Vĩnh Long nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thực hiện Ðề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu năm 2018, đào tạo nghề ngắn hạn cho 6.000 lao động nông thôn và đào tạo nghề nông nghiệp cho 1.900 lao động, đáp ứng nhu cầu việc làm tại các vùng chuyên canh; đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 4.100 lao động có nhu cầu tìm thêm việc làm, chuyển đổi nghề; đào tạo, bồi dưỡng cho 253 lượt cán bộ, công chức xã nhằm trang bị kỹ năng, nghiệp vụ, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành hoạt động của đề án.

Tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, tư vấn học nghề và phổ biến các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nông thôn; rà soát, lập quy hoạch ngành nghề đào tạo, dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho lao động sau học nghề. Ðồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nông thôn học nghề như: chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho các đối tượng chính sách; thường xuyên đánh giá hiệu quả giải quyết việc làm và mức thu nhập của lao động nông thôn sau học nghề; giám sát công tác quản lý, duy trì việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo.

Trong năm 2017, Vĩnh Long đã tổ chức được 307 lớp đào tạo nghề cho 7.249 lao động nông thôn, đạt 131,80% kế hoạch năm; số lao động nông thôn có việc làm ổn định sau học nghề là 6.784 người, đạt 93,77% tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề.

* Gia Lai là địa bàn có nhiều danh lam thắng cảnh cùng với những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa. Có vị trí địa lý ở ngã ba Ðông Dương, vùng đất bắc Tây Nguyên này được đánh giá là điểm đến du lịch đầy tiềm năng. Tận dụng lợi thế, tiềm năng này, tỉnh tập trung mọi nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, hình thành các điểm du lịch văn hóa - sinh thái hấp dẫn.

Bên cạnh những điểm du lịch hấp dẫn như: Núi lửa Chư Ðăng Ya, Biển Hồ, Quảng trường Ðại Ðoàn kết, Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Nhà máy Thủy điện Ya Ly, Nhà lao PlâyCu, Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG, Di tích lịch sử văn hóa Làng kháng chiến Stơr, thác Phú Cường và Vườn quốc gia Kon Ka Kinh; Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Ðạo, Khu di tích căn cứ địa cách mạng Khu 10..., Gia Lai còn là cái nôi của nền văn hóa bản địa Gia Rai, Ba Na với những lễ hội kỳ bí, linh thiêng trong không gian văn hóa cồng chiêng, được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nét văn hóa tâm linh lâu đời cùng văn hóa ẩm thực đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số đã làm nên sự hấp dẫn của vùng đất đỏ ba-dan. Gia Lai đã đề ra lộ trình phấn đấu đến năm 2025, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/36453402-vinh-long-nang-cao-chat-luong-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon.html