiếp tục xảy ra thì toàn bộ diện tích ao cá của gia đình có thể bị thiệt hại. Ngoài ra, nước tràn vào đê bao sẽ ảnh hưởng tới hàng chục ha vườn cây ăn trái của người dân trong khu vực.

Tại xã An Bình (huyện Long Hồ), tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp, khiến người dân lo lắng. Chủ tịch UBND xã An Bình Nguyễn Hữu Phước cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã xảy ra trên 10 điểm sạt lở, ảnh hưởng đến 75 ha vườn cây ăn trái và nhà của người dân. Những năm gần đây, hiện tượng sạt lở đất trên các tuyến sông lớn xảy ra thường xuyên hơn.

Gia đình bà Ngô Thị Bé Chín, xã Tân Hội, thành phố Vĩnh Long phải dùng bạt che chắn khu vực sạt lở để hạn chế sóng đánh làm mất đất phần chân đê.

Nhằm hạn chế thiệt hại, chính quyền địa phương đã vận động và hỗ trợ người dân thực hiện gia cố theo phương châm "bốn tại chỗ". Tuy nhiên, việc gia cố chưa đáp ứng nhu cầu do khu vực này tiếp giáp sông lớn, xã không không có khả năng gia cố bờ đảm bảo lâu dài. Địa phương đã đề xuất tỉnh xây dựng tuyến kè Cổ Chiên kiên cố ở khu vực này để bảo vệ đời sống, nhà ở và gần 50% diện tích cây ăn trái của người dân trong xã.

Ông Lưu Nhuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Long thông tin, những điểm sạt lở trên các sông lớn đã xuất hiện từ nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng hơn. Thời gian qua, việc gia cố chỉ mang tính chất tạm thời, thiếu tính đồng bộ do chi phí đầu tư hệ thống kè kiên cố rất lớn, tỉnh khó thực hiện. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí để khắc phục điểm sạt lở cấp bách trên các tuyến sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên, sông Long Hồ… nhằm bảo vệ tài sản, nhà cửa, đất đai và tính mạng của người dân.

Tỉnh Vĩnh Long cũng chỉ đạo ngành chuyên môn theo dõi những khu vực sạt lở nghiêm trọng, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh công bố tình huống sạt lở nguy hiểm khẩn cấp để triển khai các giải pháp phi công trình và công trình nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản cho người dân.

Ngoài ra, tỉnh đang triển khai nhiều phương án hỗ trợ người dân ở khu vực sạt lở nghiêm trọng di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, bố trí tái định cư để các hộ dân ổn định cuộc sống. Ngành chuyên môn có trách nhiệm tổ chức cắm biển cảnh báo người dân hạn chế tụ tập và sinh hoạt trong vùng sạt lở. Các địa phương cần chủ động thực hiện phương châm bốn tại chỗ trong việc gia cố ngay những điểm sạt lở, tránh thiệt hại tới tính mạng và tài sản của người dân.

Tin, ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/vinh-long-tinh-trang-sat-lo-bo-song-ngay-cang-phuc-tap-20191206162745875.htm