Vĩnh Long: Hơn 50 năm sống chết quản giữ đất nghĩa địa, 1 hộ dân đang bị 'gạt ra rìa' (!?)

Mảnh đất đã gắn bó từ năm 1966, cụ Hải (đã chết năm 1997) giao lại cho vợ là cụ Nguyễn Thị Ba rồi giao lại cho con trai thừa kế thì nay buộc phải di dời để giao lại cho Chùa Bà Thiên Hậu…

Mảnh đất đã gắn bó từ năm 1966, cụ Hải (đã chết năm 1997) giao lại cho vợ là cụ Nguyễn Thị Ba (nay đã 80 tuổi, già yếu), rồi giao lại cho con trai thừa kế thì nay, sau phiên tòa dân sự sơ thẩm tháng 4/2017 của TAND TP Vĩnh Long đã buộc phải di dời để giao lại cho Chùa Bà Thiên Hậu…

Tính từ năm 1966 đến nay, gia đình cụ Đỗ Phước Hải cùng vợ là Nguyễn Thị Ba (sinh năm 1937) và con trai tên Đỗ Vĩnh Hưng (sinh năm 1972) đã có hơn 50 năm gắn chặt với phần đất nghĩa trang Quang Đông (người Hoa, có tài liệu gọi là nghĩa địa Bổn Bang), tọa lạc tại khóm 3, phường 4, thị xã Vĩnh Long. Khi vợ chồng, con cái của cụ Hải đã dắt díu nhau từ Sài Gòn về đây nhận công việc trông coi, giữ gìn phần đất nghĩa trang này (gọi tắt là “quản trang”) và các cụ đã dựng nhà ở và sinh sống ổn định từ đó.

Bà cụ Nguyễn Thị Ba trình bày vụ việc với phóng viên.

Diễn biến phức tạp…

Diện tích đất nghĩa địa này, theo Quyết định 05/QĐ.UB ngày 14/01/2002 của UBND thị xã Vĩnh Long (TXVL, nay là TP Vĩnh Long), cho biết: “Gốc đất của Hội người Hoa TXVL quản lý rất lâu đời, toàn khu đất (47.000m2) trước đây dùng để chôn cất người thân trong hội, phần nhỏ cất nhà dưỡng bệnh, nhà nghỉ, nhà hoàng và đường đi vào khu nghĩa địa. Việc quản lý sử dụng đất được lưu truyền cho người trong bang hội, thông qua bầu chọn và cử người trực tiếp quản lý gọi là “ông Từ”.

Vẫn theo Quyết định 05 kể trên, “Trong quá trình sử dụng trước và sau năm 1975, Hội người Hoa cho một số hộ mướn đất, mượn đất cất nhà ở, một số hộ tự chiếm dụng để ở và một số hộ sang nhượng đất cho nhau qua nhiều giai đoạn và có nguồn gốc tóm tắt như sau: *Tóm tắt quá trình chiếm dụng đất của 76 hộ: Có 45 hộ đã quản lý sử dụng liên tục từ trước ngày 30/4/1975 cho đến nay (trong số này, hộ cụ Đỗ Phước Hải được đánh số 12 trong danh sách, kèm địa chỉ cư trú tại phường 4, TXVL - PV). *Có gồm 20 hộ sang nhượng hợp pháp (kèm danh sách cụ thể…). *Có 11 hộ sử dụng sau năm 1975 (danh sách cụ thể…).

Năm 1998, ông Trần Ba, đại diện Ban chấp hành Hội người Hoa TXVL đứng đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền không cấp quyền sử dụng cho những hộ gia đình hiện đang ở trong phần đất nghĩa địa của Hội người Hoa TXVL.

*Nhận xét: - Gốc đất của Hội người Hoa TXVL quản lý sử dụng lâu đời. Toàn khi đất khoảng 47.000m2 được xây dựng gồm nhà nghỉ, nhà dưỡng bệnh, nhà hoàng… còn lại là nơi dành để an táng chung cho người thân trong Hội người Hoa. - Sau ngày giải phóng 30/4/1975 đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước chỉ giao quyền sử dụng đất cho nhân dân sử dụng đất ổn định lâu dài, có kê khai đăng ký vào sổ bộ địa chính và thực hiện nghĩa vụ thế hằng năm đối với nhà nước. (Căn cứ vào điều 1, điều 2 Luật Đất đai năm 1993).

- Quá trình sử dụng đất của 76 hộ dân được chia làm 3 nhóm sau: +Nhóm 1: Có 45 hộ sử dụng từ trước năm 1975, bao gồm các hộ sử dụng từ trước năm 1975 đến nay, hoặc thành viên gia đình chết để lại cho con cháu sử dụng tiếp. +Nhóm 2: Có 20 hộ sang nhượng hợp pháp, như có chấp thuận về nhà hoặc đất của UBND TXVL, UBND tỉnh Vĩnh Long hay đã được hợp thức hóa về quyền sử dụng đất theo công văn 588 của Ủy ban Tỉnh, hợp thức hóa nhà, đặc biệt có hộ Phùng Vương Anh Đào đã được Ủy ban Tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy đỏ). +Nhóm 3: gồm 11 hộ sử dụng sau năm 1975 trong đó có: 8 hộ sử dụng từ 1975-1985, 2 hộ do cha mẹ cho năm 1983, 1 hộ do UBND phường 4 cấp 1984 (đất phương quản lý)”.

