Vinh danh 'người mẫu' đặc biệt của cố danh họa Bùi Xuân Phái

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 11 tiếp tục là một mùa giải bội thu, tôn vinh những tác giả tận tâm và những tác phẩm, việc làm, ý tưởng tận hiến vì sự phát triển của Thủ đô.

Cố họa sỹ Bùi Xuân Phái (trái) và ông Nguyễn Bá Đạm. (Ảnh tư liệu: TTVH)

Lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 11 (năm 2018) đã chính thức diễn ra sáng nay (29/8) tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

Từ hơn 40 hồ sơ đề cử, trải qua hai vòng thẩm định, hội đồng giám khảo đã có sự đồng thuận cao trong việc đưa 12 tác giả, tác phẩm, ý tưởng và việc làm vào danh sách đề cử chính thức, từ đó quyết định trao sáu giải thưởng ở bốn hạng mục.

Nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam), Trưởng ban tổ chức giải thưởng cho biết, Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 11 tiếp tục là một mùa giải bội thu với những đề cử “nặng ký,” tôn vinh những tác giả tận tâm và những tác phẩm, việc làm, ý tưởng tận hiến vì sự phát triển của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

“Người mẫu” của danh họa Bùi Xuân Phái

“Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội” năm nay vinh danh nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm - một nhân chứng sống của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm sinh năm 1922 tại Giáp Nhất (Thanh Xuân, Hà Nội), nguyên là giáo viên dạy môn Lịch sử (trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng). Ông là người bạn tâm giao của bộ tứ danh họa Nghiêm-Liên-Sáng-Phái (Nguyễn Tư Nghiêm-Dương Bích Liên-Nguyễn Sáng-Bùi Xuân Phái).

Đặc biệt, ông Nguyễn Bá Đạm được coi là một “người mẫu” đặc biệt của họa sỹ Bùi Xuân Phái khi xuất hiện trong 242 bức ký họa chân dung của cố danh họa.

Bức ký họa chân dung ông Nguyễn Bá Đạm của cố danh họa Bùi Xuân Phái. (Ảnh: BTC)

Nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm là tác giả của hai cuốn sách (“Thuở ấy Hà Nội” và “Hà Nội - Những câu chuyện từ cuối thế kỷ 19-20”) được bạn đọc yêu thích và giới nghiên cứu về Hà Nội đánh giá cao vì lối viết giản dị, ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều câu chuyện ít biết về văn hóa, đời sống Thủ đô trong những ngày đã xa.

Ngoài dạy học và nghiên cứu, ông còn đam mê sưu tầm cổ vật, đặc biệt là tiền cổ (ông được mệnh danh là “kỳ nhân tiền cổ Hà thành”) và lưu giữ nhiều kỷ vật của các văn nghệ sỹ. Hiện nay, mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Nguyễn Bá Đạm vẫn gấp rút hoàn thành bản thảo hai cuốn sách: “Hà Nội xưa kia” và “Những chuyện chưa kể về các danh họa Hà Nội).

“Việc vinh danh ông Nguyễn Bá Đạm là sự tri ân của thế hệ sau đối với người lưu giữ những ký ức Hà Nội trong gần một thế kỷ qua. Ông là hiện thân của một ‘tâm hồn Hà Nội’ thâm trầm, sâu sắc, tao nhã và thanh lịch,” nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch hội đồng giám khảo chia sẻ.

Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (ngoài cùng bên trái) và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội cho ông Nguyễn Bá Đạm. (Ảnh: TTXVN)

Hà Nội qua những trang thơ và thước phim

Tiếp tục mạch cảm xúc trân trọng các giá trị mang tính khám phá, lưu giữ ký ức, câu chuyện và hình ảnh của Hà Nội, hạng mục Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội năm nay tôn vinh tập thơ “Ta còn em” của nghệ sỹ tài hoa Phan Vũ và bộ phim “Mon Hanoi” (Hà Nội của tôi) của cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier.

“Ta còn em” mở đầu bằng trường ca “Em ơi, Hà Nội phố” (gồm 443 câu thơ chia thành 24 khổ). Phan Vũ không chỉ là nhà thơ. Ông còn là một đạo diễn, biên kịch và họa sỹ tài hoa. Bởi vậy, thơ ông đậm chất họa. Nhà thơ kể, trước đây, ông thường cùng họa sỹ Bùi Xuân Phái lang thang khắp những ngõ, phố, con đường của Hà Nội. Nếu Bùi Xuân Phái vẽ phố thì ông nghĩ về phố.

Có thể nói, 24 khổ thơ của “Em ơi, Hà Nội phố” được ví như 24 bức họa về Hà Nội, được vẽ bởi chính những ký ức và hoài niệm của tác giả với Thủ đô. Phan Vũ đã chắt lọc những gì đẹp, yên bình, lãng mạn và thanh lịch nhất của Hà Nội trong những ngày khốc liệt của Tháng Chạp năm 1972, khi máy bay B52 của Mỹ bắn phá Thủ đô với lời đe dọa “đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá” để gửi gắm vào thơ.

Phần hai của “Ta còn em” giới thiệu những tác phẩm đặc sắc của tác giả Phan Vũ xoay quanh ba chủ đề: tình yêu, thế sự và những bức chân dung tự họa bằng thơ.

