Vinh danh 10 năm công tác thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học

Năm 2020 là một dấu mốc quan trọng thực hiện các mục tiêu chung về đa dạng sinh học theo Kế hoạch chiến lược về đa dạng sinh học giai đoạn 2011-2020.

Ngày 1/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu Chương trình Vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn các loài hoang dã giai đoạn 2010 – 2020. Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra Lễ trao giải cuộc thi ảnh Đa dạng sinh học Việt Nam năm 2020 cho những tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất về công tác bảo tồn.

Nhìn lại một chặng đường

Việt Nam đã nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu về bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, loài sinh vật và các nguồn gen phong phú, đặc hữu, quý, hiếm và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: “Đến nay, diện tích rừng ở Việt Nam đạt trên 13,8 triệu ha, tỷ lệ che phủ là 41,89 %. Cả nước có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2.500 ha gồm 33 vườn quốc gia, 66 khu dự trữ thiên nhiên, 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh và 56 khu bảo vệ cảnh quan. Nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và khu vực đã được công nhận các danh hiệu quốc tế như 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 khu di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, 9 khu Ramsar (đất ngập nước), 10 khu vườn di sản ASEAN”.

Việt Nam xếp thứ 16/25 quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới

Việt Nam xếp thứ 16/25 quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới

Theo Báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học lần thứ 6, hiện có khoảng 51.400 loài sinh vật đã được xác định, bao gồm khoảng 7.500 chủng vi sinh vật, khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, khoảng loài 10.900 động vật trên cạn, khoảng 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, hơn 11.000 loài sinh vật biển khác. Hàng năm, các loài mới tiếp tục được ghi nhận và công bố.

Từ năm 2014 đến tháng 9/2018 có 344 loài sinh vật mới được mô tả và công bố trong các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới và tạp chí Sinh học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Công tác điều tra, giám sát đa dạng sinh học, cứu hộ, bảo tồn tại chỗ các loài hoang dã đã đóng góp quan trọng cho bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, góp phần giảm nguy cơ tuyệt chủng của các loài nguy cấp. Đây là kết quả của những nỗ lực và sự cống hiến của những người dân, các nhà nghiên cứu khoa học, cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn bên cạnh nỗ lực của các cấp, các ngành liên quan.

Bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện thường trú Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP)

Việt Nam xếp thứ 16/25 quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới, tuy nhiên đa dạng sinh học đang chịu áp lực ngày càng tăng do các hoạt động của cuộc sống và biến đổi khí hậu.

Bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện thường trú Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam ghi nhận: “UNDP rất vinh dự được phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan nhằm đóng góp đáng kể vào việc đạt được mục tiêu chung của toàn cầu về đa dạng sinh học thông qua việc xây dựng và thực hiện luật đầu tiên về Đa dạng sinh học năm 2008, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, luật Bảo vệ môi trường cũng như triển khai các hoạt động bảo tồn tại địa phương. Để bảo tồn hiệu quả cần sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan và cộng đồng. UNDP cam kết tiếp tục đồng hành trong công tác bảo vệ thiên nhiên tươi đẹp và sự đa dạng sinh học giàu có của Việt Nam”.

Thách thức trong tương lai

Hiện nay những thảm họa mà nhân dân trên thế giới cũng như nhân dân Việt Nam đang hứng chịu như Biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên trên đất liền, vùng đất ngập nước và vùng biển, ô nhiễm môi trường làm gia tăng dịch bệnh và gần đây nhất là đại dịch Covid. Đây là sự đáp trả của “mẹ thiên nhiên” đối với con người. Đây cũng là thách thức lớn nhất trong phát triển bền vững trong thế kỷ 21.

Theo nguồn tư liệu của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới, diện tích rừng trên toàn cầu đã giảm 40% trong vòng 300 năm qua, 50% diện tích đất ngập nước bị biến mất, 66% hệ sinh thái trên đất liền bị suy giảm và khoảng 1 triệu loài thực vật, động vật đang có nguy cơ bị suy giảm, tuyệt chủng nếu con người không có hành động ngay để bảo tồn.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh, người được phong là Anh hùng về đa dạng sinh học ASEAN, nhấn mạnh: “Năm 2020 Việt Nam là Chủ tịch cộng đồng ASEAN lại càng có ý nghĩa trong việc kết nối giới thiệu những hình ảnh đẹp, những đóng góp của các cá nhân, tập thể mang nội hàm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn loài hoang dã ở Việt Nam với bạn bè quốc tế, với các nước trong khối ASEAN. Rõ ràng đã đến lúc chúng ta cần có tư duy mạnh mẽ hơn, thực tế hơn cả về chính sách và hành động nhằm bảo tồn loài hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học. Chính là bảo vệ cuộc sống bình yên của chúng ta hiện nay”.

Trong khuôn khổ sự kiện này cũng diễn ra Lễ trao giải cuộc thi Ảnh đa dạng sinh học năm 2020 được Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phát động trong chuối sự kiện hưởng ứng Ngày quốc tế về Đa dạng sinh học (22/5) và ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2020.

Phạm Văn Phùng và tác phẩm đạt Giải Nhất “Voọc chà vá chân nâu bán đảo Sơn Trà” của

Theo đó, 01 Giải nhất được trao cho tác phẩm “Voọc chà vá chân nâu bán đảo Sơn Trà” của Phạm Văn Phùng. 02 Giải nhì được trao cho tác phẩm “Sức sống” – Đinh Tất Cảnh và “Hòa nhịp với thiên nhiên” – Phạm Quốc Thắng. 03 Giải ba được trao cho Dương Duy Khang, Trần Ngọc Anh, Nguyễn Sanh Quốc Huy và 05 Giải khuyến khích cho Phạm Quốc Thắng, Nguyễn Văn Duy, Ngô Thị Thúy, Tô Hoàng Vũ, Phạm Văn Thành.

Việc ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên cũng như vinh danh những con người, tập thể đang nỗ lực giữ gìn những giá trị đa dạng sinh học sẽ góp phần thúc đẩy cộng đồng chung tay bảo vệ các hệ sinh thái, các loài sinh vật và cảnh quan thiên nhiên. Nhờ vậy, chúng ta đã có một bước khởi đầu thập kỷ mới với nhiều mục tiêu, thành tựu to lớn hơn cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.

Nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp ý nghĩa này, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức “Chương trình Vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã từ 2010 - 2020”. Chương trình hướng đến mọi cá nhân, tổ chức đang hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam.

Thời gian nhận hồ sơ tham dự đến hết ngày 31/12/2020. Trong đó, 5 cá nhân và 10 tổ chức có thành tích xuất sắc nhất cho công tác bảo tồn loài hoang dã sẽ được lựa chọn để vinh danh.

Dự kiến, Lễ vinh danh sẽ được tổ chức trong quý II năm 2021, nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế về đa dạng sinh học. Chương trình cũng nhằm khích lệ tinh thần đóng góp, nghiên cứu đa dạng sinh học cũng như đánh thức niềm tự hào về đa dạng sinh học Việt Nam trong cộng đồng, tiến tới đưa bảo tồn đa dạng sinh học thành nhiệm vụ toàn xã hội.

Diệu Bảo

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/vinh-danh-10-nam-cong-tac-thuc-hien-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-d136649.html