Vinh danh những 'chiến sĩ Blouse trắng'

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 là dịp để toàn xã hội bày tỏ sự biết ơn, trân trọng trước những nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của những người trong ngành Y, những 'chiến sĩ khoác áo blouse trắng'. Song, cũng đúng dịp này, cán bộ, nhân viên toàn ngành đang phải tạm quên niềm vui riêng, căng mình, dồn sức ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19, vì an toàn chung của cộng đồng.

Ở những nơi tuyến đầu cuộc chiến

Đến nay, gần 1 tháng đã trôi qua từ ngày cả nước phát hiện ra những bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở đợt dịch mới, liên quan đến các ổ dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh hay thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này, đội ngũ nhân viên y tế trên khắp cả nước, đặc biệt là tại những nơi điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, đang từng ngày, từng giờ, từng phút gồng mình, chấp nhận mọi khó khăn, thử thách, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng của mình để giành giật lại sự sống cho người bệnh từ tay “tử thần”. Trân quý biết bao những tấm gương thầy thuốc bình dị mà cao đẹp, những anh hùng áo trắng thầm lặng.

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chúc mừng bệnh nhân được công bố khỏi bệnh Covid-19.

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chúc mừng bệnh nhân được công bố khỏi bệnh Covid-19.

Thạc sĩ – Bác sĩ Vương Xuân Toàn (Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bạch Mai) là một trong số ít những bác sĩ trẻ đã 2 lần chi viện cho điểm nóng là Đà Nẵng và Hải Dương. Nhiệm vụ của anh là chiến đấu giành giật sự sống cho các bệnh nhân Covid-19. Chia sẻ về câu chuyện vào tâm dịch, bác sĩ Toàn nhớ lại, đầu năm 2021, thông tin dịch bệnh từ Hải Dương vốn đã làm anh thấp thỏm lo âu.

Khoa Hồi sức tích cực cũng đã có thông báo rằng bất kỳ địa phương nào cần hỗ trợ, các bác sĩ hãy đăng ký để lên đường chi viện, bác sĩ Toàn đã xung phong đầu tiên. Ngay sau đó, khoảng 20h30 phút ngày 6/2/2021, bác sĩ Toàn nhận được tin nhắn từ lãnh đạo: “Toàn về Hải Dương nhé”. Vậy là anh chuẩn bị hành trang “khăn gói” lên đường.

Ngày anh đi, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đào Xuân Cơ (Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) đã gọi điện dặn dò: “Cố gắng dồn hết tâm sức không để bệnh nhân nào tử vong”.Lúc này tại Bệnh viện dã chiến 2 có hai bệnh nhân nặng đang được đề nghị chuyển lên phòng chăm sóc tích cực và thiết lập hoạt động luôn trong đêm hôm đó.Chỉ có 1h đồng hồ để chuẩn bị, 23h15p bác sĩ Toàn cùng một chiếc máy thở oxy dòng cao (HFNC) có mặt ở Bệnh viện dã chiến số 2. Không có thời gian nghỉ ngơi, chàng bác sĩ trẻ bắt tay ngay vào thăm khám và lắp máy thở cho bệnh nhân.

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, đồng hành cùng các y, bác sĩ đang trực tiếp cứu chữa người bệnh, thì những bác sĩ làm công tác dự phòng cũng vất vả, rủi ro không kém khi họ luôn là người tiên phong đi vào vùng dịch và tiếp xúc trực tiếp với những trường hợp có nguy cơ nhiễm bệnh.

Bác sĩ Bùi Thanh Nam, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (CDC Quảng Ninh) là người đã trải qua hai đợt dịch tại Quảng Ninh vào tháng 2/2020 và tháng 12/2021. Hai năm liền, bác sĩ Nam cùng các đồng nghiệp tại khoa Kiểm soát bệnh Truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chưa biết đến Tết là gì. Họ làm việc xuyên đêm để điều tra, truy vết các trường hợp F1, F2.. khi có ca bệnh xuất hiện.

Trong năm nay, 7 ngày Tết Tân Sửu là cả 7 ngày truy vết căng thẳng và áp lực. Trong dịch Covid-19, không chỉ riêng anh mà các đồng nghiệp trong Khoa đều phải làm việc với cường độ liên tục, gấp 3 lần so với những ngày thường. Dịch xảy ra trong thời điểm Tết Nguyên đán - là dịp để sum họp cùng với những người thân trong gia đình nhưng các cán bộ của Khoa hầu như không có Tết. Họ đều phải ngày đêm cuốn vào guồng quay của công việc, sẵn sàng ứng trực nên không có thời gian cho gia đình.

