Viettel và sứ mệnh đưa 35 trạm BOT triển khai thu phí không dừng về đích

Thực hiện cam kết với Bộ GTVT và trên hết là với Chính phủ về triển khai Dự án triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 (BOO2), Tập đoàn Viettel đã chỉ đạo Công ty cổ phần Giao thông số (VDTC) triển khai đồng loạt ở 35 trạm với tiến độ thần tốc để về đích đúng hẹn.

Tập đoàn Viettel đã chỉ đạo Công ty cổ phần Giao thông số (VDTC) triển khai đồng loạt thu phí không dừng ở 35 trạm BOT.

Tập đoàn Viettel đã chỉ đạo Công ty cổ phần Giao thông số (VDTC) triển khai đồng loạt thu phí không dừng ở 35 trạm BOT.

Với VDTC, đầu tư hệ thống thu phí không dừng mới chỉ là bước đi đầu tiên cho mong muốn xây dựng hệ sinh thái giao thông số của Viettel trên phạm vi toàn quốc, phục vụ công cuộc chuyển đổi số toàn diện, vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp và phát triển đất nước.

Từ quyết tâm của Thủ tướng

“Đến 31/12/2020, trạm BOT nào không lắp đặt hệ thống thu phí không dừng phải dừng thu phí”, đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ trong Chỉ thị số 39/CT-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng hồi tháng 10/2020. Điều này đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ thực hiện bằng được chủ trương đúng đắn về triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Không gia hạn thêm thời gian, không nhân nhượng vì bất kỳ lý do gì mà nhà đầu tư BOT đưa ra, trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ cùng các Phó Thủ tướng đã liên tục chủ trì các cuộc họp về vấn đề này và giữ nguyên mục tiêu phải hoàn thành giai đoạn 2 của Dự án trong năm 2020.

Vì sao Chính phủ lại kiên định với mục tiêu phải triển khai bằng được thu phí tự động không dừng như vậy? Quyết định số 19/2020/QĐ-CP ngày 17/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ những lợi ích của việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng nhằm: Tăng cường hiệu quả, minh bạch và hiện đại hóa công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ; bảo đảm kết nối liên thông giữa thu phí điện tử không dừng và một dừng giữa từng trạm và toàn bộ hệ thống; bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng; tăng tốc độ lưu thông qua trạm thu phí, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xã hội, hạn chế sử dụng tiền mặt. Trên thế giới, hiện nay đã có hơn 50 quốc gia đã triển khai hệ thống thu phí không dừng tại các trạm thu phí giao thông.

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích như vậy, nhưng việc triển khai hệ thống thu phí không dừng ở Việt Nam thời gian trước đây rất khó khăn và đã nhiều lần “lỗi hẹn”. Lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm, các chủ đầu tư BOT thiếu mặn mà trong đàm phán, người tham gia giao thông chưa nhận thức đúng về tiện ích khi dán thẻ thu phí không dừng… là những nguyên nhân chính của sự trậm trễ.

Trong bối cảnh ấy, vì sao Viettel lại quyết định thành lập VDCT, liên danh để đầu tư, sẵn sàng bỏ “tiền cọc, thu tiền lẻ”? Trả lời câu hỏi này, Quyền Chủ tịch, Tổng Giám đốc Viettel, thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho biết: “Là tập đoàn công nghệ lớn mạnh nhất của đất nước, chúng tôi tiên phong trong việc xây dựng xã hội số, đã triển khai có hiệu quả trên các lĩnh vực giáo dục, y tế và bây giờ là giao thông, đó là những lĩnh vực phục vụ đông đảo người dân”.

Mặc dù đánh giá việc đầu tư cho Dự án thu phí tự động không dừng thời gian hoàn vốn rất lâu (theo tính toán VDTC sau 27 năm mới bắt đầu có lãi từ Dự án), nhưng, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho rằng, với sức mạnh công nghệ và độ bao phủ rộng khắp của mạng viễn thông Viettel thì Viettel sẽ có cơ hội thành công nhất khi đảm nhận Dự án.

“Vì vậy, Viettel đã nhận dự án để hỗ trợ Bộ GTVT, Chính phủ thực hiện kế hoạch, quyết tâm xây dựng hệ thống phu phí không dừng đã được Quốc hội, Chính phủ đặt mục tiêu”, ông Lê Đăng Dũng cho hay.

