Vinalines chi bao tiền mua lại 75,01% cổ phần cảng Quy Nhơn từ công ty Hợp Thành?

Vinalines đã chính thức trở thành cổ đông sở hữu 75,01% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần cảng Quy Nhơn. Đây là số cổ phần đã được bán sai cho Công ty Hợp Thành với giá khoảng 404 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra, Vinalines chi bao nhiêu tiền để mua lại số cổ phần này?

Chi tiền mua cổ phần đã bán sai!

Ngày 31/5, lãnh đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) xác nhận, Quyền Tổng giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Tĩnh vừa ký công văn hỏa tốc gửi Ủy ban Chứng khoáng Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoáng Hà Nội để công bố thông tin bất thường về việc nhận chuyển giao 75,01% cổ phần cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, số cổ phần này trước đây do Nhà nước nắm giữ, được chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Đầu tư và khoáng sản Hợp Thành (Hà Nội) khi cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, nhưng bị Thanh tra Chính phủ kết luận là việc chuyển nhượng trái quy định pháp luật nên phải thu hồi. Được biết, số tiền mà Công ty Hợp Thành mua 75,01% cổ phần cảng Quy Nhơn trước đây là khoảng 404 tỉ đồng.

Vinalines chính thức trở thành cổ đông sở hữu 75,01% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần cảng Quy Nhơn. Ảnh: Dũ Tuấn.

Vinalines chính thức trở thành cổ đông sở hữu 75,01% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần cảng Quy Nhơn. Ảnh: Dũ Tuấn.

Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, trong ngày 27/5, Vinalines đã hoàn trả cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành số tiền đã nhận khi chuyển nhượng 75,01% vốn điều lệ cảng Quy Nhơn là hơn 415 tỉ đồng.

Công ty Hợp Thành đã thực hiện các thủ tục theo quy định để chuyển quyền sở hữu 30.312.262 cổ phần cảng Quy Nhơn cho Vinalines qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

Ngày 29/5, VSD có thông báo đã thực hiện việc chuyển quyền sở hữu 30.312.262 cổ phần cảng Quy Nhơn từ công ty Hợp Thành sang Vinalines với ngày hiệu lực chuyển quyền sở hữu là ngày 29/5.

Như vậy, kể từ ngày 29/5 Vinalines đã chính thức trở thành cổ đông sở hữu 75,01% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần cảng Quy Nhơn.

Cần làm rõ ‘lợi ích nhóm’?

Liên quan đến vấn đề trên, trước đó từng trả lời phỏng vấn báo Dân Việt, cựu Bí thư Bình Định Tô Tử Thanh (nhiệm kỳ 1996-2001) cho biết, ông phản đối kịch liệt việc bán hết vốn sở hữu nhà nước tại cảng Quy Nhơn cho doanh nghiệp tư nhân. Bởi, cảng có tầm chiến lược, không chỉ kinh tế mà còn cả an ninh, quốc phòng. Vị trí, hoạt động của cảng Quy Nhơn gắn với khu vực Tây Nguyên, các vùng Đông Bắc Campuchia, hạ Lào nên để tư nhân nắm giữ là một điều rất sai lầm.

Ông Thanh cho rằng, việc Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận (vào tháng 9.2018) đã phơi bày trước ánh sáng với hàng loạt sai phạm của tổ chức, cán bộ trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại cảng Quy Nhơn. Quyết định này rất hợp lòng dân, thế nhưng câu chuyện xử lý sai phạm đằng sau kết luận của thanh tra thì lại quá chậm.

“Chẳng biết có chuyện ‘đi đêm’ để mua cảng giá rẻ hay không nhưng sai phạm đã rõ ràng rồi thì phải xử nhanh chóng. Nếu cứ để kéo dài thì tôi nghĩ không cần thiết, tạo kẽ hở chạy tội”, ông Thanh nói.

Hoạt động sầm uất bên trong cảng Quy Nhơn. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ông Thanh cũng cho rằng: “Việc bán hết vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn là sai trái với chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước. Cảng là tài sản chung của Nhà nước của nhân dân, không thể nào mang bán hết cho tư nhân được. Họ lợi dụng cổ phần hóa để ‘biến’ tài sản quốc gia cho tư nhân thì quá coi thường pháp luật, cần phải xử lý nghiêm minh tổ chức, cá nhân đã mang bán cảng Quy Nhơn cho tư nhân với giá rẻ”.

Cựu Bí thư Bình Định Tô Tử Thanh cũng đưa ra 3 vấn đề cốt lõi cần được làm rõ đó là: tổ chức, cá nhân nào đã bán 100% vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn cho doanh nghiệp tư nhân? Ai đã xác định giá trị của cảng Quy Nhơn chỉ có 404 tỷ đồng. "Với giá trị này thì chỉ cần bán 2 cẩu và thương hiệu cảng Quy Nhơn là đủ. Cần làm rõ có tổ chức ‘lợi ích nhóm’ hoạt động ở đây hay không?".

Cũng từng trao đổi với phóng viên Dân Việt, cựu Bí thư tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà (nhiệm kỳ 2005-2010) cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần điều tra, làm rõ có hay không lợi ích nhóm trong phi vụ bán cảng Quy Nhơn “rẻ như cho”? Nếu có chuyện doanh nghiệp tư nhân dùng tiền “chi phí” bên ngoài với mục đích mua cảng giá rẻ thì thanh tra, cơ quan điều tra có thẩm quyền phải làm rõ và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với việc xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị có liên quan, cơ quan có thẩm quyền sẽ cân đối với những sai trái của các vụ án khác. Nếu thấy rằng, mức độ xử lý cán bộ có trách nhiệm còn nhẹ thì cần có quyết định mạnh tay hơn, để có sức răn đe làm gương cho các cán bộ đương chức.

Trước đó, tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra, chỉ rõ vi phạm, khuyết điểm của nhiều cá nhân, tổ chức trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn cho doanh nghiệp tư nhân.

Bộ GTVT đã bán trái phép cổ phần nhà nước tại đơn vị này. Văn phòng Chính phủ, tỉnh Bình Định cũng bị đề nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những vi phạm được nêu.

Đặc biệt, Thanh tra kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo thu hồi 75,01% cổ phần về sở hữu nhà nước vì Bộ này đã ban hành hai văn bản chuyển nhượng 26,01% cổ phần và 49% cổ phần tại công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp, trái thẩm quyền, vi phạm quy định.

Dũ Tuấn

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/vinalines-chi-bao-tien-mua-lai-7501-co-phan-cang-quy-nhon-tu-cong-ty-hop-thanh-984375.html