Viettel, VNPT, Bkav... đồng loạt tuyển dụng sinh viên năm 3, 4 làm thực tập sinh an toàn thông tin

Vài năm trở lại, hình thức tuyển dụng thực tập sinh từ sinh viên năm thứ 3, 4 được hàng loạt doanh nghiệp như Viettel, VNPT, Bkav, VNCS, CyStack...áp dụng. Mô hình này mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên an toàn thông tin sớm được tiếp cận với thực tế công việc tại doanh nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng, việc sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường gia nhập sớm vào “guồng máy” của doanh nghiệp ở vị trí thực tập sinh cần được khuyến khích (Ảnh minh họa)

Cựu sinh viên ngành An toàn thông tin (khóa 9) của Học viện Kỹ thuật Mật mã - Lê Phạm Thiên Hồng Ân tiếp cận với môi trường doanh nghiệp từ khá sớm. Khi đang học năm thứ 2, Hồng Ân đi làm tại một công ty về khảo sát với vị trí thực tập Sys-Admin (quản trị hệ thống - PV). Tiếp đó, năm thứ 4 đại học, sau 1 thời gian tập trung nghiên cứu chuyên sâu 1 mảng trong lĩnh vực An toàn thông tin (ATTT), Hồng Ân đã nhận vào làm tại Trung tâm An ninh mạng Viettel chuyên khai thác lỗ hổng phần mềm.

Với Thủ khoa ngành đầu ra “lứa” kỹ sư ngành ATTT đầu tiên (khóa 2013-2018) của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) Nguyễn Tất Hậu, cựu sinh viên PTIT này đã tham gia vào môi trường làm việc tại Trung tâm An ninh mạng Viettel từ đầu năm thứ 3 với vai trò thực tập sinh và gắn bó với đơn vị này cho đến nay.

Hồng Ân và Tất Hậu là 2 trong rất nhiều sinh viên theo học các ngành CNTT, ATTT đã tham gia tiếp cận với môi trường làm việc tại các doanh nghiệp từ khá sớm, với vai trò của những thực tập sinh.

Trao đổi với ICTnews, cựu sinh viên PTIT Nguyễn Tất Hậu chia sẻ, cái được lớn nhất khi đi làm ngay từ khi đang ngồi ghế nhà trường chính là được tiếp cận với những kiến thức mới nhất của ngành, được thực hành trên hệ thống thực tế, được tham gia trực tiếp vào các dự án doanh nghiệp được triển khai, từ đó có nhiều cơ hội trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nâng cao trình độ của bản thân.

Trên thực tế, mô hình tuyển dụng thực tập sinh từ sinh viên của các trường uy tín trong đào tạo lĩnh vực CNTT, ATTT như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghệ-ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Mật mã, PTIT... đã được các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ATTT như Bkav, VNCS áp dụng từ nhiều năm trước. Song thời gian gần đây, cách làm này đã được hàng loạt doanh nghiệp CNTT, ATTT triển khai, coi đây là một giải pháp hữu hiệu để gia tăng đội ngũ nhân sự ATTT chất lượng cao.

Đơn cử như, trong tháng 1/2019, CyStack - một startup hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng, đang đăng tuyển 10 vị trí thực tập an ninh mạng, với yêu cầu ứng viên là những sinh viên đại học năm thứ 2, 3 các ngành CNTT, Điện tử Viễn thông có đam mê với lĩnh vực an ninh mạng, mong muốn trở thành hacker mũ trắng, chuyên gia an ninh mạng trong tương lai.

Cho biết mô hình tuyển thực tập sinh để tự đào tạo, lựa chọn những ứng viên phù hợp tham gia chính thức vào bộ máy doanh nghiệp là quy trình mà bản thân mình đã trải nghiệm cách đây 8 năm khi đang học năm thứ 2 ĐH Bách khoa Hà Nội, CEO CyStack Trần Quang Chiến chia sẻ: “Tham gia vào chương trình thực tập sinh của CyStack, sinh viên sẽ được đào tạo lại những kiến thức nền tảng cần thiết của ngành CNTT, ATTT; được trực tiếp tham gia nghiên cứu, phát triển sản phẩm ATTT. Ngoài ra, sinh viên sẽ được hưởng phụ cấp sau khi kết thúc đào tạo kiến thức cơ bản và có cơ hội được tuyển dụng chính thức”.

Với VNCS, Công ty vừa tuyển dụng 10 sinh viên vào vị trí thực tập sinh tháng 12/2018, CEO Khổng Huy Hùng cho hay, tuyển dụng sinh viên làm thực tập sinh, từ đó đào tạo, nâng cao trình độ cho họ và sau đó tuyển vào nhân sự chính thức là cách làm đã được VNCS thực hiện trong nhiều năm qua. “Chí ít với riêng công ty chúng tôi, đây là cách làm tương đối ổn”, ông Hùng chia sẻ.

Theo các chuyên gia, việc sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường gia nhập sớm vào “guồng máy” của doanh nghiệp ở vị trí thực tập sinh cần được khuyến khích, bởi lẽ trong quá trình này, sinh viên sẽ thu được nhiều lợi ích như: được tham gia các dự án thực tế về phát triển phần mềm bảo mật; được đào tạo các kỹ năng lập trình tối ưu, nâng cao performance, bảo mật mã nguồn; được định hướng và hướng dẫn nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến ATTT; được trang bị, bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết trong công việc; được hỗ trợ lương thực tập nếu đạt được kết quả tốt; được thưởng theo các dự án nếu tham gia và tạo ra giá trị...

Ngay trước đó, trong tháng 12/2018, Trung tâm An ninh mạng Viettel, Trung tâm ATTT tập đoàn VNPT và Công ty Bkav cũng đã tổ chức các đợt tuyển dụng sinh viên vào các vị trí thực tập sinh ATTT.

Trong bối cảnh xu hướng chuyển đổi số đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ hiện nay, các thách thức về đảm bảo ATTT mạng ngày càng nặng nề hơn, đòi hỏi Việt Nam phải có lực lượng nhân sự làm ATTT đủ mạnh, CEO Công ty CyRadar Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, cần có nhiều chương trình kết hợp giữa các doanh nghiệp làm ATTT và các trường đại học tại Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có nguồn lực để thực hiện các đề tài nghiên cứu đòi hỏi hàm lượng chất xám cao, nhà trường cũng sẽ có đầu ra để các sinh viên có cơ hội được đưa các kiến thức trong trường sớm áp dụng vào thực tế. “CyRadar cũng đang hợp tác với các trường đại học. Ngoài các sinh viên ĐH FPT, Học viện Kỹ thuật Mật mã, ĐH Bách khoa Hà Nội.. thậm chí có cả sinh viên ngành ATTT đến từ Australia, Mỹ cũng tham gia những học kỳ thực tập ở CyRadar”, ông Đức chia sẻ.

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/cntt/viettel-vnpt-bkav-dong-loat-tuyen-dung-sinh-vien-nam-3-4-lam-thuc-tap-sinh-an-toan-thong-tin-177773.ict