Vietsovpetro - Quản trị tốt nguồn nhân lực

Để hoàn thành những mục tiêu chiến lược trong nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo, công tác quản trị nguồn nhân lực bảo đảm phát triển bền vững là một trong những giải pháp trọng tâm mà Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro thực hiện.

Tinh gọn, nâng cao hiệu quả

Không ngừng hoàn thiện cơ cấu tổ chức và định biên lao động; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính và hoàn thiện cơ chế quản lý nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, đó là 1 trong 5 nhiệm vụ chính của nhiệm kỳ 2015-2020 do Đảng bộ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đề ra.

Người lao động Vietsovpetro làm việc trên Giàn nén khí trung tâm

Người lao động Vietsovpetro làm việc trên Giàn nén khí trung tâm

Quán triệt tinh thần đó, ngay từ đầu năm 2015 Vietsovpetro đã triển khai mạnh mẽ công tác hoàn thiện cơ cấu tổ chức. Trong đó, điển hình là việc sáp nhập Xí nghiệp Vận tải ôtô với Xí nghiệp Dịch vụ cảng & cung ứng vật tư thiết bị, Trường Kỹ thuật nghiệp vụ với Trung tâm An toàn & bảo vệ môi trường.

Năm 2016, Vietsovpetro triển khai Đề án “Tái cấu trúc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro theo hướng hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tối ưu hóa định biên lao động và chi phí nhân viên giai đoạn 2016-2020”. Trên cơ sở đó, Vietsovpetro đã chủ động áp dụng một loạt các giải pháp hoàn thiện cơ cấu tổ chức, giải quyết chế độ cho người lao động nghỉ hưu sớm, sắp xếp lại nhân sự, cắt giảm chức danh, chuyển sang thuê dịch vụ cung cấp nhân lực bên ngoài đối với các chức danh lao động giản đơn tại các đơn vị, nhằm tối ưu hóa định biên lao động, giảm thiểu đầu mối quản lý trung gian, nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý các nguồn lực. Sau 5 năm, Vietsovpetro đã giảm được 4 đơn vị trực thuộc và 2 phòng thuộc Bộ máy điều hành; giảm 93 đầu mối quản lý trung gian là các phòng/ban/xưởng/đội thuộc các đơn vị trực thuộc; tổng định biên toàn Vietsovpetro giảm 26,85% so với năm 2014, tổng tiết giảm chi phí nhân viên tương ứng hơn 120 triệu USD.

Thực tế, việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức trong nhiệm kỳ 2015-2020 là thách thức lớn với Vietsovpetro. Việc cắt giảm nhân sự và các đầu mối quản lý trung gian làm tăng khối lượng và áp lực công việc cho các bộ phận còn lại, làm thay đổi cách thức tổ chức thực hiện công việc khi sáp nhập các bộ phận... Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để Vietsovpetro hợp lý hóa bộ máy, nâng cao hiệu quả quản trị, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Đảng ủy Vietsovpetro đã ban hành Nghị quyết về “Tăng cường tiết kiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Vietsovpetro”. Trong giai đoạn vừa qua, Vietsovpetro đã bảo đảm nhân lực cho mọi yêu cầu hoạt động, hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất được giao. Quan trọng hơn cả, trong điều kiện sản lượng khai thác dầu suy giảm và giá dầu thế giới xuống thấp trong nhiều năm, nhưng thu nhập của CBCNV Vietsovpetro cơ bản được bảo đảm, các chế độ phúc lợi vẫn được duy trì.

Phương thức mới, tối ưu hóa

Nhiệm kỳ 2020-2025, mục tiêu tổng quát mà Đảng bộ Vietsovpetro đề ra được cụ thể hóa bằng 5 nhiệm vụ, trong đó có tái cơ cấu, hiện đại hóa hệ thống quản trị và phát triển nguồn nhân lực. Nói cách khác, trong giai đoạn 2020-2025, công tác hoàn thiện cơ cấu tổ chức tại Vietsovpetro cần phải tiếp tục thực hiện với yêu cầu cao hơn.

Người lao động Vietsovpetro làm việc trên Giàn nén khí mỏ Rồng

Trong thời gian tới, Vietsovpetro nghiên cứu áp dụng mô hình phù hợp theo chương trình hoạt động sản xuất dài hạn, tập trung thành các khối sản xuất, vừa thực hiện nhiệm vụ khai thác của Lô 09-1 theo cơ chế Hiệp định, vừa tham gia các dự án mới ngoài Lô 09-1 và có thể thực hiện các dịch vụ theo cơ chế thị trường trên nguyên tắc cạnh tranh, hiệu quả, có lợi nhuận và tự trang trải chi phí, ổn định trong ngắn hạn và có thể phát triển trong dài hạn.

Tiếp đến, Vietsovpetro áp dụng các phương thức quản trị mới, hiện đại đối với các phòng ban, bộ phận có điều kiện quản lý, hạch toán tương đối độc lập, bảo đảm hiệu quả, tinh gọn, linh hoạt, phản ứng nhanh và thích ứng với biến động của thị trường; ứng dụng công nghệ thông tin thông qua các phần mềm quản lý giao việc và xử lý công việc để đẩy nhanh tốc độ giải quyết, giảm bớt thời gian, công sức thực hiện công việc; ứng dụng các công cụ quản trị tiên tiến như chỉ số đánh giá kết quả công việc, đánh giá nhân viên hằng năm nhằm bảo đảm tính công bằng và hiệu quả, khích lệ người lao động sáng tạo, cải tiến năng suất lao động và chất lượng công việc.

Ngoài ra, Vietsovpetro tối ưu hóa sử dụng nguồn nhân lực bằng việc bố trí sử dụng lao động hợp lý, phù hợp với năng lực, chuyên môn, sở trường; ưu tiên chăm sóc, duy trì đội ngũ nhân lực chủ chốt có tay nghề cao, chuyên ngành sâu, ở các lĩnh vực cốt lõi phục vụ tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; phát triển nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế; có kế hoạch đào tạo, quy hoạch cán bộ, đặc biệt là cán bộ chuyên ngành kỹ thuật phục vụ cho những nhiệm vụ cốt lõi của Vietsovpetro. Cán bộ được quy hoạch có đủ trình độ, bản lĩnh và sẵn sàng thay thế, đảm nhận các vị trí quan trọng khi có cán bộ về hưu hoặc luân chuyển.

Hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí có tính đặc thù, nhân sự dầu khí có yêu cầu chuyên môn sâu chuyên biệt, có sức khỏe và tuổi thọ nghề nghiệp giới hạn. Do đó, chế độ thù lao đối với nhân sự trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí phải có chính sách đặc thù tương ứng. Chế độ lương và các chính sách phúc lợi cần được xây dựng phù hợp, bảo đảm nguyên tắc làm việc nào thì hưởng lương chức danh tương xứng với công việc đó.

Trong doanh nghiệp, nguồn nhân lực là yếu tố vô cùng quan trọng, đóng vai trò then chốt trong mọi hoạt động, quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp. Để hoàn thành những mục tiêu chiến lược sản xuất kinh doanh trong nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo, Vietsovpetro có những giải pháp tốt nhất và phù hợp nhất trong quản trị nguồn nhân lực.

Trúc Lâm

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/vietsovpetro-quan-tri-tot-nguon-nhan-luc-574611.html