Vĩnh Long đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh này không ngừng tăng lên, người nông dân đã đưa máy móc vào sản xuất, từ đó tiết kiệm sức lao động, giảm giá thành sản phẩm, giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung đầu tư, khuyến khích nông dân trên địa bàn tỉnh này áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác và lựa chọn áp dụng cơ giới hóa phù hợp trong sản xuất trên cánh đồng lớn, đặc biệt từ năm 2018 trở lại đây, Vĩnh Long đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở phía Nam” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương triển khai xây dựng mô hình tại hai xã là Hiếu Nhơn và Trung Nghĩa của huyện Vũng Liêm thực hiện.

Sau khi triển khai, hướng dẫn nông dân thực hiện theo đúng yêu cầu của dự án, bước đầu cho thấy kết quả đạt khả quan. Bên cạnh lợi nhuận thu được từ sản xuất lúa theo phương pháp cấy, dịch vụ cấy lúa, dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật, phân bón bằng bình phun động cơ,… dự án đã xây dựng được hai nhóm liên kết sản xuất lúa với hàng chục thành viên và nhóm liên kết tham gia. Các thành viên trong nhóm liên kết với nhau nên việc canh tác lúa bước đầu có tổ chức và mang tính tập thể, trong đó, các thành viên cùng tuân thủ các quy định chung trong thực hiện các khâu sản xuất lúa như: xuống giống đồng loạt, sử dụng giống cấp xác nhận trở lên, đúng lịch thời vụ, gieo cấy cùng một giống lúa, bón phân cân đối và cùng các loại phân, thực hiện bón lót đầu vụ, quản lý dịch hại theo IPM, quản lý nước ngập - khô xen kẽ theo giai đoạn sinh trưởng và phát triển của lúa.

Đồng thời, việc thành lập Nhóm liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa đã đem lại lợi ích như chủ động tiêu thụ sản phẩm của người nông dân, sản xuất ra sản phẩm an toàn đáp ứng được yêu cầu của Công ty, Doanh nghiệp nói riêng và của thị trường nói chung. Anh Nguyễn Văn Tư, người nuôi thả cá tra ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cho hay, từ khi áp dụng cơ giới hóa vào nuôi thả cá, như chạy máy sục khí, máy bơm nước công suất lớn…năng suất và chất lượng cá tăng lên rõ rệt, đảm bảo theo yêu cầu của công ty thu mua. Giá thành sản xuất giảm và hiệu quả kinh tế tăng lên trên cùng một diện tích nuôi thả.

Cấy lúa bằng cơ giới giúp cho người nông dân tăng năng suất lao độnggiảm giá thành chi phí đáng kể (Ảnh: TTKN Vĩnh Long)

Cấy lúa bằng cơ giới giúp cho người nông dân tăng năng suất lao độnggiảm giá thành chi phí đáng kể (Ảnh: TTKN Vĩnh Long)

Tại huyện Mang Thít, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đang được đẩy mạnh, góp phần hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả và tăng thu nhập cho nông dân trên cùng diện tích canh tác. Hiện toàn huyện Mang Thít có 1.024 máy cày, xới, bừa; 393 dụng cụ sạ hàng; 813 máy bơm tát, tưới; 1.208 máy phun thuốc có động cơ; 141 máy gặt đập liên hợp, 16 máy cắt xếp dãy; 39 máy cuộn rơm; 18 máy sấy; 1 máy cấy. Số máy móc và dụng cụ này đáp ứng tốt nhu cầu trong sản xuất nông nghiệp của nông dân, làm giảm chi phí tăng lợi nhuận hàng chục tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng được nâng cao, hiện nay cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 100%, cơ giới hóa trong khâu thu hoạch đạt 98%, đã giải quyết được nhiều khó khăn trong tình hình thiếu lao động như hiện nay. Tổng giá trị dịch vụ đạt 85,5 tỷ đồng, tăng 4,5% so năm 2016.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh này ít nhiều còn mang tính chất tự phát, thiếu đồng bộ, và còn hạn chế. Như trong sản xuất lúa mới tập trung chủ yếu khâu làm đất, thu hoạch còn khâu gieo cấy, chăm sóc, bảo quản chưa được quan tâm đầu tư nên hiệu quả sản xuất chưa cao. Các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phần lớn đầu tư theo hướng quản canh, thủ công, chưa đầu tư cơ giới hóa theo hướng khép kín, đồng bộ nên chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất chưa cao, ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường.

Trên thực tế, do lực lượng lao động chính trong nông nghiệp hiện nay đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các ngành nghề khác như ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nên nhu cầu phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh là rất cần thiết. Bởi cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được coi là khâu then chốt, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Việc thực hiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp sẽ thay thế phương thức sản xuất thủ công bằng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, từng bước tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, theo hướng sản xuất hàng hóa mà Vĩnh Long đang hướng đến, qua đó từng bước tiến tới xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và bền vững.

Được biết, hiện trong lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh Vĩnh Long đang có trên 1.100 máy gặt đập liên hợp, trên 3.000 dụng cụ sạ hàng, trên 4.800 máy xới, trên 40.500 máy phun thuốc trừ sâu, gần 52.800 máy bơm nước. Trong khi khâu làm đất, tưới nước, thu hoạch đều ứng dụng cơ giới hóa 100% thì chỉ có 20% sử dụng máy cấy ở khâu gieo trồng, 50% trong khâu chế biến, bảo quản. Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, chỉ có 14% áp dụng cơ giới hóa trong khâu chế biến thức ăn khô cho thủy sản, 22% áp dụng cơ giới hóa trong khâu chăm sóc gia cầm, 48% sử dụng máy móc vào trong chuồng trại gia súc…/..

K.V

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/vinh-long-day-manh-co-gioi-hoa-trong-san-xuat-nong-nghiep-519023.html