Tốc độ triển khai “thần tốc” của Viettel ở 35 trạm thu phí cũng thể hiện sự nghiêm túc của doanh nghiệp này đối với Dự án. Hợp đồng của VDTC chỉ mới được ký kết ngày 14/7/2020, nhưng đến ngày 29/12/2020, Viettel đã sẵn sàng đưa dịch vụ thu phí không dừng vào triển khai trên 35 trạm thu phí trên toàn quốc (trong đó có 25 trạm thuộc các dự án của Bộ GTVT quản lý).

Chưa hết, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng còn cho biết, với 22.500 điểm cung cấp dịch vụ, Viettel đặt kế hoạch sau 15 tháng sẽ có 1,3 triệu khách hàng. Tham vọng của VDTC là phát triển công nghệ và không ngừng đổi mới để giúp bùng nổ thị trường, đưa mật độ thâm nhập dịch vụ từ 26% lên 65%. Viettel cũng đặt ra mục tiêu để Việt Nam thăng hạng vào TOP 10 quốc gia có tỷ lệ phương tiện dán thẻ thu phí tự động cao nhất trong khu vực.

Bước đi đầu tiên

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng chia sẻ, điều làm ông trăn trở là hệ thống giao thông của Việt Nam “chưa thông minh”. Hệ thống hạ tầng giao thông khai thác thiếu hiệu quả, các dịch vụ giao thông thiếu tính kết nối, người tham gia giao thông chưa được hỗ trợ tối đa bởi công nghệ…, trong khi phát triển xã hội số là xu hướng không thể đảo ngược.

“Mục tiêu lớn hơn của Viettel là xây dựng hệ thống giao thông thông minh chứ không chỉ dừng lại ở thu phí không dừng. Sau khi triển khai, hoàn thiện hệ thống thu phí không dừng, chúng tôi sẽ thực hiện các bước đi tiếp theo để xây dựng hệ thống giao thông thông minh trên toàn lãnh thổ, Viettel sẽ thu được lợi nhuận khi triển khai hệ thống này. Chúng tôi cũng có lợi thế rất lớn nữa đó là nền tảng không tiền mặt, bây giờ là ViettelPay, là mobile money và khi triển khai hệ thống thu phí không dừng thì đồng thời chúng tôi cũng triển khai được hệ sinh thái số rất hữu ích này”, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng nói.

Giải thích về hệ sinh thái giao thông số, người đứng đầu Viettel cho biết mục tiêu hướng đến là hỗ trợ tốt nhất cho hệ thống giao thông vận hành một cách hiệu quả, đặc biệt là hỗ trợ người tham gia giao thông có những lựa chọn tối ưu nhất, an toàn nhất khi đi đường.

Ví dụ, khi người lái vận hành một chiếc ô tô thì tất cả các quy trình như đỗ xe, trả phí, các cảnh báo, hỗ trợ xử lý vi phạm… cần được xử lý một cách thông minh, tự động. Ngoài ra thì hệ thống điều khiển giao thông như gắn kết với camera giám sát, đèn báo hiệu, các trung tâm giám sát, điều hành giao thông cần được trang bị hệ thống số hiện đại nhất, tự động hóa toàn bộ quá trình.

Sau này cũng vẫn với một tài khoản như vậy, các lái xe sẽ được hưởng các dịch vụ tiếp theo. Chẳng hạn tới đây khi các thành phố lớn thu phí vào nội đô như ở nước ngoài, thì lúc đó hệ thống sẽ tự động báo cho người lái xe biết là xe vào khu vực thu phí. Rồi việc đỗ xe ở các điểm có tính phí theo thời gian cũng sẽ được hệ thống tín toán, tự thu phí. Hệ thống giao thông thông minh cũng sẽ trợ giúp lái xe nhận biết các điểm nạp năng lượng, điểm sửa chữa ở gần. Ngay cả giải quyết vấn đề va chạm, tai nạn giao thông, sự cố giao thông thì hệ thống cũng sẽ tự động báo cho lực lượng chức năng ứng cứu, xử lý.

“Tôi cho rằng đến năm 2025 xã hội số sẽ phổ biến hơn ở Việt Nam. Tôi cũng tin tưởng rằng, đến thời điểm đó, hệ thống giao thông Việt Nam sẽ là một hệ thống giao thông số thông minh, hiện đại. Các bác tài của chúng ta sẽ được hưởng những thành tựu của giao thông thông minh trên các hành trình của mình”, ông Lê Đăng Dũng nói.

PT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/viettel-va-su-menh-dua-35-tram-bot-trien-khai-thu-phi-khong-dung-ve-dich/418750.vgp