Nội dung chủ yếu của Quyết định 05/QĐ.UB ngày 14/01/2002 của UBND tỉnh Vĩnh Long “quyết” rằng: “Điều 1: Bác đơn kiến nghị của Hội người Hoa TXVL về việc yêu cầu các cấp chính quyền không cấp quyền sử dụng đất cho 76 hộ dân. Lý do: Đơn kiến nghị của Hội người Hoa không phù hợp chính sách pháp luật đất đai hiện hành. Vì 76 hộ dân này đã có thời gian sử dụng ổn định lâu dài, sang nhượng hợp pháp, hoặc được chính quyền phường cấp đất. Giữ nguyên hiện trạng phần đất tranh chấp giữa Hội người Hoa TXVL với 76 hộ dân. Giao Hội đồng xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phường 4 xác định diện tích sử dụng thực tế của các hộ để xét cấp và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp theo đúng quy định hiện hành cho 76 hộ dân”.

Trong khi đó, theo Phòng TN-MT TP Vĩnh Long, tại Báo cáo số 77/BC-PTNMT ngày 12/06/2014 (khi can thiệp giải quyết tranh chấp - PV), cho biết: “+Theo tư liệu (299/TTg) ghi nhận thửa 363 - 10.400m2, loại đất nghĩa địa, do nghĩa địa kê khai trong sổ mục kê ruộng đất. Cũng theo tư liệu đo đạc bản đồ (CTĐ) ghi nhận thửa 28 - 1141m2, loại đất vườn, do nghĩa địa Bổn Bang kê khai trong sổ mục kê đất. +Theo tư liệu địa chính (60/CP) ghi nhận thửa 82, tờ bản đồ 30, diện tích 5.148m2, loại đất nghĩa địa, do nghĩa địa bổn Bang kê khai trong sổ mục kê. Năm 2007 tách ra 2 thửa, diện tích 5.061,9m2, loại đất nghĩa địa, đã cấp giấy chứng nhận QSD đất cho Chùa Bà Thiên Hậu, thửa 82 còn lại 54,9m2, loại đất nghĩa địa, do bà Nguyễn Thị Ba đang quản lý sử dụng, năm 2011 bà Ba làm đơn xin cấp giấy chứng nhận QSD đất, theo tờ tường trình nguồn gốc đất có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường 4, TXVL, nguồn gốc đất quản lý sử dụng từ năm 1966 đến nay, ổn định không tranh chấp.

Khi đo đạc cấp giấy chứng nhận QSD đất, cán bộ đo đạc ghi nhận loại đất nghĩa địa, là không đúng theo hiện trạng sử dụng, qua xác minh thửa 82 trên đất có một căn nhà khung cột gạch, vách tường, mái tol, nền xi măng diện tích khoảng 20m2 xung quanh đất trống có rào lưới B40 xung quanh, hiện trạng trên đất không có mồ mả.

Đến ngày 30/8/2011, bà Ba được UBND TPVL cấp giấy chứng nhận QSD đất, tờ bản đồ 30, thửa 82, diện tích 54,9m2, loại đất nghĩa trang, nghĩa địa, tọa lạc tại khóm 3, phường 4, TPVL, sau đó bà Ba chuyển QSD đất lại cho con là ông Đỗ Vĩnh Hưng quản lý sử dụng, đến năm 2013 ông Hưng chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở đô thị (nợ tiền sử dụng đất)”.

Tiếng nói người trong cuộc

Ông Đỗ Vĩnh Hưng (con trai cụ Đỗ Phước Hải, thế hệ thứ 2 được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này) cho biết: Năm 1966, cha tôi đưa gia đình từ Sài Gòn về làm lụng và sinh sống tại đây đến nay. Theo chủ trương của nhà nước “tư liệu 299/TTg”, cha tôi đứng ra kê khai thay cho nghĩa địa Bổn Bang thửa đất 363, tờ bản đồ 13, diện tích 10.400m2, loại đất nghĩa địa, lúc này cha tôi và mẹ tôi quản lý hết diện tích này, chia làm 2 phần: phần phía trước giáp đường Trần Phú, do cha tôi quản lý và phần phía sau (giáp đường Trần Đại Nghĩa ngày nay) do mẹ tôi quản lý.

Năm 2002, UBND tỉnh Vĩnh Long ra Quyết định 05/QĐ.UB công nhận quyền sử dụng đất cho 76 hộ dân, trong đó có tên cha tôi nhưng thời điểm này cha tôi đã mất nên mẹ tôi đứng ra đại diện thừa kế, đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo thủ tục pháp lý, thực ra phần nhà này cha đã giao cho tôi quản lý từ trước khi cha mất. Năm 2012, sau khi giải tỏa đất làm đường Trần Đại Nghĩa, bên Chùa Bà khởi kiện đòi lại quyền sử dụng đất của thửa 92, trong đó có căn nhà (cất năm 1973) do mẹ tôi đang sử dụng ổn định trên phần đất này. Vì mẹ tôi yêu cầu công nhận chỗ ở ổn định, bên Chùa không đồng ý nên mới phát sinh tranh chấp thêm thửa 82 (diện tích đất 54,9m2 có căn nhà cất năm 1966, hiện đã chuyển “sổ hồng”, tức giấy chứng nhận đất ở, nhà ở - PV) đã được UBND TP Vĩnh Long cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2011 theo Quyết định 05/QĐ.UB…

Chúng tôi tiếp tục làm rõ vụ việc phức tạp này trong các bài viết sắp tới.

Hồng Ân – Hồng Đăng

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/vinh-long-hon-50-nam-song-chet-quan-giu-dat-nghia-dia-1-ho-dan-dang-bi-gat-ra-ria-p44966.html