Vinasun và Grab bắt tay hòa giải, tòa dừng phiên xử

Ngày 30-11, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ kiện dân sự 'tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng' giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương VN (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).

Đây là phiên tòa thứ 5 sau 4 lần mở phiên tòa nhưng HĐXX cho tạm dừng phiên xử trong năm 2018. Vụ án cũng từng một lần tạm đình chỉ, 2 lần hoãn phiên xử.

Tại phiên tòa sáng nay, bất ngờ đại diện cả hai bên Vinasun và Grab đều đề nghị muốn hòa giải nhưng chưa đưa ra phương án hòa giải cụ thể.

Đại diện Vinasun và Grab tại phiên xử

Theo HĐXX, đây là dấu hiệu tích cực nhưng theo quy định thì thẩm phán không thể đứng ra tiến hành hòa giải vì phiên tòa đang diễn ra. Theo quy định pháp luật, nếu vụ việc có thể hòa giải trong thời gian chuẩn bị xét xử thì thẩm phán có thể hòa giải. Trong vụ cụ thể này, thủ tục hòa giải đã thực hiện nhưng không thành nên HĐXX đã đưa vụ án ra xét xử. Vì vậy, để xử lý tình huống nguyên vọng hòa giải của hai bên nên HĐXX quay lại phần xét hỏi để xử lý các yêu cầu của hai bên đương sự.

Theo đó, khi HĐXX quay lại phần xét hỏi thì hai bên đề nghị tòa tạm dừng phiên tòa để hai bên có thời gian ngồi lại với nhau và đưa ra phương án hòa giải.

Sau khi hội ý, HĐXX tạm dừng phiên tòa theo đề nghị của 2 bên, thời gian tạm dừng không quá 1 tháng và sẽ được thông báo lịch xử sau.

Như tin đã đưa, trong đơn khởi kiện, Vinasun cho rằng: Lợi dụng việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7-1-2016 về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” (gọi tắt là “Quyết định 24”), Grab đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi.

Mặc dù Grab tự nhận là “Công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải” nhưng về cơ sở pháp lý và thực tế hoạt động, đây là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi - một lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun Corp.

Theo các tài liệu kiểm toán thể hiện: so với năm 2015, lợi nhuận năm 2016, quý 1 và 2-2017 của Vinasun bị mất là 75,9 tỷ đồng. Theo văn bản của của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 6-2017 số xe đăng ký chạy Grab là 12.913 xe thì tổng số thiệt hại Grab gây ra cho Vinasun đến hết quý II năm 2017 là 41,2 tỉ đồng.

Do Grab thực chất là một doanh nghiệp kinh doanh vận tải, lợi dụng đề án 24 của Bộ giao thông vận tải để thực hiện hành vi trái luật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Vinasun nên phía nguyên đơn khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại 41,2 tỷ đồng và yêu cầu Grab bồi thường một lần.

A.Huy - Hồng Sơn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phap-luat/vinasun-va-grab-bat-tay-hoa-giai-toa-dung-phien-xu-522509/