Vinh danh cầu thủ bóng đá có là 'bất công' với các VĐV khác không?

Đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra sau khi hai đội tuyển bóng đá nam và nữ được đón tiếp linh đình sau khi về nước từ SEA Games trong khi VĐV tại các môn thể thao khác thì chưa được như thế.

Thắc mắc này phần nào có lý nếu xét theo số huy chương vàng mà hai đội tuyển bóng đá nam và nữ mang về. Cả hai đội tuyển gồm hơn 40 cầu thủ cùng cả ban huấn luyện, bác sĩ... cũng chỉ mang về được hai tấm huy chương vàng tức là chỉ tương đương với một hoặc hai vận động viên ở các môn khác.

Đội tuyển U22 Việt Nam lần đầu giành được HCV ở SEA Games. Ảnh: CTV.

Đội tuyển U22 Việt Nam lần đầu giành được HCV ở SEA Games. Ảnh: CTV.

Tuy vậy nếu chỉ xét theo số huy chương mang về thì có lẽ không một quốc gia nào “dám” đầu tư cho các môn thể thao đồng đội khi tham gia tranh tài tại mỗi kỳ đại hội thể thao quốc tế cả bởi quá tốn nhân sự và tiền khi tính theo đầu mục huy chương... Nhưng tại sao các môn thể thao đồng đội như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ... vẫn có liên tục có mặt trong những kỳ Á vận hội, Olympic. Tại sao lại vậy?

Câu trả lời là bởi con người chúng ta luôn thích sự gắn kết, các môn thể thao cá nhân có thể tôn vinh những cá thể xuất chúng còn môn thể thao đồng đội thể hiện khả năng phối hợp. Tất nhiên việc môn thể thao nào được ưa thích còn tùy thuộc vào nền văn hóa, quốc gia, tập quán... Trong số các môn thể thao thì bóng đá được gọi là "vua" còn điền kinh là "nữ hoàng". Không có một sự so sánh chính xác để biết “vua” hay “nữ hoàng” đứng cao hơn nhưng có một điều chắc chắn là về số người xem thì trái bóng tròn luôn là số một.

Một mình Nguyễn Thị Oanh đã giành được 3 huy chương vàng tại SEA Games 30 tức là nhiều hơn số huy chương vàng của 200 người khác tại các bộ môn bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ cộng lại. Đặc biệt với 6 chiếc huy chương vàng của Nguyễn Thị Ánh Viên ở đường đua xanh thì sự so sánh này còn khủng khiếp hơn. Tuy nhiên sự so sánh này có khập khiễng không, chắc chắn là có.

Hẳn nhiều người sẽ thấy xót xa khi những VĐV ở các môn khác cũng đã thi đấu hết mình, đổ mồ hôi công sức thậm chí cả máu để mang về vinh quang cho đất nước nhưng họ nào đâu có được tặng nhà, tặng xe, thưởng tiền khủng như các cầu thủ bóng đá.

Song nếu đặt một câu hỏi ngược lại có bao nhiều người đã đổ ra đường “đi bão” hay chí ít là ăn mừng thành tích của Đoàn TTVN trong các môn thể thao khác tại SEA Games vừa qua. Con số hẳn không nhiều. Nhưng bóng đá lại có thể làm được điều đó, đặc biệt là môn bóng đá nam với chiếc huy chương vàng mà cả dân tộc khao khát trong hàng chục năm qua.

Vâng điều mà người viết muốn nói chính là ở đây. Khi đại đa số người dân còn vui buồn theo đường đi của trái bóng tròn, khi nhịp đập những con tim Việt còn “rộn ràng” theo từng bước chạy của các “chàng trai vàng”, “cô gái vàng” thì khó mà có sự “công bằng” trong đãi ngộ của xã hội với VĐV thể thao lắm thay.

Số lượng người hâm mộ phản ánh sự chú ý của dân chúng với môn thể thao từ đó mà cách những vận động viên được xã hội đãi ngộ cũng sẽ khác nhau. Ảnh: CTV.

Ngay cả trong môn bóng đá thì bóng đá nam luôn được “hưởng” sự đãi ngộ của xã hội cao hơn bóng đá nữ. Hình ảnh khán đài vắng lặng trong những trận đấu vòng bảng của thày trò HLV Mai Đức Chung phần nào nói lên điều đó. Sự chú ý của người dân dẫn tới “mức đãi ngộ” khác nhau của từng môn thể thao âu cũng là lẽ dễ hiểu.

Không phủ nhận công lao đóng góp của những VĐV tại nhiều môn thi đấu góp phần cho thành tích vượt trội của thể thao nước nhà ở SEA Games 30 vừa qua song cũng nên quá so đo giữa họ với các cầu thủ bóng đá môn thể thao vốn được coi là “vua”. Bởi chừng nào trái bóng tròn còn lôi cuốn người xem hơn những môn thể thao khác thì chừng đó cầu thủ sẽ vẫn là người có cơ hội nhận “ưu đãi” lớn hơn.

Bình Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/so-tay-the-thao/vinh-danh-cau-thu-bong-da-co-la-bat-cong-voi-cac-vdv-khac-khong-573788/