Vinaconex đang 'lấn sân' sang mảng hạ tầng giao thông

Được biết đến là một doanh nghiệp chuyên về xây lắp và đầu tư bất động sản, nhưng Vinaconex hiện đang đẩy mạnh đầu tư sang mảng hạ tầng giao thông.

Bén duyên với mảng hạ tầng giao thông

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã chứng khoán VCG) là một “ông lớn” trong ngành xây dựng, đồng thời cũng đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại Việt Nam.

Tham vọng này được thể hiện rõ nét qua câu nói của ông Đào Ngọc Thanh, đại diện nhóm nhà đầu tư An Quý Hưng, ngay trước thềm được bầu làm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vinaconex nhiệm kỳ 2017 - 2022, khi ông Thanh phát biểu muốn “đưa tên của Vinaconex lên trên các tòa nhà”.

Chủ tịch HĐQT Vinaconex ông Đào Ngọc Thanh là một người khá kín tiếng. Ông sinh ngày 30/12/1946 tại Hồng Thái, Ninh Giang, Hải Dương

Chủ tịch HĐQT Vinaconex ông Đào Ngọc Thanh là một người khá kín tiếng. Ông sinh ngày 30/12/1946 tại Hồng Thái, Ninh Giang, Hải Dương

Tuy nhiên, Vinaconex trong thời gian gần đây lại khiến nhiều người bất ngờ khi có xu hướng chuyển hướng mạnh sang mảng hạ tầng giao thông với hàng loạt dự án lớn, quy mô mỗi dự án lên đến ngàn tỷ đồng.

Bản thân Vinaconex trong năm 2020 cũng từng cho biết sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư vào các dự án BOT hạ tầng giao thông trọng điểm để tạo công ăn việc làm cho cả Tổng công ty.

Tính đến nay, trên cương vị nhà thầu, nhà đầu tư, Vinaconex đã từng tham gia hàng loạt các dự án giao thông như với giá trị khủng như: Cao tốc Láng – Hòa, cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội – Bắc Giang, Hà Nội – Hải Phòng, cầu Nhật Tân,…

Nổi bật nhất là Dự án mở rộng và hoàn thiện đường cao tốc Láng – Hòa Lạc với tổng mức đầu tư 7.527 tỷ đồng, giá trị thực hiện 6.120 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Vinaconex cũng thực hiện gói thầu A8 trong Dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai có giá trị 1.627 tỷ đồng, dài gần 30km và là vị trí đấu nối với đường cao tốc Côn minh – Hà Khẩu – Trung Quốc.

Mới đây, Liên danh Tổng Công ty Vinaconex - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính cũng vừa trúng gói thầu đầu tiên trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông với gói thầu XL-03, dự án xây dựng đoạn đườg Phan Thiết – Dầu Giây, có giá trị là 2.300 tỷ đồng.

Bên cạnh tham gia hàng loạt các dự án giao thông, Vinaconex và các công ty con cũng “chen chân” nhiều lĩnh vực kinh doanh đa dạng.

Trong đó, đáng chú ý nhất Dự án khu đô thị du lịch Cái Giá - Cát Bà Amatina tại CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex – một công ty thành viên hiện do Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam nắm giữ 53,33% cổ phần.

Trong năm 2020, UBND TP Hải Phòng đã đồng ý chủ trương để CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex tiếp tục triển khai thực hiện dự án khu đô thị du lịch Cái Giá - Cát Bà Amatina nằm tại huyện Cát Hải.

Theo tìm hiểu, dự án Cát Bà Amatina có quy mô 172 ha với tổng mức đầu tư là 1 tỷ USD, vốn được xem là dự án trọng điểm của Vinaconex từ hàng chục năm trước.

Dự án nằm tại cửa ngõ trung tâm khu du lịch đảo Cát Bà, nhìn ra vịnh Cái Giỏ, vịnh Tùng Thu và ngay cạnh vịnh Hạ Long. Chủ đầu tư của dự án là CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex.

Cuộc tháo chạy khỏi dự án Spendora Bắc An Khánh

Được biết, Vinaconex vừa tiến hành giai đoạn tái cấu trúc, sau thông tin công bố hoàn tất giao dịch chuyển nhượng toàn bộ cổ phần góp tại Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) vào ngày 9/9/2020.

Theo đó, An Khánh JVC không còn là công ty liên kết của Vinaconex. Trước đó, ngày 14/8, Vinaconex đã công bố thông tin về việc tái cấu trúc phần vốn của Tổng công ty tại An Khánh JVC.

Được biết vào năm 2017, Posco E&C từng chuyển nhượng 50% phần vốn góp tại An Khánh JVC với mức giá lên tới 683 tỷ đồng.

Dự án dự án Splendora Bắc An Khánh. (Ảnh: Dân trí)

Sau đó, các nhóm cổ đông mới tham gia Vinaconex và xảy ra mâu thuẫn nên dự án cũng không được triển khai, dẫn tới khó khăn về dòng tiền. Trong khi đó, khoản nợ vay tài chính của An Khánh JVC đến nay đã là 3.406 tỷ đồng. Số tiền này làm phát sinh chi phí tài chính hàng năm rất lớn, tăng áp lực tài chính và tăng số lỗ lũy kế của công ty.

