Vĩnh biệt người Đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân

Sáng 15-7, anh Tô Đức Tuân, con trai thứ tư của cụ Tô Đình Cắm gọi điện thoại cho chúng tôi thông báo tin buồn. Giọng anh nghèn nghẹn: 'Cụ đi lúc 22 giờ tối qua...!'. Dẫu biết thế nào rồi cũng đến ngày phải đón nhận tin đau buồn này, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi bàng hoàng. Bởi cách đây mấy ngày, cụ đã khỏe lại sau một thời gian nằm viện. Chúng tôi hứa, sẽ về thăm cụ dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, nhưng chưa kịp... thì cụ đã đi xa.

Cụ Tô Đình Cắm. Ảnh: vnexpress

Trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (TTGPQ) tham gia tuyên thệ dưới lá cờ đỏ sao vàng tại khu rừng Trần Hưng Đạo ngày 22-12-1944 thì cụ Tô Đình Cắm là người sống thọ nhất. Là phóng viên thường trú phụ trách địa bàn Lâm Đồng và một số tỉnh Tây Nguyên, tôi có may mắn được gặp cụ nhiều lần, được cụ kể cho nghe rất nhiều kỷ niệm về thời trai trẻ gắn với ký ức hào hùng của Đội Việt Nam TTGPQ và cuộc đời chinh chiến sau này.

Lần đầu tiên tôi được gặp cụ là vào năm 2012, trong chuyến công tác ở huyện Đạ Tẻh. Biết tôi cũng là bộ đội, lại nói được chút tiếng Tày nên cụ quý lắm, cương quyết giữ lại ăn cơm cùng gia đình. Dẫn tôi thăm khu vườn xanh mướt, xum xuê các loại cây ăn quả như sầu riêng, chuối, bưởi... phía sau nhà, cụ kể về tuổi thơ và quá trình tham gia cách mạng của mình:

- Tôi là người dân tộc Tày, sinh năm 1922 tại bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Mồ côi cha từ lúc 3 tuổi. Năm 17 tuổi, tôi trốn gia đình đi theo Việt Minh. Cuối năm 1944, được chọn vào Đội Việt Nam TTGPQ với bí danh Tô Tiến Lực. Buổi Lễ tuyên thệ thành lập Đội Việt Nam TTGPQ, ngoài 34 chiến sĩ còn có đại biểu Liên khu Cao - Bắc - Lạng, ban khu, ban châu, tổng, xã và nhân dân địa phương. Khoảng 5 giờ chiều, buổi lễ tuyên thệ bắt đầu. Sau nghi lễ chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, anh Văn (tức Võ Nguyên Giáp) đọc Chỉ thị thành lập Đội. Cán bộ, chiến sĩ cùng tuyên thệ dưới cờ, thề chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập tự do cho nước nhà. Không khí rất trang nghiêm và xúc động.

Hai ngày sau khi thành lập Đội Việt Nam TTGPQ, Tô Tiến Lực cùng các đồng đội đánh đồn Phay Khắt, Nà Ngần. “Hai trận đầu do yếu tố bí mật và ta giả trang khéo nên địch bị bất ngờ, không kịp trở tay, ta hạ 2 đồn Pháp mà không thiệt hại gì. Nhưng trận thứ ba khi đánh đồn Đồng Mu ở xã Đồng Mu, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng ngày 4-2-1945 thì gặp rất nhiều khó khăn vì địch đã đề phòng, cảnh giác. Cuộc chiến đấu diễn ra từ nửa đêm đến sáng hôm sau vẫn chưa hạ được đồn nên ban chỉ huy ra lệnh rút lui. Cũng tại trận đánh này, đồng chí Hoàng Văn Nhủng, quê Hà Quảng, Cao Bằng, bí danh Xuân Trường đã hy sinh. Khi bị trúng đạn, chúng tôi chạy đến bế anh ấy lên nhưng anh ấy bảo: Các cậu lấy ngay súng của tôi và đánh tiếp, đừng lo cho tôi! Nói xong anh mất. Anh ấy là liệt sĩ đầu tiên của Quân đội ta” - cụ ngậm ngùi nhớ lại.

