Vinh danh cá nhân và tổ chức Cựu chiến binh vì Hòa bình

Ngày 9/9, tại Hà Nội, Hội Việt - Mỹ đã tổ chức Lễ trao tặng Kỷ niệm chương Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc và Bằng khen cho cá nhân và tổ chức Cựu chiến binh vì Hòa bình (VFP) của Mỹ nhân đoàn có chuyến thăm Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến trao Bằng khen và Kỷ niệm chương cho ông Paul Cox và đại diện VFP. (Ảnh: T.P)

Tại buổi lễ, Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến – Chủ tịch Hội Việt - Mỹ đã thay mặt cho Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) trao tặng Bằng khen cho tổ chức VFP và Kỷ niệm chương Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc cho ông Paul Cox.

Phát biểu tại đây, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ ghi nhận sự đóng góp tích cực của VFP vào sự bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, hàn gắn vết thương sau chiến tranh Mỹ và nhấn mạnh tổ chức có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước và cùng hướng đến tương lai cùng phát triển.

Thực tế, VFP đang đóng vai trò hỗ trợ các tổ chức, xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực quản lý, cùng với những người Mỹ yêu hòa bình và các tổ chức khác, những tổ chức muốn hợp tác với Việt nam trong việc mang hai nước Việt nam - Mỹ xích lại gần nhau hơn và hàn gắn những đau thương trong quá khứ.

Các thành viên của VFP trên khắp thế giới đã tổ chức những cuộc nói chuyện ở các trường đại học, các buổi họp ở các thành phố, những buổi tọa đàm, chiến dịch đại hội để phản đối các cuộc chiến tranh của Mỹ trên toàn thế giới, những căn cứ quân sự của nước này, nơi mà được coi là nguyên nhân và là bàn đạp cho các cuộc chiến tranh. Rất nhiều thành viên của tổ chức đã bị bắt giam vì đã hành động để chống lại chủ trương chiến tranh, sự giam cầm vô căn cứ, tra tấn và sử dụng máy bay không người lái để đe dọa người dân địa phương. Hiện nay, VFP đang là một tổ chức Phi chính phủ tại Liêp hợp quốc và là thành viên của liên minh giải thưởng Hòa Bình cho việc cấm bom mìn.

Riêng ông Paul Cox thể hiện tình hữu nghị và các hoạt động đoàn kết với nhân dân Việt Nam cách đây 50 năm về trước. Năm 1969, Paul Cox điều sang Việt Nam là lính thủy đánh bộ. Ông sớm nhận ra rằng cuộc chiến chống lại nhân dân Việt Nam không phải là mục đích phục vụ đất nước ông. Từ đó, ông chống lại cuộc chiến.

Khi trở về nước Mỹ hoàn thành nốt nghĩa vụ quân sự, Paul và các đồng đội phản đối cuộc chiến đã khởi xướng một tờ báo bí mật gọi là RAGE. Họ đã sử dụng tờ báo bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ về cuộc chiến ở Việt Nam. Sau khi rời khỏi quân ngũ năm 1972, Paul tiếp tục lên tiếng chống lại cuộc chiến tranh ở một tờ báo bí mật khác, Up Against the Bulkhead, nhằm mục đích dấy lên sự tranh đấu ngay trong nội bộ lực lượng Hải quân và Không quân chống lại các cuộc không kích ở Việt Nam.

Khi chiến tranh kết thúc vào ngày 30/4/1975, Paul nhập cùng với những người Việt Nam chào mừng hòa bình. Ông còn chia sẻ nỗi đau buồn sâu sắc là sự cảm nhận chung của rất nhiều người về những sự mất mát khủng khiếp do chiến tranh gây ra.

Thậm chí trong thời gian hòa bình, Paul Cox tiếp tục lên tiếng chống chiến tranh, đòi hỏi công lý. Với tư cách là người sáng lập tổ chức Liên minh Phát ngôn viên Cựu chiến binh vào những năm 1980, Paul đã tới nói chuyện tại hàng trăm trường học và các sinh viên đại học về những trải nghiệm khủng khiếp khi tham chiến ở Việt Nam.

Tọa đàm giữa giữa Hội Việt - Mỹ, VFP và Hội cựu chiến binh Việt Nam. (Ảnh: T.P)

Một phần nhờ vai trò lãnh đạo của Paul Cox, Tổ chức Liên minh Phát ngôn viên Cựu chiến binh đã trở thành một chi nhánh của VFP năm 1991, chi nhánh 69. Ông hiện vẫn còn là một thành viên tích cực của chi nhánh này, hoạt động trong những sự kiện địa phương và quốc gia chống lại nguy cơ chiến tranh hạt nhân, chạy đua vũ trang, các cuộc chiến tranh hiện nay do Mỹ gây ra đối với các nước nghèo ở châu Phi, Trung Đông, và gần 1000 căn cứ quân sự Mỹ trên toàn cầu.