Vì vậy, sau khi hoàn thành giai đoạn một vào năm 2013, bị đình trệ gần 5 năm do các nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Điều này cũng gây ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu đầu tư bất động sản của Vinaconex trên thị trường, nhất là tại một dự án vốn được đánh giá tiềm năng như khu đô thị mới Bắc An Khánh.

Cùng với việc Vinaconex thoái vốn khỏi An Khánh VJC, hai cổ đông Star Invest và BĐS Cường Vũ đã bán ra toàn bộ gần 29% cổ phần tại Vinaconex để giảm tỷ lệ sở hữu về 0%.

Ngay sau đó, hai thành viên HĐQT Vinaconex gồm ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà đồng thời xin từ chức từ ngày 7/9. Ngoài ra, thành viên Ban kiểm soát Nguyễn Xuân Đại cũng từ chức vì lí do cá nhân.

Phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Vinaconex

Vinaconex đang xa rời lĩnh vựng xây dựng truyền thống?

Tính đến 30/6/2020,VCG có 18.644 tỷ đồng tổng tài sản, trong đó 11.469 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn đang tập trung chủ yếu ở các khoản phải thu ngắn hạn (7.314 tỷ đồng) khiến doanh nghiệp đang phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới 551 tỷ đồng.

Xét về nguồn thu từ các lĩnh vực mà Vinaconex đầu tư cho thấy, tổng cơ cấu doanh thu những năm gần đây có chiều hướng đi xuống.

Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2018 đạt 9.731 tỷ đồng, đến quý II/2020 chỉ đạt gần 2.534 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm nay, đạt tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp là hoạt động xây lắp với 1.511 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng doanh thu.

Đứng thứ hai đến từ hoạt động doanh thu sản xuất công nghiệp với hơn 424 tỷ chiếm 16,8 %, thứ ba là doanh thu từ dịch vụ thuê, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác đạt gần 441 tỷ đồng, chiếm 17,4 %.

Doanh thu từ hoạt động xây lắp và hoạt động kinh doanh bất động sản giảm mạnh.

Đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản xếp thứ 4/5 lĩnh vực mang lại nguồn thu cho Vinaconex, đạt 105,5 tỷ đồng, chỉ chiếm gần 4%.

Cuối cùng, đem lại nguồn thu ít nhất từ hoạt động giáo dục, chỉ đạt 51,9 tỷ đồng, chiếm vỏn vẹn 2,1% trong cơ cấu doanh thu.

Mặc dù lĩnh vực xây dựng chiếm đến 60% tổng doanh thu, nhưng các số liệu báo cáo kết quả kinh doanh những năm gần đây, nguồn thu từ lĩnh vực chủ đạo này có chiều hướng đi xuống.

Năm 2018 đạt gần 5.785 tỷ đồng, năm 2019 đạt 5.225 tỷ đồng và đến 6 tháng đầu năm 2020 giảm xuống chỉ còn gần 2.534 tỷ đồng.

Tương tự, trong lĩnh vực bất động sản, doanh thu năm 2019 đạt 2.063 tỷ đồng, đến 30 tháng 6 năm nay chỉ còn 105,6 tỷ đồng.

Vinaconex vốn được biết đến với nhiều dự án bất động sản quy mô.

Xây dựng và bất động sản vốn được biết đến là hai lĩnh vực then chốt của Vinaconex, nhưng doanh thu ngày đi xuống, trong khi doanh nghiệp này đã có xu hướng chuyển dịch tham gia đàu tư hạ tầng.

Cùng với đó, Vinaconex đang không ngừng chuyển hướng mạnh sang mảng hạ tầng giao thông với hàng loạt dự án lớn, quy mô mỗi dự án lên đến vài ngàn tỷ đồng. Vì vậy, không ít nhà đầu tư phải đặt ra dấu hỏi, phải chăng doanh nghiệp này đang rời xa giá trị cốt lõi và mục tiêu trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng?

Vào đầu tháng 10/2020, nhiều tờ báo đăng tải thông tin cho biết, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG).

Theo đó, với vốn điều lệ hơn 4.417 tỷ đồng, Vinaconex sẽ đăng ký niêm yết hơn 441,71 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE. Tổ chức tư vấn đăng ký niêm yết là CTCP Chứng khoán Bảo Việt.

Là cổ phiếu thuộc ngành xây dựng, VCG chính thức niêm yết trên sàn HNX từ đầu tháng 9/2008 với mức giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 39.600 đồng/CP.

Đóng cửa phiên 14/10, cổ phiếu VCG đứng tại mức giá 41.300 đồng/CP.

Lê Hải (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/vinaconex-dang-lan-san-sang-mang-ha-tang-giao-thong-d137850.html