Vinaconex nợ thuế hàng trăm tỷ đồng

Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố cho thấy,

Vinaconex đang sở hữu khối tài sản giá trị khoảng 22.845 tỷ đồng, tổng doanh thu năm đạt 8.837 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 836 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vinaconex và các công ty con lại đang nợ ngân sách hơn 742,7 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ thuế.

Mẹ-con đều nợ thuế

Về tình hình thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước (NSNN), theo đánh giá của KTNN, cơ bản đã thực hiện kê khai, khấu trừ, báo cáo và nộp các loại thuế theo quy định. Đến thời điểm 31-12-2016, tổng số thuế còn phải nộp của đơn vị theo báo cáo khoảng 297,7 tỷ đồng, nhưng số nợ NSNN theo cơ quan kiểm toán xác định lên tới 742,7 tỷ đồng, chênh lệch 445 tỷ đồng.

Hàng loạt các khoản nợ NSNN của Vinaconex và các công ty con: nợ thuế GTGT 166 triệu đồng, thuế TNDN 8,47 tỷ đồng, thuế TNCN 3 tỷ đồng, thuế nhà đất và tiền thuê đất 8,2 tỷ đồng, thuế tài nguyên 538,5 triệu đồng, nợ phí và lệ phí 859,4 triệu đồng… Đáng lưu ý, nợ NSNN của Vinaconex và các công ty con được KTNN phát hiện lần này tập trung chủ yếu ở công ty con Vinaconex 2, nợ 414,4 tỷ đồng, và các khoản phát sinh phải nộp của công ty mẹ cùng các công ty con khoảng 357,3 tỷ đồng.

Hiện vốn nhà nước tại Vinaconex do SCIC nắm giữ khoảng 2.552,5 tỷ đồng, chiếm 57,79%, còn lại là vốn đầu tư của Viettel và các cổ đông khác. Nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Vinaconex là 2,1 lần, tương ứng số nợ 15.360 tỷ đồng/vốn sở hữu khoảng 7.310 tỷ đồng. Công tác quản lý nợ phải trả tại Vinaconex còn nhiều hạn chế, công ty con VSG nợ quá hạn thanh toán khoảng 86,5 tỷ đồng và không có khả năng thanh toán.

Bên cạnh đó, cơ quan kiểm toán cũng xác định công ty mẹ Vinaconex phải nộp vào ngân sách cho TP Hà Nội số tiền 25,4 tỷ đồng chênh lệch thu được từ thực hiện dự án chung cư 17T12, và nộp NSNN 16,3 tỷ đồng kinh phí thừa từ nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Láng Hòa Lạc do ngân sách cấp.

Đối với công ty liên kết, qua kiểm toán kiến nghị tăng thu 362 triệu đồng tiền thuế các loại. Việc nợ NSNN hàng trăm tỷ đồng của Vinaconex và các công ty con, theo cơ quan kiểm toán do chưa ghi nhận đầy đủ doanh thu trong kỳ, giảm thuế GTGT không đủ điều kiện khấu trừ, kết quả kiểm toán tại Vinaconex và các công ty con làm tăng thuế TNDN, kê khai thiếu thuế TNCN, hạch toán sai tiền thuế đất, xác minh thiếu phí môi trường…

Bất cập quản lý, sử dụng đất đai

Số liệu KTNN cũng ghi nhận, hiện Vinaconex và các công ty con đang quản lý, sử dụng 11.935.643,1m2 (1.193,5ha); kiểm toán khoảng 662,2ha nhưng báo cáo của tổng công ty 531,2ha, trong đó diện tích đất được giao làm dự án văn phòng cho thuê và nhà ở khoảng 30,1ha. Kiểm tra hồ sơ tại các đơn vị, còn tồn tại nhiều sai phạm.

Tại CTCP Vinaconex Sài Gòn (VSG), toàn bộ diện tích 139.492m2 đất thuê 50 năm tại Bến Lức (Long An) từ 2012-2016 chưa kê khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, dẫn đến xác định thiếu tiền nộp ngân sách 136 triệu đồng. Công ty Viwasupco chưa làm hợp đồng thuê đất, cũng chưa làm các thủ tục miễn giảm tiền thuê đất.

Hầu hết chỉ tiêu quy hoạch Khu đô thị Kim Văn-Kim Lũ đều điều chỉnh tăng cao.

Hầu hết chỉ tiêu quy hoạch Khu đô thị Kim Văn-Kim Lũ đều điều chỉnh tăng cao.

Tại khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, Công ty Vinaconex 2 đã thi công xong hạ tầng kỹ thuật của dự án, tuy nhiên việc bàn giao cho một số nhà đầu tư thứ cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật để đầu tư hạ tầng xã hội chưa thực hiện được, do nhà đầu tư thứ cấp chậm nhận bàn giao hạ tầng (Công ty Đông Đô đầu tư trường học, Trung tâm Phát triển quỹ đất đầu tư trung tâm thương mại, bãi đỗ xe).

Do vậy, Vinaconex 2 chưa thu hồi được chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giá trị hàng tồn kho lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, Vinaconex 2 chưa thực hiện quyết toán chi phí đầu tư hạ tầng khu đô thị Kim Văn-Kim Lũ để trình TP Hà Nội phê duyệt giá chính thức chuyển nhượng hạ tầng, nhưng Vinaconex 2 lại tính giá trị chuyển nhượng hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp, điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách của dự án.

Điều đáng nói là, sau khi triển khai đầu tư, Vinaconex 2 đã trình liên ngành TP thẩm định và UBND TP phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 của dự án Kim Văn-Kim Lũ, và hầu hết các chỉ tiêu quy hoạch đều điều chỉnh tăng cao. Trong đó, diện tích đất xây dựng tăng 9.279m2, diện tích sàn xây dựng tăng 554.869m2, mật độ xây dựng các ô đất hầu hết tăng từ 5,5-19,4%, hệ số sử dụng đất tăng từ 0,8 lần lên 10,9 lần, chiều cao bình quân các tòa nhà tăng từ 0,5-34,2 tầng, quy mô dân số theo quy hoạch điều chỉnh tăng 5.782 người, trong khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật đường sá, cây xanh, bãi đỗ xe… và hạ tầng xã hội giữ nguyên không thay đổi.

Một số dự án do công ty mẹ Vinaconex thực hiện như Trường tiểu học Lý Thái Tổ (Khu Trung Hòa-Nhân Chính), Trường trung cấp Xây dựng Thanh Hóa, Trường trung cấp nghề kỹ thuật xây dựng và nghiệp vụ (Vĩnh Phúc) chưa làm thủ tục chuyển từ hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất theo quy định. Vinaconex cũng chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất, chưa lập hồ sơ thuê đất tại khu đất số E10 phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân (Hà Nội), dẫn đến Thanh tra Bộ Tài nguyên-Môi trường đã kiến nghị TP Hà Nội thu hồi khu đất này.

Đăng Tuân

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/bat-dong-san/vinaconex-no-thue-hang-tram-ty-dong-55209.html