Vĩnh biệt Đại sứ Võ Văn Sung - nhà ngoại giao đáng kính

Tôi vừa đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 4-5-2018 được biết cán bộ ngoại giao lão thành Võ Văn Sung đã qua đời - một tin rất buồn đối với bạn bè, đồng nghiệp và người thân.

Anh Sung với tôi cùng tuổi 91, cùng công tác tại Bộ Ngoại giao thời điểm nóng bỏng nhất: Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ở những giai đoạn cuối - thời kỳ ta và Mỹ bước vào giai đoạn đánh đàm.

Anh Sung mất, tôi nhớ đến những cột mốc đáng nhớ trong đời ngoại giao của anh - một cán bộ ngoại giao năng nổ. Anh làm Vụ phó Vụ 1 (vụ này chuyên nghiên cứu về vấn đề đánh đàm ta - Mỹ). Tôi là Vụ phó Vụ 2 (tức là Vụ miền Nam theo dõi cuộc đấu tranh ở miền Nam và dư luận quốc tế). Anh Sung là người có nhiều ý kiến sắc sảo, phản biện rất tốt. Anh là một trong những người đề xuất tổ chức vận động phong trào Việt kiều ở Pháp và Mỹ - hai nơi xung yếu nhất trong cuộc đấu tranh ở giai đoạn này.

Đồng chí Võ Văn Sung qua đời ở tuổi 91

Đồng chí Võ Văn Sung qua đời ở tuổi 91

Từ năm 1971, anh là Tổng đại diện Việt Nam tại Pháp và là một trong những đầu mối ngoại giao tại Paris để giữ mối liên hệ phục vụ theo công cuộc đàm phán tại Paris giữa ta và Mỹ - anh cũng là đại diện của ta giữ liên hệ tại Mỹ, anh cũng là đại diện của ta giữ liên hệ với Mỹ từ khi kết thúc đàm phán Paris đến năm 1979. Anh là một trong những người có công trong việc giữ mối quan hệ tích cực giữa Việt Nam với Pháp và các nước châu Âu cùng Mỹ.

Anh Sung là nhà ngoại giao có hai đặc tính đáng quý. Thứ nhất là anh biết tổng kết ghi lại nhiều giai đoạn ngoại giao để rồi đúc kết thành những bài học tốt như trong cuốn sách của anh đã viết “Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris” nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, hay cuốn “Suy nghĩ về trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh” mà cuối cùng anh đã kết lại là “Ngoại giao của tấm lòng”.

Đặc tính thứ hai là anh đã nắm bắt về kinh tế nhạy bén và các động thái kinh tế quốc tế, góp được nhiều ý kiến tốt cho Nhà nước và cho riêng TPHCM - khi anh được cử làm đại sứ tại Nhật Bản, lúc mà ta và Nhật mới mở rộng phát triển kinh tế. Đây là thời kỳ Mỹ còn bao vây cấm vận Việt Nam. Anh đã giới thiệu cho nhiều đoàn kinh tế Nhật đến tìm hiểu TPHCM.

Nhớ tới người bạn đã khuất, tôi ghi lại vài điều mà tôi còn nhớ. Trong quan hệ cá nhân, tôi và anh không những gặp nhau trong công tác mà còn thân thiết nhau về tình thân hữu. Anh là con người say sưa với công việc. Người luôn tạo mối quan hệ tốt với những người khi tiếp xúc, lòng thiết tha với quê hương. Anh là người có lòng hiếu thảo với gia đình, rất quý người bạn đời của mình là chị Hồng, người mà tôi thường gọi là “Người con gái Long An”. Anh Sung xứng đáng với những phần thưởng cao quý của Nhà nước ta, trong đó có cả Huân chương Độc lập hạng nhất và các huân chương của nước ngoài.

Vĩnh biệt anh, vài dòng tưởng nhớ anh và để chia sẻ nỗi buồn thương sâu sắc với chị Hồng và gia đình.

Đại sứ VŨ HẮC BỒNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vinh-biet-dai-su-vo-van-sung-nha-ngoai-giao-dang-kinh-516977.html