Vĩnh Long nâng chất lượng tiêu chí nông thôn mới

Tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến cuối năm 2021 có thêm sáu xã được công nhận nông thôn mới và mỗi huyện, thị xã có ít nhất một xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các xã đã được công nhận xã nông thôn mới tiếp tục giữ vững và nâng chất lượng 19 tiêu chí ở mức độ cao hơn.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của người dân phường Trường An, TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) cho năng suất cây trồng cao.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của người dân phường Trường An, TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) cho năng suất cây trồng cao.

Tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến cuối năm 2021 có thêm sáu xã được công nhận nông thôn mới và mỗi huyện, thị xã có ít nhất một xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các xã đã được công nhận xã nông thôn mới tiếp tục giữ vững và nâng chất lượng 19 tiêu chí ở mức độ cao hơn.

Ðể hoàn thành mục tiêu, tỉnh Vĩnh Long thực hiện lồng ghép, gắn kết chương trình xây dựng nông thôn mới với thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong đó, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tập thể, liên kết sản xuất để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất hàng hóa, giúp người dân nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để phát triển kinh tế nông thôn, tận dụng sản phẩm sẵn có tại địa phương, tiêu thụ và tạo chuỗi liên kết sản xuất. Tỉnh tập trung xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nước sạch…; tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các nguồn lực xã hội hóa, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền và người dân trong xây dựng nông thôn mới.

* Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Phú Thọ, tỉnh đang tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng hai khu công nghiệp mới là Tam Nông (350 ha) và Hạ Hòa (400 ha); tiếp tục điều chỉnh mở rộng khu công nghiệp Thụy Vân để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Ðồng thời, tỉnh đẩy mạnh giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp Cẩm Khê, Phú Hà để giao đất cho chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và giao đất cho nhà đầu tư thứ cấp. Ðây là những khu công nghiệp có hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối với tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, quốc lộ 2 và đường Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Cùng với đó, tỉnh rà soát nhằm đổi mới quy trình, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả thực hiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng cơ bản; xây dựng cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhất là cơ chế tài chính để tháo gỡ điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho các dự án; rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, bảo đảm bình đẳng, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế; không xem xét các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư chậm tiến độ; kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai để giao cho các nhà đầu tư khác có năng lực.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/vinh-long-nang-chat-luong-tieu-chi-nong-thon-moi--631276/