Vĩnh biệt Nghệ sĩ Kim Nhụy - huyền thoại hát ru Nam Bộ

Nghệ sĩ Kim Nhụy – huyền thoại của hát ru Nam Bộ và điệu hò Đồng Tháp nổi tiếng trên Đài Tiếng nói Việt Nam thuở nào, đã về nơi yên nghỉ cuối cùng vào ngày 18-7 tại TP HCM.

Ra đi ở tuổi 88, bà để lại di sản quý giá về một giọng hò được nhiều nghệ sĩ bậc thầy đánh giá là hay nhất thế kỷ XX.

Năm 2012, trong cuộc hội ngộ với nghệ sĩ Kim Nhụy, GS Trần Văn Khê vô cùng xúc động và vui mừng khi biết giọng hò Đồng Tháp mượt mà trong đĩa “Tiếng hát Việt Nam” mình từng nghe tại Pháp năm 1958 chính là bà.

Nghệ sĩ Kim Nhụy và con gái Song Anh trong lần đầu hội ngộ GS Trần Văn Khê năm 2012.

Ngày ấy, ông bị mê hoặc bởi giọng hò du dương, trầm bổng có sức truyền cảm lạ lùng, gợi nhớ gợi thương về miền quê yên bình nơi con nước chín rồng, có lũy tre làng, có cánh cò thẳng cánh.

Điệu hò ấy không khác gì điệu hò của các bà, các mẹ mà GS Trần Văn Khê từng nghe ở Đồng Tháp hồi còn là một cậu bé ham chơi, mê nhạc. Ông không biết người hò là ai, chỉ biết tên là Kim Nhụy nhưng không biết mặt mũi, tướng tá ra sao. Hơn nửa thế kỷ, ông lặn lội đi tìm “ẩn số” giọng hò tuyệt vời mà mình đã tự hào quảng bá, giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

Hai mái đầu bạc trên chiếc xe lăn chụm vào nhau, ca cho nhau nghe điệu hò dĩ vãng. Giọng hò ngày nào đã run rẩy, tiếng còn tiếng mất, nhưng hơi hướng của một làn hơi huyền thoại vẫn in đậm trong tâm trí của những người nghe hôm ấy. Họ xúc động đến trào nước mắt khi lâu lắm rồi mới được nghe lại điệu hò Đồng Tháp truyền thống.

Đến nay, đoạn hát ru mở đầu bộ phim “Nổi gió” của đạo diễn Huy Thành (Hãng phim truyện Việt Nam), sản xuất năm 1966, là bản ghi âm hiếm hoi giọng hát của bà còn lưu giữ.

Giọng ru mượt mà, sâu lắng trong không gian sông nước miền Tây: “Ầu ơ, bên kia sông bụi tre khô/ Bên đây sông cây chuối ngã/ Nhìn sau lưng bụi sả lại tàn/ Ơ, đôi đứa ta sống trong hoàn cảnh nguy nan/ Dang tay em níu áo bạn vàng/ Dù sanh dù tử cũng một mình chàng mà thôi”.

Nghệ sĩ Kim Nhụy tên đầy đủ là Nguyễn Thị Kim Nhụy. Tuổi thơ của bà gắn bó với miền đất xứ sen hồng Đồng Tháp. Ngày ngày đi giăng câu, mót lúa với cha trên cánh đồng phù sa bát ngát, câu hò, điệu lý của người nông dân một nắng hai sương thấm nhuần vào lòng cô bé mồ côi mẹ.

Trưa hè trên cánh võng, cô ngân nga câu hát. Cô thương tiếng hò như tiếng ru của mẹ bên vành nôi thuở nhỏ. Nên sau này xa quê hương, làm giao liên rồi trở thành văn công của Đoàn văn công Tỉnh đội Long Châu Sa năm 1945, cô đem những bài vọng cổ, điệu lý, câu hò xứ sở mà phục vụ người lính.

Tiếng hát thúc giục các anh ra trận bảo vệ mái lá yên bình, vỗ về người đi vơi bớt nỗi nhớ quê nhà mà cầm chắc tay súng giữ gìn quê hương.

Năm 1954, nghệ sĩ Kim Nhụy vẫy chào miền Nam, tập kết ra Bắc. Công tác ở Đoàn Ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, bà phụ trách chuyên mục hát dân ca Nam Bộ và cải lương. Nỗi nhớ cố hương càng làm chất giọng ấy thêm bùi ngùi, da diết để từ đó nó lan tỏa đến 67 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Là đồng hương với nghệ sĩ Kim Nhụy, nhạc sĩ Cao Văn Lý tâm sự: “Trong thời gian ở miền Bắc, tình cờ được nghe nghệ sĩ Kim Nhụy cất giọng ngân nga điệu hò, tôi mới ngớ người ra bởi không ngờ ở quê hương Đồng Tháp mình lại có một điệu hò độc đáo như vậy. Cái cảm giác vừa ngỡ ngàng vừa xúc động ấy như đã in sâu vào trong tâm hồn tôi…”.

Đứng lớp giảng dạy cho nhiều giọng ca nổi tiếng như Trang Nhung, Lê Thiện, Ngọc Mai… nhưng người học trò xuất sắc nhất của nghệ sĩ Kim Nhụy là cô con gái Song Anh. Sống giữa đất Bắc, ngay từ nhỏ, Song Anh đã được mẹ rèn nói tiếng Nam Bộ, hát các dân ca, điệu hò quê mình để không quên gốc gác nguồn cội.

Theo đánh giá của GS Trần Văn Khê, nghệ sĩ Kim Nhụy là cuốn từ điển sống về hát ru và dân ca Nam Bộ. Những điều này đều được bà truyền lại cho cô con gái Song Anh để từ đó, chị truyền dạy cho thế hệ trẻ như tâm nguyện của mẹ.

Ra đi ở tuổi 88 khi nụ cười mãn nguyện nở trên môi người nghệ sĩ già ấy. Bởi bà đã có người chân truyền, để điệu hò Đồng Tháp không nhạt nhòa, lai tạp theo thời gian.

Xúc động biết bao khi đến cuối đời, dù trí nhớ đã suy giảm, sức khỏe yếu nhưng nghệ sĩ Kim Nhụy vẫn mong muốn truyền lại bí kíp của một điệu hò, một cách hò cho thế hệ trẻ. Xin kính cẩn nghiêng mình trước những đóng góp to lớn của người con tài hoa đất sen hồng. Người nghệ sĩ đáng kính đã ra đi nhưng giọng hò vẫn mãi vấn vương trên miền quê thân thương này”.

QUỲNH NGA

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/vinh-biet-nghe-si-kim-nhuy-huyen-thoai-hat-ru-nam-bo-502365/