Sau trận đánh Đồng Mu, Tô Tiến Lực tiếp tục hoạt động ở vùng cao các huyện Nguyên Bình, Ngân Sơn, vừa vũ trang, vừa tuyên truyền và đánh chặn quân Nhật tại một số trận ở Nà Phặc, Hà Hiệu, Đèo Giàng... Trong Cách mạng Tháng Tám, cụ tham gia cướp chính quyền tại thị xã Bắc Kạn, thành lập chính quyền cách mạng ở Chợ Rã, Thạch Thông. Khi Pháp nổ súng trở lại xâm lược Việt Nam, cụ tham gia đoàn quân Nam tiến, chiến đấu ở các chiến trường Bình Định, Kiên Giang... bị thương ở chân, phải ra miền Trung chữa trị, sau đó giải ngũ về quê. Năm 1947, thực dân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, Tô Tiến Lực xung phong tái ngũ, giữ chức vụ Trung đội trưởng Trung đội Pháo binh. Năm 1954, cụ giải ngũ về quê tham gia công tác ở địa phương, làm Đội trưởng đội thuế, rồi Chủ nhiệm hợp tác xã. Năm 1992, cụ cùng gia đình vào sinh sống tại vùng kinh tế mới huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.

Đến vùng đất mới sinh sống khi tuổi đã cao, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng cụ luôn lạc quan, khiêm tốn, mẫu mực, thực sự là tấm gương sáng cho con cháu và người dân noi theo. Lần nào gặp, chúng tôi cũng thấy ở cụ toát lên sự nhanh nhẹn, minh mẫn, dí dỏm và đôn hậu. Có lần chúng tôi hỏi về bí quyết giữ gìn sức khỏe, cụ dẫn ra khu vườn sau nhà, biểu diễn cho xem một bài quyền đẹp mắt rồi bảo: “Đó là nhờ thời gian rèn luyện trong quân đội đấy. Ngày trẻ mình thường xuyên luyện võ, chơi thể thao. Có thế mới đánh giặc được chứ. Khi có tuổi rồi thì giữ nếp sống lành mạnh, điều độ”.

Sau khi vào Lâm Đồng sinh sống, cụ Cắm được địa phương xây tặng căn nhà tình nghĩa. Tuy nhiên, do địa phương còn khó khăn, ít kinh phí, ngôi nhà sau nhiều năm sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp. Trong dịp kỷ niệm 69 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-2013), Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 7 và tỉnh Lâm Đồng đã xây tặng cụ và gia đình ngôi nhà tình nghĩa mới khang trang. Trước ngày lễ bàn giao nhà, cụ dặn con cháu phải chuẩn bị bàn thờ đặt ở vị trí trang trọng để thờ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng đội năm xưa. Ngày bàn giao nhà, cụ xúc động đứng trước những di ảnh, trò chuyện với người chỉ huy và những đồng đội của mình khiến mọi người hết sức cảm động. Những năm cuối đời, cụ thường xuyên nhận được sự quan tâm chu đáo về vật chất, tinh thần của Đảng, Nhà nước và quân đội, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn.

Người đội viên cuối cùng của Đội Việt Nam TTGPQ đã về thế giới vĩnh hằng để gặp Thủ trưởng Võ Nguyên Giáp và 33 đồng đội năm xưa trong dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang thực hiện những việc làm tri ân thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Một nén tâm nhang vĩnh biệt cụ! Ở chốn cao xanh, hẳn cụ đang mỉm cười mãn nguyện vì đã sống trọn cuộc đời hào hùng, tình nghĩa và rất thanh cao...

VŨ ĐÌNH ĐÔNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/vinh-biet-nguoi-doi-vien-doi-viet-nam-tuyen-truyen-giai-phong-quan-512508