Vina T&T Group: Doanh nghiệp góp phần đưa trái cây xuất ngoại

Công ty Vina T&T Group là doanh nghiệp đầu tiên đưa trái thanh long vào thị trường Mỹ và cưa 50% thị phần trái dừa của thị trường này.

 Lễ xuất khẩu lô trái cây đầu tiên và thị trường châu Âu tại công ty Vina T&T Group. Ảnh: Minh Đảm.

Lễ xuất khẩu lô trái cây đầu tiên và thị trường châu Âu tại công ty Vina T&T Group. Ảnh: Minh Đảm.

Từng cho xe chở trái cây ra... bãi rác

Ngày 17/9/2020 vừa qua, dưới sự chủ trì của Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Bến Tre, Công ty Vina T&T đã làm lễ xuất khẩu lô trái cây đầu tiên vào thị trường châu Âu, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.

Lô hàng 20.000 trái dừa xiêm xuất vào thị trường Anh, 12 tấn bưởi da xanh vào thị trường thị trường Đức, 3 tấn thanh long đến với thị trường Hà Lan. Tổng giá trị lô hàng này khoảng 75.000 USD.

Không ngẫu nhiên mà Vina T&T được Bộ NN-PTNT chọn để công bố sự kiện trọng đại của ngành hàng trái cây Việt Nam. Bởi đây là một trong những doanh nghiệp có kinh nghiệm và hệ thống khách hàng lớn trên đất Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Úc. Đặc biệt là hệ thống thị trường châu Âu.

Trước đó, năm 2008 Vina T&T còn là doanh nghiệp đầu tiên đưa trái thanh long xuất khẩu sang Mỹ khi thị trường này mở cửa. Tuy thanh long được Vina T&T đưa sang Mỹ nhưng cuộc chiến trụ lại không hề dễ dàng.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group nhớ lại: “Năm 2008 khi chuyển qua mảng trái cây, thanh long chính là lô hàng đầu tiên mà công ty xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Đó cũng là năm mà Hoa Kỳ mở cửa cho trái cây Việt Nam và thanh long là mặt hàng đầu tiên được vào thị trường này.

Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, cho rằng trái cây thu hoạch xong cho qua chiếu xạ rồi xuất khẩu là được. Nhưng không ngờ tác động của chiếu xạ rất lớn, nên mấy container thanh long xuất bằng đường biển cập cảng Hoa Kỳ là… phải cho xe chở thẳng ra bãi rác bỏ luôn, bởi tất cả đều bị vàng trái hoặc hỏng.

Đến năm 2012, lại xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến hoạt động kinh doanh của công ty liên tiếp bị thất bại. Buồn chán, tôi muốn bỏ cuộc. Nhưng nhờ người thân khuyên giải và mãi đến tháng 8/2014 tôi mới quay trở lại xuất khẩu trái cây”.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (áo xanh nhạt) thăm nhà máy đóng gói của Vina T&T Group Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Trong những năm đó, ông Nguyễn Đình Tùng tập trung nghiên cứu sâu các bài học kinh nghiệm để tránh đi lại vết xe đổ. Khi xuất khẩu trở lại, những lô thanh long sau đó đạt thành công 80%, đến năm 2015 thành công 100%. Công ty vừa nghiên cứu công nghệ bảo quản, vừa tìm hướng đa dạng sản phẩm.

Năm 2013, họ bắt đầu xuất khẩu nhãn sang Hoa Kỳ, rồi đến chôm chôm… Đó là tiền đề để Vina T&T Group phát triển cho đến nay và trở thành doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Canada.

Kinh nghiệm để trụ lại ở Mỹ

Vượt qua những khó khăn trong những ngày đầu thành lập, Vina T&T Group đã không ngừng đầu tư và phát triển để trở thành đơn vị xuất khẩu trái cây hàng đầu vào những thị trường khó tính.

Đơn cử, vào tháng 7/2017, Công ty xuất khẩu lô dừa xiêm Bến Tre (18.000 trái) đầu tiên vào thị trường Mỹ. Tháng sau, tăng lên 40.000 trái, dù trước đó nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu dừa tươi sang đây không cạnh tranh được với dừa Thái Lan đang bán trên đất Mỹ.

“Lần đầu tiên uống trái dừa xiêm vùng ven biển Bến Tre cho tôi cảm giác rất thơm, ngon, ngọt và có mùi vị rất đặc trưng so với dừa của Thái Lan. Chính vì vậy tôi quyết định xuất khẩu container dừa tươi đầu tiên qua Mỹ. Đến năm 2020 chúng tôi đã chia được 50% thị phần dừa tươi tại thị trường này với Thái Lan”, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết.

Từ đó, ông Tùng cho rằng: Phải tìm hiểu rõ về nhu cầu mỗi thị trường, đối tượng cạnh tranh, đặc biệt là các rào cản kỹ thuật, càng nắm chắc càng bước chắc. N

hư thị trường Mỹ, yêu cầu phải có mã số vùng trồng, mã số đóng gói do phía Mỹ cấp, chứ không hẳn là các chứng chỉ như GlobalGAP hay VietGAP. Nhưng thị trường châu Âu lại yêu cầu phải có GlobalGAP, chứng chỉ môi trường, ISO hay HACCP…

Hay với việc tồn dư chất cấm, có những chất ở Nhật Bản, Mỹ, Úc không cấm nhưng châu Âu lại cấm. Vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường trên phải hết sức chú ý.

