'Vingroup đã đúng, nhưng tôi tiếc cho thương hiệu smartphone Việt'

Quyết định dừng làm smartphone và TV của VinSmart được đánh giá là đúng đắn, dù công ty này đã có thị phần đáng kể.

Ngày 9/5, Vingroup tuyên bố VinSmart sẽ đóng mảng tivi, điện thoại di động. Thương hiệu VinSmart được thành lập từ tháng 6/2018. Chỉ trong 3 năm kinh doanh, thành tích cao nhất mà VinSmart có được là top 3 thị phần trong một tháng tại thị trường Việt Nam. Quyết định chấm dứt mảng smartphone và TV được hãng đưa ra khá đột ngột bởi cách đây ít tháng, hãng đã bán sản phẩm của họ tại thị trường Mỹ.

 Tồn tại trong 3 năm, VinSmart có lúc lọt top 3 về thị phần smartphone tại Việt Nam.

Tồn tại trong 3 năm, VinSmart có lúc lọt top 3 về thị phần smartphone tại Việt Nam.

Không còn điện thoại Việt đủ sức cạnh tranh

“Cảm giác của tôi là bất ngờ và hụt hẫng khi nhận được thông tin này. Suốt thời gian kinh doanh sản phẩm VinSmart, Thế Giới Di Động đánh giá thương hiệu này đã có được năng lực cạnh tranh ở một số phân khúc nhất định. Sản phẩm của họ không kém so với các đối thủ khác”, đại diện Thế Giới Di Động, nhà bán lẻ smartphone có thị phần lớn nhất tại Việt Nam chia sẻ với Zing.

VinSmart đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu khác trong lĩnh vực smartphone.

Trong khi đó, nhà bán lẻ thứ 2 thị trường là FPT Shop cũng đánh giá smartphone của VinSmart đủ năng lực để cạnh tranh với các thương hiệu khác.

“FPT Shop và người tiêu dùng sẽ rất tiếc khi các thương hiệu Việt dần rút khỏi thị trường smartphone. Đây là lĩnh vực đòi hỏi sự cập nhật liên tục và rất nhanh. Tuy nhiên, thị trường điện thoại luôn có mức độ cạnh tranh rất cao”, ông Nguyễn Thế Kha - Giám đốc Khối Ngành hàng Viễn thông Di động FPT Shop bày tỏ sự nuối tiếc với việc VinSmart tuyên bố dừng mảng di động.

Theo đánh giá của FPT Shop, smartphone của VinSmart được thiết kế đẹp, cấu hình tốt và giá hợp lý. Vsmart cạnh tranh mạnh mẽ với các thương hiệu đến từ Trung Quốc. Trong phân khúc giá dưới 4 triệu đồng, Vsmart luôn có các dòng sản phẩm như Live, Star hay Joy cạnh tranh tốt và hơn hết là được bảo hành đến 18 tháng.

Năng lực cạnh tranh của VinSmart được thể hiện qua những con số chứ không phải những lời nói suông. Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường GfK, vào tháng 3 thị phần smartphone thương hiệu Vsmart tại Việt Nam là 8,2%, xếp thứ 6 ở thị trường trong nước.

VinSmart đạt thị phần 12,1%, lọt nhóm 4 hãng smartphone bán chạy nhất Việt Nam vào tháng 12/2020. Trước đó, vào tháng 10/2020 hãng đứng vị trí thứ 3 với 10,5% thị phần.

VinSmart ra đời vào tháng 6/2018, và giới thiệu những smartphone đầu tiên sau đó 6 tháng. Sau gần 3 năm phát triển, Vsmart đã ra mắt thị trường 19 mẫu điện thoại và 5 mẫu TV. Vào tháng 6/2020, VinSmart thông báo đã bán ra 1,2 triệu chiếc điện thoại.

Như vậy, với sự dừng lại của VinSmart, thị trường di động Việt còn đúng một cái tên là Bphone của Bkav. Tuy nhiên, Bphone 3 bán ra từ năm 2018 với doanh số không được tiết lộ. Trong khi đó, mẫu máy B40 được giới thiệu từ tháng 5/2020 nhưng đến nay, sau một năm, thiết bị này vẫn chưa được bán ra thị trường. Model B86 đã bị ngừng bán ở các chuỗi bán lẻ.

Quyết định đúng

“Tôi bất ngờ khi nhận được tin VinSmart ngừng mảng di động và TV. Cảm giác đầu tiên là tiếc nuối khi mất đi một thương hiệu smartphone Việt nhưng hoàn toàn ủng hộ quyết định này. Đây là quyết định đúng đắn trong bối cảnh mới, cụ thể là dịch bệnh”, ông Mai Triều Nguyên, chủ chuỗi bán lẻ di động Mai Nguyên cho biết.

Ngừng mảng smartphone và tập trung vào xe hơi điện là hướng đi đúng đắn của Vingroup.

Theo ông Nguyên, bên cạnh việc cần vốn tập trung phát triển VinFast, Vingroup còn phải chống chọi với sự khan hiếm chip xử lý toàn ngành.

