Vinalines lần đầu tạm biệt điệp khúc 'từ lỗ tới hòa'

Khoản lợi nhuận hợp nhất khoảng 500 tỷ đồng đã giúp Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) lần đầu có lãi sau nhiều năm chỉ biết từ lỗ tới hòa.

Phục hồi

Khuôn mặt của dàn lãnh đạo Vinalines tại Hội nghị Triển khai kế hoạch năm 2018 đã nhuận sắc rất nhiều so với năm ngoái - thời điểm “con tàu” vẫn còn chấp chới giữa “lỗ” và “lãi”.

Mặc dù còn phải chờ con số chính xác từ báo cáo tài chính, nhưng khoản lợi nhuận 515 tỷ đồng vẫn là kết quả kinh doanh tốt nhất của Vinalines trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Vinalines bắt đầu hái những thành quả đầu tiên của việc chủ động tìm đến chủ hàng, thay vì chờ đợi chân hàng như trước.

Cụ thể, mặc dù đã thực hiện bán thanh lý 6 tàu với tổng trọng tải khoảng 125.000 DWT nhưng trong năm 2017, đội tàu (gồm 91 tàu, tổng trọng tải 1,8 triệu DWT) của Vinalines vẫn đạt sản lượng 24,7 triệu tấn, tăng 6,3% so với kế hoạch năm, tăng 2,1% so với năm 2016.

Đối với khối cảng biển - lĩnh vực đã vươn lên, mang lại doanh thu số một cho “ông lớn” hàng hải Việt Nam, tốc độ tăng trưởng còn mạnh mẽ hơn khi đạt 88,3 triệu tấn hàng thông qua, tăng 11,2% so với kế hoạch năm và tăng 13% so với năm 2016, trong đó sản lượng container đạt 3,9 triệu tấn, tăng 27,9% so với năm 2016.

“Nhờ cú huých từ cảng biển và vận tải biển bước đầu thoát khỏi “sương mù thua lỗ”, Vinalines đã đạt tổng doanh thu 15.943 tỷ đồng, tăng 11,8% so với kế hoạch; đồng thời tạo lợi nhuận vượt xa kỳ vọng là cân bằng về lợi nhuận, đề ra hồi đầu năm”, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Vinalines cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, kết quả kinh doanh của Vinalines trong giai đoạn 2011 - 2016 là rất xấu, với kỷ lục thua lỗ được xác lập vào năm 2012 là 8.171 tỷ đồng, trước khi giảm xuống còn 3.178 tỷ đồng khi năm tài chính 2014 kết thúc. Cho đến tận năm 2016, Vinalines mới lần đầu chạm điểm hòa vốn với lợi nhuận sau thuế 33 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản lợi nhuận tài chính do thoái vốn tại một số công ty thành viên.

Trên thực tế, cùng với sự ấm dần lên của thị trường vận tải biển, Vinalines đã bắt đầu hái những thành quả đầu tiên của việc chủ động tìm đến chủ hàng, thay vì chờ đợi chân hàng như trước.

Tại thị trường trong nước, Vinalines tích cực triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký với các đối tác như TKV, PVN, Thép Hòa Phát, Vissai Ninh Bình để cung cấp dịch vụ vận chuyển các mặt hàng than, thép, quặng, clinker, đạm trên cơ sở kết nối lĩnh vực cốt lõi là vận tải biển - cảng biển - logistics.

Tại thị trường quốc tế, Vinalines tập trung vào thị trường Myanmar, thông qua hợp tác với Công ty Đông Á về dịch vụ vận tải và logistics đối với chân hàng vật liệu máy móc, thiết bị; thị trường Nga về vận tải than; thị trường Campuchia về hợp tác phát triển cảng và phân phối hàng hóa của Tập đoàn Năm Sao.

Nếu trúng được các gói thầu vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện tại Long Phú (Sóc Trăng), Sông Hậu (Hậu Giang); gói dịch vụ vận chuyển hàng hóa và dịch vụ kho bãi cho Formosa (Hà Tĩnh)..., Vinalines sẽ có lượng hàng tương đối ổn định cho đội tàu của mình.

Giảm lỗ, tạo đà IPO

Trong những năm qua, hoạt động của Vinalines luôn phải đi đều “hai chân”: phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu nợ.

Theo thống kê của Vinalines, trong năm 2017, Tổng công ty đã xử lý được 6.598 tỷ đồng, gồm 1.002 tỷ đồng nợ gốc được khoanh tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam và giảm 5.595 tỷ đồng nợ (nợ gốc giảm 3.913 tỷ đồng, lãi giảm 1.682 tỷ đồng).

Như vậy, tổng kết quả xử lý nợ giai đoạn 2014 - 2017, Công ty mẹ Vinalines đã giảm được 10.747 tỷ đồng nợ; các doanh nghiệp thành viên giảm được 2.345 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2017, dư nợ toàn Tổng công ty chỉ còn 14.743 tỷ đồng, bằng 23% so với thời điểm bắt đầu tái cơ cấu.

Bên cạnh đó, trong năm 2017, Vinalines đã thực hiện thoái vốn tại 39 doanh nghiệp, trong đó thoái vốn toàn bộ, thu gọn đầu mối được 31 doanh nghiệp, thu về 2.428 tỷ đồng, lãi 360 tỷ đồng.

“Đây thực sự là cú huých không thể tốt hơn trước khi doanh nghiệp “anh cả” trong lĩnh vực vận tải và khai thác cảng tiến hành IPO trong quý I/2018”, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đánh giá.

Được biết, trong tờ trình Chính phủ về phương án cổ phần hóa (CPH) Vinalines hồi cuối tháng 12/2017, Bộ GTVT đã đề xuất lựa chọn hình thức CPH là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ cho Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Cụ thể, Vinalines có số vốn điều lệ dự kiến sau CPH là 13.916 tỷ đồng (tương đương 1,391 tỷ cổ phần mệnh giá 10.000 đồng), trong đó, cổ đông Nhà nước sở hữu 904,5 triệu cổ phần, tương đương 65% vốn điều lệ.

Được biết, ngoài số cổ phần bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên (khoảng 0,13% vốn điều lệ), Vinalines sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược khoảng 30% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại khoảng 67,324 triệu cổ phần, tương đương 4,84% vốn điều lệ sẽ được bán đấu giá công khai thông qua phương thức bán đấu giá, được tổ chức tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hà Nội với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần.

Trước đó, vào đầu tháng 12/2017, trên cơ sở đề nghị của Vinalines, Bộ GTVT đã phê duyệt giá trị thực tế doanh nghiệp để CPH Công ty mẹ - Vinalines tại thời điểm 31/12/2016 là 18.094,9 tỷ đồng, trong đó, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước là 11.946 tỷ đồng.

“Thời điểm trình phương án CPH, chưa có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia làm nhà đầu tư chiến lược Vinalines, vì vậy, việc lựa chọn và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật sau khi Phương án CPH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/vinalines-lan-dau-tam-biet-diep-khuc-tu-lo-toi-hoa-d76220.html