Vinafood 2 lỗ lũy kế 2.045 tỷ và chuyện xin làm BĐS

Lỗ lũy kế của Vinafood 2 đã lên tới 2.045 tỷ đồng, trong bối cảnh doanh nghiệp này vừa có đề xuất xin được làm BĐS, bán xăng dầu.

Báo cáo trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, Vinafood 2 cho biết, lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp lỗ ròng hơn 91 tỷ đồng, qua đó, nâng lỗ lũy kế Vinafood 2 lên 2.045 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh của Vinafood 2 ngập trong thua lỗ. Ảnh: Vietnamfinance

Hoạt động kinh doanh của Vinafood 2 ngập trong thua lỗ. Ảnh: Vietnamfinance

Đến cuối quý II/2019, Vinafood 2 ghi nhận nợ phải trả hơn 6.313 tỷ đồng, tăng 14% so với hồi đầu năm. Trong đó nợ ngắn hạn gần 5.018 tỷ đồng, tăng hơn 18%.

Tính từ năm 2015 đến nay, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) chỉ ghi nhận lỗ trong hoạt động kinh doanh.

Hiện tại Vinafood 2 có hai cổ đông chính là Ủy ban quản lý vốn Nhà nước nắm giữ 51,43% cổ phần và Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển nắm giữ 25% cổ phần.

Trước đó, Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã xin bổ sung 4 ngành nghề kinh doanh mới, trong đó có ngành kinh doanh bất động sản và đại lý xăng dầu.

Bàn về vấn đề này, TS Đinh Sơn Hùng – nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định: "Đây là điều rất không bình thường vì hầu hết các DNNN không có chức năng kinh doanh BĐS nhưng lại muốn mở rộng kinh doanh sang BĐS, đặc biệt là những doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa.

Lý do là vì, các DNNN khi chưa thực hiện cổ phần hóa đều sở hữu rất nhiều đất đai, tài sản công, nhiều diện tích đất rộng lớn nằm ở những vị trí trung tâm, có giá trị lớn.

Mặc dù hoạt động kinh doanh không hiệu quả nhưng những doanh nghiệp này lại có nguồn thu rất lớn từ việc cho thuê lại các nhà xưởng, trụ sở nằm ở các vị trí đất vàng.

Vì nguồn lợi quá lớn như vậy nên khi thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp này cũng không muốn buông mà lấy lý do đất cho thuê đang mang lại hiệu quả lớn cho cả xã hội, doanh nghiệp và nhà nước nên muốn tiếp tục được nắm giữ những diện tích đất vàng đó hoặc tiếp tục được sử dụng để cho thuê", ông Hùng nói.

DNNN xin làm BĐS sau cổ phần hóa: Không bình thường

Ông Hùng cảnh báo, cần thận trọng với những đề xuất xin làm BĐS của DNNN sau khi cổ phần hóa.

"Tôi e ngại, đây không phải là những kiến nghị hướng tới mục đích kinh doanh BĐS theo cơ chế thị trường đúng nghĩa mà là một cách khác nhằm tiếp tục nắm giữ các kho bãi ở những vị trí đất vàng để cho thuê lại, kiếm lợi.

Nếu yêu cầu trả lại cơ sở nhà đất, trả lại đất cho nhà nước tôi tin không doanh nghiệp nào sau cổ phần lại muốn làm BĐS.", ông Hùng lưu ý.

Từ những lo ngại trên, ông Hùng cho rằng, những doanh nghiệp sau khi đã thực hiện cổ phần hóa phải trả lại các diện tích đất đang được nhà nước cho thuê, đang thuê lại để sử dụng vào mục đích khác.

Thái An (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/vinafood-2-lo-luy-ke-2045-ty-va-chuyen-xin-lam-bds-3385992/