Vinasun kiện Grab: Tòa có thể tuyên án?

Vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh vụ kiện tụng giữa Vinasun – Grab cũng như thẩm quyền xử lý của các cơ quan trong vụ việc dù ngày mai theo dự kiến, Tòa sẽ tuyên án để kết thúc vụ kiện này.

Vinasun kiện Grab: Một vụ kiện văn minh và...khó

Vụ kiện gây tranh cãi

Mở đầu buổi tọa đàm kinh tế chia sẻ: Mô hình gọi xe và những thách thức cần tháo gỡ, PGS.TS Nguyễn Như Phát, Nguyên viện trưởng viện nhà nước và pháp luật khẳng định: “Câu chuyện Vinasun kiện Grab là câu chuyện hết sức bình thường trong mọi nền kinh tế".

Viện dẫn nhiều quy định thông tin pháp luật, PGS.TS Nguyễn Như Phát cho rằng vụ kiện giữa hai doanh nghiệp Vinasun – Grab là một vụ bồi thường ngoài hợp đồng. Như vậy, vụ kiện này phải đáp ứng được 4 điều kiện đó là: phải có vi phạm nghĩa vụ (trong trường hợp này là vi phạm quyền và lợi ích của một người nào đó được pháp luật bảo vệ); có thiệt hại thực tế (bên đi đòi, trong trường hợp này Vinasun phải chứng minh thiệt hại); quan hệ nhân quả bắt buộc duy nhất và khách quan, chỉ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật và yếu tố cuối cùng là lỗi do yếu tố chủ quan.

Từ đó, PGS.TS Nguyễn Như Phát cho rằng, TAND TPHCM cần phải làm rõ Grab đang vi phạm điều gì liên quan đến quyền lợi hợp pháp của Vinasun đang được pháp luật bảo vệ. “Vậy thì Grab vi phạm cái gì, Grab có vi phạm cái gì mà liên quan đến quyền quản lý hợp lý của Vinasun được pháp luật bảo vệ hay không?” Ông Phát đặt câu hỏi đồng thời cho rằng ở khía cạnh này, việc kết luận các hành vi vi phạm luật cạnh tranh của Grab phải nên thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước.

Ngoài ra, trong vụ kiện này, Vinasun phải đi chứng minh về thiệt hại (ở đây là lợi nhuận bị giảm – PV) của mình và nếu Grab có hành vi vi phạm pháp luật (pv) thì hành vi đó là hành vi duy nhất dẫn đến hậu quả thiệt hại 41 tỷ. Điều này Vinasun có chứng minh được không và chứng minh như thế nào?

Còn về con số bồi thường 41 tỷ đồng, PGS.TS Nguyễn Như Phát thẳng thắn cho biết: Việc Vinasun tự nhiên bị giảm doanh thu rồi đi đổ cho tội cho người khác là không chấp nhận được. Tụt doanh số có thể là do Grab chơi xấu, thứ 2 là do thị trường nhiều người tham gia cùng cạnh tranh khiến thị phần bị chia sẻ đi”.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết: “Phải đi tìm gốc của vấn đề là ai gây thiệt hại cho ai và mối quan hệ nhân quả của nó là như thế nào? Rõ ràng, trong vụ việc này, đang có nhiều đơn vị và doanh nghiệp tham gia vào thị trường. Liệu hậu quả đó có phải duy nhất và tất yếu do grab taxi gây ra hay không? Ở đây, tôi cho rằng là nếu như xác định các mối quan hệ pháp luật thì bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để chỉ ra trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp cạnh tranh với nhau và nhiều hãng mà duy nhất Grab chịu trách nhiệm thì điều đó là khó.”

Dù vậy, ông Chiến cũng cho biết rằng hiểu đúng bản chất sự việc và xuất phát từ mối quan hệ pháp luật là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì chỉ cần bám sát vào vấn đề chứng minh quan hệ nhân quả, hậu quả của 41 tỷ kia có phải là do Grab (PV) gây ra hay không.

Cần có một cơ quan độc lập để kiểm chứng

Vụ kiện giữa Vinasun và Grab rõ ràng không chỉ khó trong việc chứng minh Grab có phải là nguyên nhân khiến Vinasun sụt giảm lợi nhuận mà còn khó trong việc chứng minh con số 41 tỷ đồng.

Ngay sau khi lần thứ 3 phiên tòa phải tạm hoãn xét xử để thu thập thêm chứng cứ, Grab Việt Nam bày tỏ nguyện vọng muốn tòa bác bỏ toàn bộ nội dung báo cáo giám định của Công ty Cửu Long trừ trường hợp công ty giám định này có mặt tại tòa trong quá trình tranh tụng. Bản báo cáo giám định này cũng được các chuyên gia Luật coi là một "nút thắt" trong quá trình nghị án.

Liên quan đến kết luận của cơ quan giám định, ông Nguyễn Chiến cho rằng rõ ràng Cửu Long và bản báo cáo được trình chưa thực sự thuyết phục.

“Theo yêu cầu của một bên khởi kiện (bên nguyên) đặt ra về vấn đề giám định để xem xét hành vi khách quan của bên có lỗi (Grab) gây ra thiệt hại và thiệt hại đó được xác định là bao nhiêu. Thế nhưng ở đây, chưa chứng minh lỗi và hành vi khách quan do Grab gây ra cho bên kia (Vinasun – PV) mà đi xác định con số bị tụt giảm và yêu cầu bồi thường.

Không biết là trong kết quả giám định này có đề cập đến việc xác định những bản chất của sự việc hay không và nó thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng khác chứ không phải cơ quan thẩm định”.

Trong khi đó, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Luật kinh tế, Viện Nhà nước và pháp luật (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng cần có một cơ quan nghiên cứu độc lập khác. “Cần một bên độc lập đánh giá lại báo cáo của Cửu Long.

“Tôi cho rằng về mặt giá trị, con số nêu ra trong báo cáo của Cửu Long chưa chính xác. Thứ 2 là cách thức chọn mẫu của công ty nghiên cứu thị trường này tôi cũng cho rằng cần được giải thích bởi cơ quan tư pháp chỉ định báo cáo nó có trung thực hay không”.

Theo dự kiến vào ngày mai, 22/11, TAND TP. HCM sẽ tuyên án vụ Vinasun kiện Grab. ICTnews sẽ cập nhật thông tin vụ việc này.

Duy Vũ

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/cong-nghe-360/o-to-xe-may/vinasun-kien-grab-toa-co-the-tuyen-an-175262.ict