Vĩnh biệt chị Phan Thị Quyên

Hôm qua nhận được tin buồn: Chị Phan Thị Quyên đã từ trần, dù biết sức khỏe của chị không tốt, nhưng không ngờ chị ra đi nhanh thế.

Mọi người trước đây khi đọc tập truyện “Sống như Anh” của nhà văn, nhà báo Thái Duy (ký tên Trần Đình Vân) đều biết rõ về chị Phan Thị Quyên. Sau khi anh Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, đầu năm 1965, theo nguyện vọng của chị Quyên, tổ chức bố trí cho chị thoát ly ra vùng giải phóng. Sau khi cúng 100 ngày cho anh Trỗi, chị dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị lên đường. Trước khi đi, chị đến viếng mộ anh, tạm biệt anh: "Chỉ mấy ngày nữa là em xa anh để đi tiếp con đường dở dang của anh; ở nhà Ba và các em, cháu sẽ thay em đến thăm anh. Anh phù hộ cho em".

Sau hơn 1/2 thế kỷ anh nằm tại Nghĩa trang Văn Giáp, ngày 15/4/2018 thể theo nguyện vọng của gia đình, Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh, Quận ủy Quận 2 và gia đình đã tổ chức Lễ an táng hài cốt Anh hùng LLVTND, Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi từ Nghĩa trang Văn Giáp về Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh.

Chị Phan Thị Quyên (mặc áo xám, đeo kính) và chị gái ruột anh Trỗi trong lễ cải táng anh Trỗi tại NTLS thành phố

Chị Quyên tâm sự; "Anh chị đã làm xong được nhiều việc lớn: Xong 2 cuốn sách tự truyện; đưa các cụ từ Văn Giáp lên chùa; đưa Anh Trỗi về NTLS thành phố. Vậy là toại nguyện. Mấy hôm nay chị khỏe ra có lẽ do Anh phù hộ". Chẳng hiểu anh bạn Trần Kiến Quốc kể với chị Quyên hôì̀ nào, sáng Chủ Nhật, ngày làm lễ an táng hài cốt Anh Trỗi, tôi đến sớm và đã thấy chị Quyên hỏi Kiến Quốc: có chú em nào mà giữa trưa thứ Sáu, ngày 13 đến thăm "nhà" anh Trỗi. Quốc nói: Nó là thằng mang máy ảnh đấy chị ạ.

Anh Tư Dũng (chồng sau này của chị Quyên) góp câu chuyện: Hôm đấy anh về quê, chẳng xem ngày tháng, còn chị Quyên ở nhà vô cùng lo lắng. Anh nói ngày 13 Thứ 6 thì phương Tây họ kiêng cữ, nhưng cũng khó giải thích được nhiều điều trùng hợp đã xảy ra.

Mấy năm trước vào ngày 13 thứ Sáu, tôi không bao giờ đi ra đường. Riêng năm 2018 lại phá lệ và chọn giờ Ngọ đến thăm "nhà" Anh, trước 2 ngày làm lễ an táng cho Anh. Sáng ngày đưa anh Trỗi về Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố, Chị Quyên ký tặng "đứa em trưa thứ Sáu ngày 13" cuốn sách "Cuộc đời tôi" của chị.

Bìa cuốn sách "Cuộc đời tôi".

Chị Quyên ký tặng sách "Cuộc đời tôi"

Sau khi ra vùng giải phóng, chị trở thành đồng dội và tiếp bước con đường cách mạng của Anh Trỗi. Một thời gian sau, chị được đưa ra Bắc học tập. Chị Quyên nhớ mãi những lần được gặp Bác. Chị kể: Tháng 7 năm 1969, mặc dù ở vào thời điểm này, sức khỏe của Bác rất yếu, nhưng khi nghe tin chị Phan Thị Quyên ra Hà Nội, Bác đã đề nghị cho Bác gặp. Khi chuẩn bị lên đường thăm Cu Ba, chị Quyên đã được vào gặp Bác. Tại cuộc gặp mặt, Bác hỏi: "Cháu dự định ăn mặc thế nào trong chuyến thăm Cu Ba?". Chị Quyên trả lời Bác: "Dạ thưa Bác, các cô, chú ở Văn phòng Trung ương bảo cháu mặc áo dài". Nghe chị Quyên trả lời, Bác ôn tồn nói: "Cháu nên mặc quần áo Quân giải phóng miền Nam. Nhân tiện cháu sang đó, Bác nhờ cháu trao tận tay đồng chí Phidel một món quà nhỏ. Đó là một đôi dép lốp cao su". Những lần gặp Bác là động lực để chị vượt qua mọi gian khó trong học tập và công tác sau này.

Chị thanh thản ra đi khi mọi tâm nguyện đã hoàn thành, chị sẽ được gặp Anh Trỗi.

Vĩnh biệt Chị.

Minh Tuấn - Việt Cường

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/vinh-biet-chi-phan-thi-quyen-post28996.html