VinaCapital đặt cược vào logistics, fintech và truyền thông kỹ thuật số

Trong khi các nhà đầu tư đang đặt cược rất nhiều vào lĩnh vực Internet hay chăm sóc sức khỏe, Công ty quản lý tài sản VinaCapital tại Việt Nam lại tin rằng cơ hội trong lĩnh vực logistics là rất lớn và có thể tạo ra kỳ lân tiếp theo của Việt Nam.

Ông Don Lam - Đồng sáng lập, CEO VinaCapital

“Chúng tôi tin rằng các cơ hội trong lĩnh vực logistics là rất lớn và chú kỳ lân tiếp theo của Việt Nam sẽ xuất hiện trong lĩnh vực này – đó là lý do chúng tôi đầu tư vào LOGIVAN và FastGo. Chi phí cho các dịch vụ logistics chiếm một phần rất lớn trong khu vực, nếu không muốn nói là cao nhất và các công ty startup với mục tiêu thay đổi điều này chắc chắn sẽ làm tốt,” đồng sáng lập và CEO VinaCapital, ông Don Lam nhận định.

VinaCapital cũng tin rằng lĩnh vực fintech sẽ mang lại nhiều tiềm năng, đặc biệt khi khả năng thâm nhập thị trường của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam hiện nay còn thấp.

Ngân hàng Việt Nam còn quá truyền thống, chưa áp dụng nhiều công nghệ trong quy trình vận hành, phân khúc này chín muồi do sự gián đoạn và đổi mới, ông Lam nói.

“Cuối cùng, phương tiện truyền thông/giải trí kỹ thuật số có thể sẽ tạo ra kỳ lân mới khi ngành này đang phát triển mạnh trong giới trẻ ngày càng giàu có của Việt Nam,” Dealstreetasia dẫn lời ông Don Lam bên lề hội nghị Fintech Singapore 2018.

Việt Nam bắt đầu tạo ra những kỳ lân đầu tiên vào năm 2016, khi công ty internet VNG Corporation đạt giá trị 1 tỷ USD. VinaCapital tin rằng logistics, fintech và truyền thông kỹ thuật số sẽ tạo ra “chú kỳ lân” tiếp theo của Việt Nam.

Theo một báo cáo gần đây của Bain & Company, khu vực Đông Nam Á đang bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới. Khu vực này sẽ tạo ra ít nhất 10 chú kỳ lân vào năm 2024 - những công ty khởi nghiệp nhanh chóng đạt được giá trị thị trường từ 1 tỷ USD trở lên.

Cũng theo nghiên cứu của Bain & Company, Việt Nam được dự đoán sẽ “soán ngôi” Singapore trong thu hút đầu tư ở thị trường đầu tư mạo hiểm và đầu tư tư nhân trong khu vực Đông Nam Á.

Bain & Company cho biết các nhà đầu tư đang hướng mục tiêu mới về khu vực Đông Nam Á. Khu vực này thu hút các nhà đầu tư bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô tăng trưởng mạnh mẽ, cơ hội đầu tư vào các thị trường mới nổi và một thị trường thứ cấp sâu hơn cho các giao dịch ở nhiều quy mô. Các công ty công nghệ đã thu hút phần lớn nguồn vốn mới, số lượng thương vụ năm 2017 tăng 40% so với năm 2014.

Kể từ năm 2012, 10 kỳ lân, trong đó có Grab, Go-Jek và Traveloka, đã tạo ra một giá trị thị trường 34 tỷ USD, đưa khu vực Đông Nam Á lên vị trí thứ ba trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Các tác giả của báo cáo trên đều mong đợi công nghệ sẽ đóng góp từ 20 đến 40% giá trị các thương vụ trong 5 năm tới, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ tài chính.

Trước đó, Ernst&Young Việt Nam lưu ý rằng tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh ở các quốc gia Đông Nam Á là cao. Điều này dẫn đến tiềm năng tăng trưởng lớn của các doanh nghiệp gắn với công nghệ thông tin và lĩnh vực thương mại điện tử. Ernst&Young Việt Nam nhận định:"Các ngành như logistics cũng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.”

Hoàng Lan

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/vinacapital-dat-cuoc-vao-logistics-fintech-va-truyen-thong-ky-thuat-so-20180504224216363.htm