Vinh danh những 'anh hùng' của người di cư

Một đội tình nguyện cứu hộ trên biển và một nhà hoạt động nhân quyền Hy Lạp từng cứu sống và giúp đỡ hàng nghìn người di cư gặp nạn trên biển Địa Trung Hải năm 2015, sẽ cùng được trao giải Nansen năm 2016 - một giải thưởng uy tín của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR).

Cô Efi Latsoudi, nhà hoạt động nhân quyền ở Hy Lạp. Ảnh: Getty

Cô Efi Latsoudi, nhà hoạt động nhân quyền ở Hy Lạp. Ảnh: Getty

Những người sống vì cộng đồng

Theo thông báo ngày 5-9 của UNHCR, Đội cứu hộ Hellenic (HRT) và cô Efi Latsoudi, một tình nguyện viên làm việc ở trại tị nạn Pikpa trên đảo Lesbos, đã được chọn làm đồng chủ nhân của giải thưởng Nansen năm nay vì những đóng góp không ngừng nghỉ trong suốt cuộc khủng hoảng người di cư tại khu vực bờ biển của Hy Lạp năm 2015.

Được thành lập cách đây vài năm, HRT đến nay quy tập được cả trăm người tình nguyện, làm việc liên tục 24/24 giờ để cứu người nhập cư gặp nạn trên biển. Chỉ tính trong năm 2015, đội tình nguyện của HRT đã cứu được 2.500 người nhập cư bị nạn trên biển, giúp 7000 người ổn định nơi ăn chốn ở.

Với sự hỗ trợ của cộng đồng, hiện nay HRT có hơn 40 tàu cứu hộ hoạt động thường xuyên trên biển. Hàng ngày, những chiếc tàu này sẽ đi tuần trên biển. Nếu gặp thuyền chở người nhập cư bị nạn, họ sẽ nhanh chóng đưa người nhập cư lên tàu và đưa tới các hòn đảo của Hy Lạp. “Sáng nay, lúc 9 rưỡi, một con tàu của HRT đã cập bến ở Lesbos. Các tình nguyện viên của HRT đã giúp đưa 40 người lên bờ. Họ ướt mèm, người thì bế con nhỏ, người khuân hành lý. Họ là những người đã may mắn vượt biển thành công trong sự hoảng loạn”, đội trưởng của HRT nói.

Công việc cũng giống như HRT, cô Efi Latsoudi lại được UNHCR đánh giá cao nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình đối với những người tị nạn trên đảo Lesbos.

Latsoudi, 48 tuổi, đến từ Athens, Hy Lạp. Cô từng học chuyên ngành tâm lý. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô đã chuyển tới Lesbos năm 2001. Ở đây, cô nhanh chóng trở thành người có tiếng nói trong cộng đồng nhờ những hoạt động xã hội của mình.

Năm 2006, số lượng người di cư và tị nạn từ các nước Trung Đông và Bắc Phi vào châu Âu qua Lesbos tăng cao. Thông tin về số người chết trên biển ngày một dồn dập ám ảnh Latsoudi. Cho đến một ngày, cô quyết định thành lập nhóm nhà hoạt động quy mô nhỏ mang tên PIKPA. Cô cùng các đồng nghiệp hàng ngày đi tới các trại tị nạn ở Lesbos để giúp đỡ họ những vật dụng thiết yếu hàng ngày.

Năm 2012, cuộc khủng hoảng di cư trở nên tồi tệ hơn, cơ sở vật chất trên hòn đảo này không đủ đáp ứng cho lượng người di cư lớn, hàng nghìn người di cư phải ngủ ở công viên, đường phố, bến cảng Mytilene. Trước thực trạng đó, tổ chức PIKPA đã dựng nhà và lều, tạo điều kiện cho người nhập cư có chỗ ở ổn định. Năm 2015, PIKPA đã đón trung bình 600 người mỗi ngày. Các nhân viên của PIKPA còn dạy người di cư học tiếng địa phương, giúp đỡ trẻ em và cung cấp 2000 suất ăn mỗi ngày. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, PIKPA đã giúp đỡ được 30.000 người. Latsoudi khẳng định, cô sẽ không dừng công việc của mình.

