Viettel vận hành 35 trạm BOT thu phí không dừng sau 6 tháng triển khai

Sau 6 tháng triển khai, Công ty Cổ phần giao thông số Việt Nam (VDTC), thành viên Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã chính thức vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng tại 35 trạm BOT trên cả nước.

Viettel chính thức vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng.

Viettel chính thức vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng.

Ngày 29/12, dự án thu phí tự động không dừng (ETC) giai đoạn 2 đã chính thức được đưa vào vận hành. Với việc đồng loạt đưa vào khai thác thu phí điện tử không dừng tại 35 trạm BOT, hiện cả nước đã có 91 trạm BOT vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng.

Dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 có tên gọi ePass do Công ty Cổ phần giao thông số Việt Nam (VDTC) phối hợp với các nhà đầu tư BOT triển khai dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Cụ thể, trong 35 trạm thu phí vừa vận hành thì có 25 trạm Viettel thực hiện theo cam kết với Tổng cục Đường bộ và 10 trạm ngoài dự án là các trạm Viettel chủ động đàm phán và ký kết với các nhà đầu tư BOT.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng sau thời gian nỗ lực đến nay, tất cả các trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ đã đạt mục tiêu áp dụng thu phí tự động không dừng, đạt 91/116 trạm. Hiện còn 15 trạm chưa thực hiện được do thời gian thu phí ngắn, phương án tài chính nhà đầu tư không đảm bảo.

“Tính tổng số giai đoạn 1 có 56 trạm đưa vào hoạt động, giai đoạn 2 đưa 35 trạm vào đã nâng tổng số 2 giai đoạn áp dụng thu phí tự động ở các trạm lên con số 91 trạm. Chúng ta đã nỗ lực và cố gắng thực hiện đạt được mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ giao vận hành trước 31/12”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Còn theo đại diện Viettel, doanh nghiệp này đã đưa vào những công nghệ hiện đại nhất, theo tiêu chuẩn của các quốc gia phát triển trên thế giới như công nghệ nhận diện và xử lý ảnh (OCR), giúp cho việc đăng kí sử dụng dịch vụ của khách hàng chỉ tốn khoảng 3 phút.

Bên cạnh đó, hệ thống tính cước thời gian thực (OCS) do Viettel tự nghiên cứu phát triển, giúp cho thời gian lưu thông xe qua trạm giảm tới 60 lần so với thời gian trả phí bằng tiền mặt. Đặc biệt, giải pháp thanh toán trực tuyến khi kết nối với ViettelPay giúp khách hàng không cần nạp tiền vào tài khoản giao thông. Khách hàng cũng có thể nạp tiền vào tài khoản giao thông từ 40 ngân hàng nội địa...

Dự án thu phí tự động không dừng bao gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện tại 44 trạm thu phí do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, do Công ty TNHH VETC cung cấp dịch vụ. Đến nay dự án đã hoàn thành với 40 trạm thu phí thực hiện ETC (riêng 4 đường cao tốc của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam được Thủ tướng chấp thuận thực hiện ETC khi bố trí được nguồn vốn).

Dự án giai đoạn 2 thực hiện ở 33 trạm thu phí do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đơn vị cung cấp dịch vụ ETC giai đoạn 2 là Công ty Cổ phần giao thông số Việt Nam - VDTC.

Đến nay đã lắp đặt đưa vào vận hành ETC tại 25 trạm thu phí. Còn 8 trạm được Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng cho lùi thời hạn hoặc không triển khai ETC, gồm: không triển khai ETC tại 3 trạm trên Quốc lộ 51 do thời gian thu phí còn khoảng 1 năm; chưa triển khai ETC tại 3 trạm thu phí có doanh thu thấp là trạm trên đường Hồ Chí Minh, trạm thu phí cầu Mỹ Lợi, trạm thu phí cầu Thái Hà; 2 trạm thu phí bị người dân phản đối phải dừng thu phí là trạm Bờ Đậu quốc lộ 3 (Thái Nguyên) và trạm T2 quốc lộ 91 (Cần Thơ).

Đối với 50 trạm do 16 địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị không thực hiện ETC tại 4 trạm trên đường nội tỉnh chủ yếu thu phí xe máy. Trong 46 trạm thu phí còn lại, 33 trạm đã lắp đặt xong hệ thống ETC, 7 trạm đang triển khai và 6 trạm thuộc các dự án đang xây dựng chưa tổ chức thu phí.

Ngọc Lưu

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/viettel-van-hanh-35-tram-bot-thu-phi-khong-dung-sau-6-thang-trien-khai-20180504224247729.htm