"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai"

Trong suốt hơn 1 năm chống dịch Covid-19, có thể thấy, hàng ngàn nhân viên y tế đã được huy động, trực tiếp đi vào các tâm dịch. Bất cứ khi nào người dân cần, lực lượng y tế đều sẵn sàng vào cuộc, bất chấp mọi hiểm nguy. Ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là một trong số các bác sĩ sẵn sàng ở miết trong bệnh viện suốt hơn 1 tháng để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.

Nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có thư gửi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Y tế. Trong thư, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Trong ngày truyền thống thiêng liêng và cao quý của ngành Y tế, nhiều đồng chí vẫn đang lặng lẽ, âm thầm miệt mài không ngại gian khổ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để bảo vệ sức khỏe và bình an của người dân, đó cũng chính là phần thưởng xứng đáng nhất, ý nghĩa nhất mà Đảng, Nhà nước, nhân dân trao gửi. Những giọt mồ hôi, nước mắt của các đồng chí, những đêm thức trắng ở các điểm dịch, bên giường bệnh luôn được nhân dân ghi nhận. Sự hy sinh của các đồng chí là sự tiếp nối truyền thống quý báu của bao thế hệ dày công vun đắp và cũng là tấm gương sáng để các thế hệ nối tiếp học hỏi, noi theo đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nhắn nhủ: “Lương y phải như từ mẫu - Thầy thuốc như mẹ hiền”.

Anh cũng là một trong bốn nhân viên y tế của bệnh viện xung phong lên chuyến bay đến với 219 công dân Việt từ Guinea Xích đạo. Trong một lần trò chuyện, bác sĩ Hùng chia sẻ, gia đình, đặc biệt mẹ anh là người lo lắng nhất, để trấn an mẹ, anh đã hóm hỉnh mượn một câu hát quen thuộc “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” để động viên, giúp mẹ mình vững tâm hơn.

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, ngoài các y bác sĩ trực tiếp “chiến đấu” tại các chiến trường, một đội ngũ các thầy thuốc giỏi nhất cả nước trong đó có cả lãnh đạo Bộ Y tế và đội ngũ bác sĩ, giáo sư từ các bệnh viện đầu ngành cũng luôn hỗ trợ từ xa cho các điểm nóng như Hải Dương, Đà Nẵng. Không chỉ đưa ra những góp ý về chuyên môn, các thầy thuốc còn chỉ đạo vô cùng sát sao, chung tay giúp đỡ cho các bệnh nhân mắc Covid-19.

Đặc biệt, một lực lượng y bác sĩ không trực tiếp vào “tâm dịch” nhưng vẫn làm nhiệm vụ vừa điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện, vừa thực hiện các biện pháp phòng dịch hiệu quả, nhằm chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân.

Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng, toàn ngành y tế cùng với cả hệ thống chính trị đang dồn toàn tâm, toàn lực để ngăn chặn, khống chế và đẩy lùi đại dịch, đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới. Cả hệ thống y tế, trong đó mỗi nhân viên y tế đều ý thức được đầy đủ tầm quan trọng, tính cấp thiết của công tác phòng, chống dịch. Càng khó khăn bao nhiêu các nhân viên y tế càng thể hiện sự quyết tâm hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đặc biệt, trong 75 năm ra đời và phát triển, ngành Y tế cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong công tác khám chữa bệnh, ngành đã có những bước chuyển biến rất căn bản, chất lượng khám chữa bệnh ngày một nâng lên. Hệ thống khám chữa bệnh từ xa ra đời đã giúp cho người dân ở tuyến cơ sở được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cao.

Trong công tác y tế dự phòng cũng đã có những đổi mới mạnh mẽ với sự ra đời của Trung tâm CDC các tỉnh, thành phố. Ngành y tế đã đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý với sự ra đời và công khai minh bạch toàn bộ các hoạt động của ngành y tế, từ vấn đề giá thuốc, đến giá trang thiết bị y tế, đến đấu thầu và kể cả giá dịch vụ y tế của tất cả các cơ sở y tế; thực hiện đổi mới phương thức quản lý về tài chính y tế, về Bảo hiểm Y tế và đảm bảo nhân lực y tế.../.

Kim Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/vinh-danh-nhung-chien-si-blouse-trang-119513.html