“Trong bối cảnh Covid-19, chip đang khan hiếm. Thiếu một con chip sẽ không có một chiếc smartphone, cả dây chuyền phải chờ đợi một nhà cung ứng. Một chiếc smartphone có rất nhiều con chip. Việc lệ thuộc này chỉ làm tình hình trở nên tệ hơn mà thôi. Chưa kể việc các nhà cung ứng chip thường ưu tiên các đối tác bán số lượng lớn hơn”, ông Nguyên dự đoán lý do VinSmart ngừng mảng smartphone.

Đồng thời, ông Nguyên cũng đưa ra ví dụ về một thương hiệu Việt khác là Mobiistar cũng dừng kinh doanh vì khó khăn trong chuỗi cung ứng. "Mobiistar đã cố khắc phục khó khăn trong chuỗi cung ứng linh kiện bằng việc bán tại Ấn Độ. Khi số lượng bán lớn, hãng có khả năng thương thảo linh kiện với nhà cung ứng tốt hơn", ông Nguyên nhận định.

Trong khi đó, Apple và Samsung, hai thương hiệu đứng đầu chuỗi cung ứng cũng đang gặp khó khăn khi chip xử lý khan hiếm do dịch. Một số hãng khác đã phải dời ngày ra mắt sản phẩm vì thiếu linh kiện.

Theo đánh giá của các chuyên gia, quyết định giải thể mảng kinh doanh đã xây dựng trong 3 năm và đang có thị phần tốt là không hề dễ dàng.

Tôi thật sự nể phục những bộ não điều hành bởi đây là quyết định đúng đắn của VinSmart trong bối cảnh mới, cụ thể là dịch bệnhÔng Mai Triều Nguyên, chủ chuỗi bán lẻ di động Mai Nguyên

Trước đó, HTC, LG cũng đã lưỡng lự rất lâu trước khi quyết định rút khỏi thị trường cạnh tranh gay gắt này. “Họ chần chừ quá lâu chỉ đẩy họ vào cảnh nợ nần, thua lỗ. Đội ngũ quản lý của Vingroup lại quyết đoán hơn. Mảng nào không có tương lai họ mạnh dạn cắt bỏ. Mua và đóng Viễn Thông A hay đóng VinMart là một trong số những quyết định kịp thời của họ”, ông Nguyên cho biết.

Ngoài ra, thị trường xe ôtô điện đang được đánh giá là có tiềm năng phát triển hơn cả bởi mảng này vẫn còn sơ khai.

“Những cái tên đình đám trong làng công nghệ như Huawei, Sony, Xiaomi, Oppo đều có những dự định chuyển hướng. Vậy việc VinGroup đóng mảng điện thoại để nghiêm túc đầu tư xe hơi điện là điều rất dễ hiểu. Nhưng nói thật, về mặt cảm xúc, tôi vẫn tiếc nuối khi mất đi một thương hiệu Việt trong thị trường smartphone”, ông Nguyên kết luận.

Để lại thị phần nhóm phổ thông cho Oppo, Xiaomi

Các sản phẩm của VinSmart được nhận định tập trung vào phân khúc dưới 4 triệu đồng. Ở phân khúc này, các thương hiệu như Oppo, Xiaomi, vivo và cả Samsung đều có đại diện cạnh tranh.

Dễ thấy nhất là top 10 smartphone bán chạy nhất của GfK quý I/2020 xuất hiện 7 model có giá dưới 5 triệu đồng. Những cái tên như Samsung A12/A02s/A12/M15, Oppo A12/A15/A53 là những ví dụ điển hình cho chiến lược dùng smartphone giá thấp để chiếm thị phần của các hãng.

Ở phân khúc smartphone dưới 5 triệu đồng, các hãng như Samsung, Oppo, Xiaomi hay vivo đều xem đây là nơi đánh chiếm thị phần. Điện thoại giá thấp giúp các hãng dễ tiếp cận người tiêu dùng hơn, từ đó tạo nhóm khách hàng trung thành. Đây là phân khúc không thể thiếu của một thương hiệu dù hiệu suất lợi nhuận có thể không bằng các smartphone cao cấp.

Ngoài VinSmart, Bphone là thương hiệu Việt cuối cùng sản xuất smartphone.

Theo số liệu mới nhất từ GfK, VinSmart chiếm 9,3% thị phần di động Việt Nam trong tháng 2/2021. Việc thiếu vắng VinSmart sẽ để lại khoảng trống cho các thương hiệu có thế mạnh ở nhóm phổ thông.

"Sự xuất hiện của Vsmart dù chỉ trong thời gian ngắn với tiềm lực tài chính dồi dào, đã lấy được hơn 10% thị phần smartphone từ tay các hãng nước ngoài. Điều này khẳng định, người Việt Nam chúng ta luôn khao khát và ủng hộ các sản phẩm 'Make in Việt Nam', đặc biệt là Smartphone", CEO Bphone, ông Nguyễn Tử Quảng nhận định.

Nếu không có VinSmart, thị trường chỉ còn Bphone là thương hiệu Việt có khả năng ra smartphone mới. Tuy vậy, sản phẩm gần nhất của Bkav đã hoãn ra mắt gần 1 năm. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh thị phần của Bphone vẫn chưa thật sự thuyết phục khi số liệu bán ra chưa được công bố.

Đoạn Lãng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vingroup-da-dung-nhung-toi-tiec-cho-thuong-hieu-smartphone-viet-post1213646.html