Ở một mạch nguồn khác, bộ phim tài liệu “Mon Hanoi” (Hà Nội của tôi) là hành trình khám phá những “bí mật nhỏ” về Hà Nội. Kiến trúc là đề tài được Jean Noel Poirier đặc biệt quan tâm và dành phần lớn thời lượng phim. Cựu Đại sứ Pháp quan sát kiến trúc của Hà Nội một cách tỉ mỉ, để đưa ra kết luận thú vị: “Một thành phố hấp thụ ảnh hưởng của ngoại lai, gìn giữ và biến chúng thành của mình. Giống như trò ghép hình, mỗi người dân ở đây bổ sung vào bức tranh tổng thể về Hà Nội một miếng ghép của mình.”

“Nếu Hà Nội không muốn mất đi một phần quá khứ…”

“Những đề xuất bảo tồn và phát huy giá trị di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối” được trao tặng Giải thưởng Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội.

Khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối có diện tích khoảng 19.000m2, nằm trên địa bàn thôn Lai Xá (xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội). Di chỉ được phát hiện từ năm 1969 và đã trải qua tám lần khai quật. Qua đó, hàng nghìn di vật đã phát lộ. Các nhà khoa học cho rằng, khu vực này là nơi có cư dân sinh sống từ cách đây khoảng 3500 đến 1800 năm. Đây vừa là nơi cư trú vừa là nghĩa địa sớm nhất của Hà Nội, là bằng chứng hiếm hoi về những cư dân đầu tiên của thành phố.

Tuy nhiên, đến nay, di chỉ này vẫn chưa được xếp hạng di tích; thậm chí, không nằm trong danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa của Hà Nội (công bố năm 2016). “Việc bảo vệ, thậm chí là tôn tạo không gia ấy là bắt buộc nếu như Hà Nội không muốn mất đi một phần quá khứ quan trọng của chính mình,” phó giáo sư Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhấn mạnh.

Phó giáo sư Nguyễn Văn Huy (trái) đại diện nhóm nhà khoa học nhận giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Nguyễn Văn Huy, địa điểm này có thể trở thành một nơi sinh hoạt văn hóa mở cho du khách cũng như cộng đồng dân cư địa phương. Dựa trên các di chỉ được giữ nguyên hoặc tổ chức bảo tồn sau khi khai quật, công viên di sản Vườn Chuối sẽ là quần thể kết hợp cây xanh với những ngôi nhà nhỏ trưng bày dấu tích cư dân đầu tiên của Hà Nội. Thậm chí, nơi này có thể trở thành một điểm du lịch gắn liền với những thiết chế văn hóa đã hình thành ở khu vực Lai Xá như Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên…

Những Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội

Hạng mục Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội năm nay tôn vinh hành động hiến tặng hai mỏ neo cổ cho Bảo tàng Hà Nội của ông Quách Văn Địch và Dự án phố bích họa Phùng Hưng.

Theo các chuyên gia nghiên cứu cổ vật (đến từ Nhật Bản, Pháp và Canada), hai chiếc mỏ neo có niên đại từ thế kỷ 15, là hiện vật quan trọng, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong việc nghiên cứu lĩnh vực giao thương đường thủy của Việt Nam trong lịch sử.

Trước khi được hiến tặng (cuối năm 2017), hai chiếc mỏ neo cổ đã gắn bó với gia đình ông Quách Văn Địch gần hai thập kỷ. Nhiều đoàn khách đã tìm đến và trả giá cao (30.000 USD - năm 2002) để mua lại hai chiếc mỏ neo nhưng ông đã từ chối.

“Hai chiếc mỏ neo rất có thể là dấu tích của những con thuyền đã từng cập bến Thăng Long xưa. Tôi cho rằng, việc giữ lại hai chiếc mỏ neo ấy để người dân chiêm ngưỡng, phục vụ việc nghiên cứu văn hóa, lịch sử của dân tộc sẽ tốt hơn so với việc bán ra nước ngoài,” ông Địch chia sẻ lý do hiến tặng cổ vật cho Bảo tàng Hà Nội.

Đại diện hội đồng giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2018 cho biết, Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội được trao cho Dự án phố bích họa Phùng Hưng không chỉ dựa trên chất lượng nghệ thuật của công trình mà còn vì kế hoạch dài hơi muốn đánh thức không gian văn hóa công cộng ở các khu phố quanh cầu cạn đường sắt khu vực Long Biên.

Toàn cảnh phố bích họa Phùng Hưng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Phố bích họa Phùng Hưng (đoạn từ ngã ba Phùng Hưng-Lê Văn Linh đến Hàng Cót) chính thức khánh thành vào ngày 2/2 vừa qua, dài khoảng 200m. Ở đó, ký ức Hà Nội được kết nối qua 19 bức bích họa khổ lớn với những hình ảnh về khu phố cổ, cửa hàng bách hóa tổng hợp trên phố Tràng Tiền, tàu điện…

Trong tương lai, đoạn phố ấy sẽ được kéo dài khi toàn bộ 171 vòm cầu cạn từ Phùng Hưng tới chân cầu Long Biên được tái thiết, để trở thành không gian nghệ thuật phục vụ cộng đồng.

Phát biểu tại lễ trao giải, ông Nguyễn Đức Lợi - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nhấn mạnh, qua 11 mùa giải, Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” đã góp phần quan trọng trong việc tôn vinh, động viên và hỗ trợ các tập thể, cá nhân có những công trình, ý tưởng, việc làm đóng góp cho sự phát triển mọi mặt của Thủ đô./.

Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” ra đời từ tháng 8/2008.

Đây là sáng kiến của báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và gia đình cố họa sỹ Bùi Xuân Phái nhằm tìm tòi, phát hiện và tôn vinh những tác giả, tác phẩm, việc làm, ý tưởng “có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội.

An Ngọc (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/vinh-danh-nguoi-mau-dac-biet-cua-co-danh-hoa-bui-xuan-phai/521754.vnp