Vĩnh biệt nhà thơ Xuân Sanh

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, một nhà thơ lớn, một dịch giả tài hoa, một trong những người tiên phong của phong trào Thơ mới (1930-1945) vừa qua đời ở tuổi 100 tại Hà Nội vì tuổi cao, sức yếu.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh sinh năm 1920 tại Đà Lạt. Cha ông là một nhà nho ở Quảng Bình, di cư vào Đà Lạt và nhà thơ đã ra đời ở đó. Lúc nhỏ theo học ở Trường Quốc học Quy Nhơn (cũ), sau đó học trung học và đại học ở Hà Nội. Ông đã sớm làm thơ. Năm 16 tuổi, ông đã có truyện thơ “Lạc loài” đăng nhiều kỳ trên báo.

Năm 1939, ông và các văn nghệ sĩ cùng chí hướng sáng tạo, gồm các nhà văn, nhà thơ: Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Lương Ngọc, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát thành lập nhóm Xuân Thu nhã tập. Đến tháng 6/1942, nhóm đã xuất bản được tập sách cùng tên là Xuân Thu nhã tập (do Xuân Thu thư lâu xuất bản), gồm một số bài thơ, văn xuôi triết lý và tuyên ngôn nghệ thuật của nhóm.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh (Ảnh: thethaovanhoa.vn)

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh (Ảnh: thethaovanhoa.vn)

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, Nguyễn Xuân Sanh không chỉ là đại diện của phong trào Thơ mới mà còn là người cách tân Thơ mới ngay từ khi phong trào này vẫn còn rất mới với thi sĩ Việt. Nhóm Xuân Thu Nhã Tập mà ông là thành viên chính là một nhóm đầy ắp trăn trở tìm hướng phát triển thi ca, cách tân Thơ mới. Xuất hiện trong phong trào Thơ mới với những cách tân sáng tạo, Nguyễn Xuân Sanh là người bắc nhịp cầu đầu tiên từ Thơ mới sang thơ hiện đại và đóng góp của ông đã góp phần quan trọng vào tiến trình thơ Việt Nam hiện đại.

Trước Cách mạng Tháng Tám (1945), nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tham gia phong trào sinh viên yêu nước. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia Đoàn văn nghệ liên khu IV, phụ trách Tạp chí Sáng tạo. Từ năm 1950, ông ra Việt Bắc tham gia Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam và Tiểu ban Văn nghệ của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957), ông lần lượt được cử làm Ủy viên Ban chấp hành hội các khóa I, II và III. Từ năm 1966 đến 1975, ông làm Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ và Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch...

Suốt cuộc đời cầm bút, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã để lại một gia tài văn chương đáng nể. “Xuân Thu nhã tập” là cuốn sách xuất bản đầu tiên của của nhóm năm 1942. Ngoài tác phẩm văn xuôi “Anh hùng Trần Đại Nghĩa” (1953), Nguyễn Xuân Sanh là tác giả của nhiều tập thơ: “Chiếc bong bóng hồng” (1957), “Tiếng hát quê ta” (1958), “Nghe bước xuân về” (1961), “Quê biển” (1966), “Đảo dưa đỏ” (1974), “Đất nước và Lời ca” (1978), “Tuyển tập Nguyễn Xuân Sanh” (1991), “Một vườn thơ năm châu” (1997), thơ văn xuôi “Đất thơm” (viết 1940-1945, in 1995).

Ông là dịch giả thơ cho nhiều nhà thơ các nước (Ba Lan, Nga, Luxembourg, Pháp, Canada, Israel, Sénégal, Rumani, Bungary…). Có thể kể đến những tập thơ dịch: “Thơ Victo Huygo” (1986), Tuyển tập thơ Pháp (3 tập, 1989-1994), “Toàn tập 11 tác phẩm của nhà thơ Thụy Điển Tômax Tranxtrômer” (1995)…

Nguyễn Xuân Sanh vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2001); Giải thưởng ngoại hạng Hội Nhà văn Việt Nam (1951-1952) cho tác phẩm “Anh hùng Trần Đại Nghĩa” – Giải thưởng tôn vinh các nhà văn viết về Anh hùng và Chiến sĩ thi đua. Năm 1982, ông được nhà nước Ba Lan tặng Huân chương công trạng.

Lễ viếng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh được tổ chức từ 9- 11h ngày 27/11/2020 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng diễn ra cùng ngày tại Công viên Vĩnh hằng (Ba Vì, Hà Nội)./.

HN

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/vinh-biet-nha-tho-xuan-sanh-568524.html