Vinh dự gặp Bác ở 'Thủ đô gió ngàn'

Chúng tôi đến thăm bà Lưu Thị Liên, trú tại số nhà 84, ngõ 27/29, đường Võ Chí Công, phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) vào một ngày đầu tháng 5. Dù đã 88 tuổi nhưng bà Liên vẫn giữ được tác phong khá nhanh nhẹn, cặp mắt tinh anh, đúng phẩm chất của một nữ giao liên của những năm trường kháng chiến.

Bà Lưu Thị Liên sinh năm 1933, tại xã Lê Lợi (Thường Tín, Hà Nội) trong một gia đình nông dân nghèo, phải đi ở đợ kiếm cơm qua ngày. Sau Cách mạng Tháng Tám, cô bé Liên được một gia đình tốt bụng trong làng đưa vào trại trẻ mồ côi ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phú (nay là huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Cuối năm 1947, Liên may mắn được đồng chí Thanh Thủy, Ủy viên Đảng đoàn Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đón về nuôi, cho làm liên lạc, kiêm cần vụ. Chính nơi đây đã chắp cánh tương lai cho Lưu Thị Liên sau này. Tháng 9-1950, Lưu Thị Liên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bà Lưu Thị Liên tại gia đình, tháng 5-2020.

Bà Lưu Thị Liên tại gia đình, tháng 5-2020.

Thời gian sống và làm việc tại cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Chiến khu Việt Bắc (1947-1954), Lưu Thị Liên được giao nhiệm vụ làm liên lạc chuyển công văn, giấy tờ đến các cơ quan Trung ương, vì vậy bà vinh dự nhiều lần được gặp Bác Hồ. Mỗi lần gặp Bác là một câu chuyện thật cảm động, giờ vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm bà.

Bà Lưu Thị Liên kể, có lần trên đường công tác, Bác tranh thủ ghé thăm chị em trong cơ quan. Người ân cần hỏi thăm điều kiện ăn ở, sinh hoạt, công tác của chị em. Thấy bữa ăn của chị em còn kham khổ, Bác góp ý: "Các cô nên xin đất địa phương để tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, không được để chị em ăn rau tàu bay và măng nhiều, không tốt cho sức khỏe". Lần khác, Bác bảo: "Các cô không nên ăn cơm nguội sẽ mất dinh dưỡng. Các cô hãy nhờ bà con trong thôn hướng dẫn cách đan cái bồ con có nắp, làm sao để đủ một suất cơm giữ được nóng".

Sau những lời dạy của Bác và nhờ những hạt giống Người gửi tặng để tăng gia, chỉ thời gian ngắn, bữa ăn của chị em được cải thiện đáng kể. Việc đan bồ con đựng cơm cũng được triển khai. Từ đó, dù mùa đông hay mùa hè, không ai phải ăn cơm nguội nữa”.

Có một kỷ niệm mà bà Liên nhớ mãi. Khoảng 15 giờ ngày 19-5-1950, khi cán bộ trong cơ quan đi họp, ở nhà chỉ có 3 chị em, khoác chiếc bị cói đựng công văn vừa đến đầu dốc đồi cọ Hoàng Ngân, thuộc xã Điềm Mặc (Định Hóa, Thái Nguyên), Lưu Thị Liên bất ngờ thấy Bác Hồ cùng đồng chí bảo vệ đang đi tới. Vì giữ nguyên tắc bí mật “3 không” (không biết, không nói, không hỏi), bà chạy vội đến cúi chào Bác rồi dẫn Người về cơ quan, sau đó chạy đi thông báo với mọi người: "Các chị ơi! Bác đến! Bác đến!".

Mấy chị em cùng chạy ùa ra đón Bác. Thấy mấy gian nhà vắng vẻ, Người hỏi ngay: "Các cô đi đâu hết cả rồi?". Chị Nguyễn Thị Thanh Hương (sau này là Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam) thưa: “Dạ! Các đồng chí lãnh đạo và chị em cơ quan cháu vào nhà khách Trung ương dự họp ạ!”. Bác hiền từ nhìn 3 chị em, ân cần: "Bác đi dự hội nghị gần đây, tiện đường ghé thăm các cô!".

Lúc này trời đã gần tối, lại mưa lất phất, chị Hương mạnh dạn đề nghị: "Thưa Bác, chúng cháu đã nấu cơm, kính mời Bác và đồng chí bảo vệ ở lại xơi cơm ạ". Sau giây lát suy nghĩ và trao đổi với đồng chí đi cùng, Bác đã nhận lời. Khỏi phải nói, mấy chị em ai cũng vui mừng, xúc động.

Kể đến đây, bà Lưu Thị Liên trầm ngâm. Bà bảo lúc ấy được các chị phân công nấu cơm nhưng chị quản lý kho đi họp. Bà phải "bí mật" trèo qua tấm liếp nứa, vào kho lấy gạo, cùng hộp măng tây, là chiến lợi phẩm của một đơn vị bộ đội gửi tặng. Lát sau, một mâm cơm được dọn ra, với bát canh măng tây, đĩa muối rang, một chút mỡ, ớt và mấy quả trứng luộc.

Vì nghĩ mình là giao liên, nhân viên cơ quan nên Lưu Thị Liên không dám ngồi ăn cơm với Bác và các chị. Thấy vậy, Bác bảo chị Hương: "Gọi cô bé cấp dưỡng đến ăn cơm cùng Bác cho vui".

Trong bữa cơm vui vẻ, nhìn vào bát măng, Bác hỏi: "Măng tây, các cô nấu thế nào?". Lưu Thị Liên thưa với Bác: "Dạ thưa Bác, măng tây cháu tước ra rồi đun nước sôi, đổ măng vào, gần được cháu cho mỡ và muối ạ". Nghe vậy, Bác cười, bảo: "Đây là măng tây đóng hộp của người Pháp, khi nấu, cháu phải cắt ra từng khúc, rửa sạch, bỏ vào nấu cùng thịt nạc. Các cháu là phụ nữ, phải chịu khó học văn hóa, học chính trị, học nữ công gia chánh, nhất là phải biết nấu ăn ngon".

Hơn 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về lần được gặp Bác, được ăn cơm với Người đối với bà Lưu Thị Liên là một kỷ niệm hết sức thiêng liêng, xúc động. Nhớ lời Bác dạy, hòa bình lập lại, dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, bà vẫn quyết tâm vừa học, vừa làm để theo kịp bạn bè, đồng nghiệp. Trong công tác, dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, từ một cán bộ phụ nữ huyện đến Phó chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội, bà Lưu Thị Liên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn học tập và làm theo lời căn dặn của Bác.

Bài và ảnh: LAN PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/vinh-du-gap-bac-o-thu-do-gio-ngan-659490