“Với kết quả của nhiều năm nỗ lực vì người nhập cư, HRT và cô Latsoudi xứng đáng nhận giải thưởng Nansen 2016”, đại diện của UNHCR nhấn mạnh.

Giải thưởng Nansen được thiết lập năm 1954, được đặt theo tên chính khách, nhà thám hiểm địa cực dũng cảm người Na Uy, từng đoạt giải Nobel Hòa bình Fridtjof Nansen. Là Cao ủy về người tị nạn đầu tiên ở Hội Quốc liên (tiền thân của Liên hợp quốc), những thành tựu của Nansen đã tạo ra những bước tiến đáng kể trong việc đưa ra một tiếng nói cho các những người bị cưỡng bức di dời. Giải thưởng, do 2 chính phủ Na Uy và Thụy Sĩ tài trợ, với phần thưởng 150.000 euro được trao hàng năm cho những cá nhân hoặc tập thể có sự giúp đỡ tích cực đối với người tị nạn. Giải thưởng năm 2016 sẽ chính thức được trao vào ngày 3-11 tới tại cơ quan LHQ ở Geneva (Thụy Sĩ), nơi được mệnh danh là "thủ đô nhân đạo của thế giới".

Thành viên HRT đi tàu cứu hộ tuần tra trên biển. Ảnh: AP

Cuộc khủng hoảng di cư chưa có dấu hiệu giảm nhiệt

Theo UNHCR, dù được cảnh báo những nguy cơ khi vượt biển, song hàng nghìn người di cư vẫn "đang chạy đua với thời gian" để thực hiện hành trình nguy hiểm từ Libya tới châu Âu qua Địa Trung Hải.

Ông Abdel Hamid al-Souei, thuộc Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ Libya, cho biết số người di cư vượt Địa Trung Hải từ Libya tới châu Âu đã tăng mạnh trong tuần qua do thời tiết thuận lợi. Chỉ trong một tuần qua, khoảng 13.000 người di cư đã được cứu khi vượt biển trên những chiếc thuyền thô sơ. Theo ông Souei, những người di cư đang "chạy đua với thời gian" bởi họ lo ngại điều kiện trên biển sẽ không thuận lợi khi thời tiết bắt đầu chuyển sang Thu. Hầu hết những người di cư đến từ các nước vùng Sừng châu Phi và vùng Tây châu Phi. Với hy vọng tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu, họ cố vượt Địa Trung Hải từ thành phố duyên hải Sabratha của Libya, cách đảo Lampedusa của Italy 300 km qua biển.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Tripoli, Đại tá Ayoub Qassem, Tư lệnh Hải quân Libya, cho biết các tàu cứu hộ của châu Âu đã cứu 3.000 người di cư ở ngoài khơi Libya trên Địa Trung Hải hôm 30-8 khi những người này đang vượt biển để tới châu Âu, một ngày sau khi con số kỷ lục khoảng 6.500 người di cư cũng đã được cứu trên Địa Trung Hải. Mới đây, ngày 5-9, Hải quân Italy đã giải cứu gần 500 người di cư bằng thuyền ngoài khơi bờ biển Libya và vớt được 6 thi thể của những người bị rơi xuống biển từ một thuyền cao su bị thủng.

Theo báo cáo mới nhất của UNHCR, tổng số người di cư đến Italy kể từ đầu năm tới nay đã lên tới 112.500 người và khoảng 3.100 người di cư đã thiệt mạng khi đang cố vượt Địa Trung Hải trên những chiếc thuyền thô sơ để tới châu Âu. Do đó, ngoài nỗ lực của chính quyền các nước, rất cần tới sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân như HRT và cô Efi Latsoudi.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/vinh-danh-nhung-anh-hung-cua-nguoi-di-cu/