Vina T&T Group đã chiếm 50% thị phần dừa tươi tại thị trường Mỹ. Ảnh: Minh Đảm.

“Là một quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, nông sản luôn là nhóm hàng chủ lực trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các nhà nhập khẩu, đồng thời nâng cáo giá trị và khả năng cạnh tranh nông sản Việt thì nhà vườn và các doanh nghiệp phải phát triển trái cây bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Các hoạt động trồng trọt, chế biến, bảo quản, thu hoạch cũng phải bảo đảm tuân thủ các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu. Thực tế thời qua các công ty thành viên của Vina T&T Group chuyên về xuất khẩu nông sản phát triển và mở rộng thị trường theo hướng đi này”, Tổng Giám đốc Vina T&T Group chia sẻ.

Năm 2015, sau khi xuất khẩu lô thanh long đầu tiên qua thị trường Mỹ, từ đó công ty đã thâm nhập rộng vào thị trường trái cây tại đây. Năm 2016, ngoài thanh long, Vina T&T còn xuất khẩu thêm nhiều loại trái cây khác qua thị trường Mỹ như: chôm chôm, nhãn.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2016 công ty Vina T&T đứng thứ nhất về xuất khẩu trái cây sang thị trường Mỹ với tiêu chuẩn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Năm 2017, Vina T&T tiếp tục xuất khẩu lô dừa, sầu riêng, vú sữa qua thị trường Mỹ và tự hào khi có thể cạnh tranh được với Thái Lan về trái dừa xuất khẩu tại Mỹ. Ngoài ra, công ty còn đưa nhãn Sơn La, Tây Bắc thâm nhập thị trường Mỹ. Trái cây xuất khẩu của Vina T&T chiếm hơn 50% thị trường tại quốc gia này.

Xây dựng vùng trồng là chìa khóa

Đặc biệt, Công ty Vina T&T Group đã được cấp mã số vùng trồng để xuất đi Mỹ bao gồm hơn 100ha nhãn ở Châu Thành (Đồng Tháp), 100ha thanh long ở Chợ Gạo (Tiền Giang).

Bên cạnh đó, công ty còn xây dựng mối quan hệ đối tác với nhà vườn tại các tỉnh Bến Tre, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Thơ, Hưng Yên, Sơn La, Hậu Giang.

Ngoài việc liên kết hợp tác với các vùng trồng trái cây, Vina T&T còn đầu tư xây dựng các nhà máy đóng gói chuẩn HACCP, FDI với hệ thống trang thiết bị hiện đại đồng bộ cùng hệ thống kho lạnh bảo quản tại các điểm rốn để thuận tiện cho thu mua, chế biến và xuất khẩu nông sản cũng như đáp ứng về các điều kiện chất lượng nông sản khi xuất khẩu qua các thị trường nước ngoài.

Để làm được điều này, doanh nghiệp phải có đủ nguồn lực tài chính để xây dựng được vùng trồng, vì cứ mỗi 2 năm mất chi phí 2.000 USD để được cấp tiêu chuẩn GlobalGAP.

Chưa kể, ngay đầu vụ phải đặt cọc cho nông dân số tiền 50 triệu đồng/ha để mua nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải uy tín với nông dân.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Đình Tùng sinh năm 1978, từng công tác trong ngành công an, khởi nghiệp trong lĩnh vực vận chuyển. Sau gần 10 năm xuất khẩu nông sản và gần 8 năm xuất khẩu trái cây, ông Tùng đã đưa Vina T&T Group trở thành doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn của Việt Nam.

Hiện Công ty có hai nhà máy đóng gói đạt tiêu chuẩn đi Mỹ và một nhà máy đóng gói đạt tiêu chuẩn HACCP.

Sự cố trái thanh long không xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hồi đầu năm do Covid-19, khiến giá giảm chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg.

Nhưng nhờ có kho lạnh dự trữ, Vina T&T đã mua cho nông dân trong vùng liên kết cũng như bà con sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với giá 15.000-18.000 đồng/kg.

Việc này, vừa giữ uy tín của doanh nghiệp với nông dân cũng như góp phần giải cứu cho trái cây này.

Trên nền tảng kinh nghiệm và năng lực sẵn có, Vina T&T đã thiết lập một hệ thống khách hàng tại nhiều thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Hà Lan, Ấn Độ và đang hướng đến một số thị trường mới như Úc và Canada.

Với kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt 5 triệu đô la năm 2016, và tăng trưởng mỗi năm 20%, Vina T&T khẳng định vị thế hàng đầu của mình.

MINH ĐẢM

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/vina-tt-group-doanh-nghiep-gop-phan-dua-trai-cay-xuat-ngoai-d275763.html