Là một thành viên trong Hội đồng quản trị VFP, Chi nhánh Hòa bình 160, Paul Cox đã giúp tổ chức các chuyển thăm mang tính giáo dục đến Việt Nam trong 8 năm qua. Ông đã trở lại Việt Nam 5 lần sau khi chiến tranh kết thúc để tự tu dưỡng mình và những người khác về hai di sản còn đang hiện hữu của cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam - Chất độc da cam và Vật nổ.

Bày tỏ niềm vinh dự được đón nhận phần thưởng cao quý nhất của VUFO, đại diện VFP và cá nhân ông Paul Cox đều khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng quan hệ tốt đẹp Việt - Mỹ.

Cùng ngày Hội Việt - Mỹ cũng tổ chức buổi tòa đàm “Quan hệ cựu chiến binh Việt - Mỹ: hiểu biêt, hợp tác và phát triển”. Tại các thành viên của đoàn VFP và đại diện Hội cựu chiến binh Việt Nam đã cùng trao đổi các biện pháp để tăng cường hiểu biết và hợp tác giữa hai bên.

Tổ chức VFP thành lập năm 1985 với số lượng khoảng 15.000 hội viên. Kể từ khi thành lập, VFP đã và đang đóng vai trò lãnh đạo to lớn trong những nỗ lực nhằm kết thúc những cuộc chiến tranh và mang lại hòa bình cho các quốc gia và người dân trên toàn thế giới, tổ chức cũng đang chung tay với các cựu binh sĩ, người dân từ rất nhiều quốc gia bao gồm Anh, Canada, Pháp, Ba Lan, Nicaragua, Venezuela, Palestine, Colombia, Ireland, Đức, Nhật Bản, Afghanistan, Iraq, El Salvador, Cuba, Nga, cũng như những quốc gia khác để cùng nhau đạt được mục tiêu quan trọng này.

Năm 1988, thành viên của VFP là Fredy Champagne và những người khác đã khởi xướng dự án Phục hồi sức khỏe cho cựu binh bằng việc gửi họ đến Việt nam tham gia vào các dự án xây dựng nhân đạo để thúc đẩy hiểu biết và hàn gắn quan hệ.

Năm 1993, thành viên của VFP là George Mizo và Hội cựu chiến binh Việt nam đã xây dựng làng Hữu Nghị gần Hà Nội để chữa trị và phục hồi sức khỏe cho các em nhỏ và cựu binh những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam và cuộc chiến tranh Việt nam. Làng đã tiếp nhận và điều trị cho hàng trăm em nhỏ và các cựu chiến binh những người đến theo các chương trình ngắn hạn và dài hạn.

Năm 2011, các Chương của VFP đã bắt đầu dự án ở Mỹ Lai, Quảng Ngãi, kêu gọi quỹ để xây dựng bệnh viện để chữa trị cho người dân địa phương bằng việc gửi 13 thành viên đến giúp đỡ dự án.

Năm 2005, Chiến dịch làm giảm tác hại và nâng cao trách nhiệm đối với chất độc da cam (VAORRC) được hình thành để giúp đỡ các cựu binh Mỹ trong vụ kiện chống lại các công ty hóa chất đã sản xuất ra chất độc da cam. Khi vụ kiện bị thất bại, VAORRC đã chuyển mục tiêu và từ năm 2011, nghị sĩ Barbara Lee đã hỗ trợ trong việc xây dựng những luật tuân theo VAORRC nhằm làm sạch những khu vực bị ô nhiễm chất độc da cam ở Việt nam và giúp đỡ các nạn nhân ở cả Việt nam và Mỹ.

Năm 2009, Chương Hòa Bình được hình thành và là Chương quốc tế đầu tiên của VFP. Kể từ đó, Chương 160 đã tài trợ hơn 250.000 USD cho các dự án nhân đạo ở Việt nam, bao gồm dự án bom bìn, vật liệu nổ còn sót lại, cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, cung cấp chân tay giả, thiết bị hỗ trợ cho người khuyết chi, những người có vấn đề về đi lại ở Việt nam, sửa chữa và xây mới nhà của, các dự án tạo thu nhập cho người dân.

T.P

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vinh-danh-ca-nhan-va-to-chuc-cuu-chien-binh-vi-hoa-binh-100807.html