Vĩnh biệt NSND Thế Anh: Dấu son điện ảnh Cách mạng Việt Nam

'Tên anh đã đi vào lịch sử điện ảnh Cách mạng Việt Nam như một dấu son sáng mãi' - Ðó là dòng cảm xúc của đạo diễn gạo cội Ðào Bá Sơn trong sổ tang NSND Thế Anh.

NSND Thế Anh trong phim Mối tình đầu

NSND Thế Anh trong phim Mối tình đầu

Trong 2 ngày lễ tang, hàng trăm nghệ sỹ ở 2 miền Nam Bắc tới viếng NSND Thế Anh như NSND Trần Hiếu, NSND Trà Giang, NSND Lan Hương, Nhà giáo Ưu tú Mạnh Dung và thế hệ nghệ sỹ trẻ hơn như NSND Trung Anh, NSND Kim Xuân, NSƯT Thành Lộc, diễn viên Hồng Ánh…

NSND Kim Xuân viết trong sổ tang: “Thưa anh - Người đồng nghiệp mà lớp đàn em chúng em rất kính mến. Em đã may mắn được đóng chung trong trích đoạn Cô gái đánh trống trận cùng với anh…”. NSƯT Thành Lộc viết: “NSND Thế Anh là một trong những thần tượng lớn của tôi, trong sự nghiệp nghệ thuật của cuộc đời mình. Kính viếng Anh- Một tiền bối lớn”. Đạo diễn Đào Bá Sơn: “Vĩnh biệt anh! Người anh, người đồng nghiệp đáng kính và tài hoa trong lịch sử điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Tên nghệ sỹ Thế Anh đã đi vào lịch sử điện ảnh Cách mạng Việt Nam như một dấu son sáng mãi”.

NSND Trần Hiếu chia sẻ: “Chúng tôi biết nhau từ những ngày còn chưa hoạt động chuyên nghiệp cho tới sau này. Dù chúng tôi không cùng lĩnh vực nghệ thuật nhưng vẫn theo dõi từng đường đi nước bước của nhau và vẫn giữ mãi tình bạn thân thiết từ đó tới nay”. NSND Trần Hiếu cho biết có một kỷ niệm mà ông nhớ mãi là khi 10 NSND cùng hát với nhau một ca khúc. Dù Thế Anh không thích hát nhưng khi được mời ông cũng sẵn sàng lên hát với mọi người.

NSND Trà Giang và NSND Thụy Vân ghi sổ tang tại lễ tang NSND Thế Anh

Diễn viên Hồng Ánh kể NSND Thế Anh là thần tượng của chị: “NSND Thế Anh là một người tài giỏi với những vai diễn ghi dấu ấn trong lòng khán giả qua bao thế hệ. Dù chưa một lần may mắn diễn chung với NSND Thế Anh nhưng tôi vẫn luôn ngưỡng mộ cuộc đời làm nghề như ông, nhất là với vai diễn kinh điển trung úy Phương trong phim Nổi gió”. Hồng Anh kể cách đây 1 năm, chị có dịp gặp NSND Thế Anh tại sự kiện ra mắt sách “101 bộ phim Việt Nam hay nhất” và chị rất ngạc nhiên trước lửa nghề của người nghệ sĩ gạo cội đã bước vào tuổi 80.

Hai anh em Lý Hùng- Lý Hương thay mặt gia đình đến viếng Lễ tang với vòng hoa mang dòng chữ “Gia đình NSND Lý Huỳnh vô cùng thương tiếc NSND Thế Anh”. Trò chuyện với mọi người Lý Hùng nói anh luôn coi NSND Thế Anh là gương mặt gạo cội của điện ảnh Việt Nam. “Chúng tôi chỉ là lớp hậu bối so với NSND Thế Anh và luôn ngưỡng mộ tài năng của anh. Có lẽ khó có thể tìm được gương mặt nào có thể thay thế anh”- Lý Hùng cho biết.

Bộ sưu tập quý giá

Anh Nguyễn Thế Phương, con trai đầu của NSND Thế Anh cho biết, ngay từ khi cha còn sống, cha anh có ước nguyện sẽ tập hợp bộ sưu tập điện ảnh của mình để làm thành một bảo tàng nhỏ. “Mấy hôm nay tang gia đang bối rối nên gia đình tôi chưa đặt vấn đề về bộ sưu tập này. Nhưng tôi sẽ bàn với mẹ và em trai tìm cách thực hiện ước nguyện của cha. Gia đình muốn Hội Điện ảnh TPHCM giúp đỡ, nếu được chúng tôi sẽ bàn giao cho Hội toàn bộ bộ sưu tập của cha tôi”, anh Phương cho hay.

Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM cho biết cách đây mấy năm, Hội đã xây dựng đề án và trình lãnh đạo thành phố phê duyệt về việc xây dựng một Bảo tàng Điện ảnh. “Không chỉ có bộ sưu tập của anh Thế Anh mà một số hội viên khác cũng gửi tặng Hội chúng tôi nhiều kỷ vật, nhiều đạo cụ rất có giá trị về mặt lịch sử của điện ảnh thời kháng chiến. Hội vẫn đang gìn giữ, bảo quản các hiện vật tại trụ sở Hội. Chúng tôi sẵn sàng nhận bộ sưu tập của NSND Thế Anh vì đó là những hiện vật có giá trị để bổ sung cho Bảo tàng Điện ảnh sẽ được xây trong tương lai”. Bà Thúy cho biết thêm, NSND Thế Anh là một trong những diễn viên gạo cội với nhiều vai diễn xuất sắc, truyền lại cảm hứng cho rất nhiều thế hệ sau này. Việc gìn giữ và phát triển bộ sưu tập của NSND Thế Anh cũng là sự tiếp nối với di sản mà người nghệ sỹ đã để lại.

Suốt cuộc đời làm phim hơn nửa thế kỷ, NSND Thế Anh không chỉ để lại di sản quý là những vai diễn để đời, để lại một nhân cách sống chân thành nhưng đầy nhiệt huyết với nghề, ông còn để lại bộ sưu tập với hàng ngàn hiện vật là những trang phục, đạo cụ, các poster, áp phích phim, nhiều bản phim gốc của hàng trăm bộ phim. Trong đó nhiều hiện vật thuộc dạng độc bản. Mong ước cuối đời của NSND Thế Anh là sẽ mở một bảo tàng để trưng bày các hiện vật đó để mọi người có thể đến xem và hiểu về một thời làm phim đầy vất vả nhưng vô cùng oanh liệt của Ðiện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Trọng Thịnh - Ngô Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/vinh-biet-nsnd-the-anh-dau-son-dien-anh-cach-mang-viet-nam-1470750.tpo